Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Châu Thành Lê Thanh Hùng cho biết: "Năm qua, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Châu Thành đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo kịp thời các ban, ngành, hội, đoàn thể và chính quyền địa phương phối hợp Phòng Giao dịch NHCSXH huyện triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Chủ động xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát tại 13/13 xã, thị trấn. Các thành viên ban đại diện là chủ tịch UBND các xã, thị trấn sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại các khóm, ấp".
Hoạt động giao dịch xã được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện nghiêm túc và đúng lịch cố định hàng tháng. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại giao dịch của người vay, đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách dân chủ, công khai, minh bạch.
Tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 99,74%; tỷ lệ thu nợ đạt 93,01%, tỷ lệ thu lãi đạt 99,37%. Đến nay, toàn huyện có 299 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 196 tổ xếp loại tốt (tỷ lệ 65,5%); 63 tổ xếp loại khá (tỷ lệ 21,1%). Chất lượng hoạt động giao dịch xã bình quân của huyện đạt 96,77 điểm, xếp loại tốt, tăng 1,03 điểm so cùng kỳ.
UBND huyện Châu Thành tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) luôn chủ động phối hợp chính quyền cơ sở bình xét cho vay, giám sát hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn và việc sử dụng vốn của hộ vay.
Đến cuối năm 2023, doanh số cho vay trên 131 tỷ đồng, với 3.072 lượt khách hàng vay vốn; doanh số thu nợ 68,7 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng 448,5 tỷ đồng, tăng gần 62 tỷ đồng so cùng kỳ; chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiều chuyển biến tích cực, toàn huyện có 11/13 xã đạt loại tốt, 2 xã đạt loại khá, không có xã trung bình, yếu…
Hoạt động hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi và tổ chức lại sản xuất trên địa bàn được Hội Nông dân huyện quan tâm thực hiện. Năm 2023, Hội Nông dân huyện phối hợp Phòng Giao dịch NHCSXH huyện giải ngân cho 845 hộ vay số tiền hơn 365,4 tỷ đồng, với các chương trình: Hộ nghèo, cận nghèo, học sinh - sinh viên, giải quyết việc làm…
“Ngoài công tác giám sát, quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, hội nông dân các cấp còn phối hợp cơ quan chức năng hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các chương trình khuyến nông vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, nguồn vốn ngân hàng đầu tư mang lại hiệu quả, giúp hộ vay cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững” - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành Trương Ngọc Lợi chia sẻ.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Đồng thời, thực hiện tốt việc đôn đốc, thu hồi, quản lý nợ, phòng ngừa nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động; tiếp tục thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng tại các xã, thị trấn.
Qua đó, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đạt 96,77 điểm, xếp loại tốt. Trong đó, có 11/13 xã, thị trấn xếp loại tốt, chiếm 84,62%; 2 xã xếp loại khá (Cần Đăng, Hòa Bình Thạnh). Cuối năm 2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh trên 12,7 tỷ đồng, tỷ lệ 2,84%, tăng 1.064 đồng so với cùng kỳ. Trong đó, nợ khoanh trên 9 tỷ đồng, tỷ lệ 2,12%, giảm 496 đồng so cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện Châu Thành Hồ Hữu Tài đề nghị: "Năm 2024, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện và các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách vay vốn, nhất là các nội dung mới đến mọi tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các chương trình, hoạt động tín dụng chính sách; nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm giao dịch xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, theo dõi xử lý nợ đến hạn kịp thời, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh… góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững".
TRUNG HIẾU