Chế độ hỗ trợ, mức đóng góp đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện

26/05/2020 - 04:51

 - HĐND tỉnh An Giang vừa ban hành nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ, mức đóng góp đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện, nhằm đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tự nguyện; đa dạng hóa các hình thức, các biện pháp cai nghiện ma túy; ngăn chặn tình trạng quá tải tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh do số lượng người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc có chiều hướng gia tăng.

Các học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tham gia các trò chơi vận động do Tỉnh đoàn tổ chức

Theo đó, chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập của tỉnh, gồm: hỗ trợ bằng 70% định mức tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, tiền đồ dùng sinh hoạt cá nhân đối với người nghiện cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 6, Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9-9-2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 của Chính phủ. Bố trí chỗ ở miễn phí tại cơ sở cai nghiện công lập trong suốt thời gian cai nghiện.

Hỗ trợ 95% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sĩ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường cho các đối tượng: người dân tộc thiểu số, người bị nhiễm HIV/AIDS, người thuộc hộ cận nghèo, người chưa thành niên (từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi). Các chế độ hỗ trợ còn lại được áp dụng theo quy định của Thông tư số 124/2018/TT-BTC ngày 20-12-2018 của Bộ Tài chính.

Chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật, gồm: hỗ trợ 1 lần tiền thuốc điều trị cắt cơn nghiện ma túy; hỗ trợ chi phí khám sức khỏe: 150.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định; hỗ trợ chi phí xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn: 200.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định.

Người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập phải đóng góp các khoản chi phí: 100% chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sĩ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS) theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập; chi phí điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường tại cơ sở cai nghiện ma túy theo phí thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ hợp pháp trường hợp không ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Riêng các đối tượng quy định tại Khoản 4, Điều 2, Nghị định số 80/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các đối tượng mở rộng tại Điểm d, Khoản 1 Điều 2 của nghị quyết này chỉ đóng góp 5% chi phí nêu trên. Đóng góp bằng 30% định mức mức tiền ăn hàng tháng, tiền mặc, tiền đồ dùng sinh hoạt cá nhân đối với người nghiện cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9-9-2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 của Chính phủ. Chi phí tiền điện, nước, vệ sinh: 80.000 đồng/người/tháng. Chi phí sinh hoạt văn nghệ, thể thao: 70.000 đồng/người/đợt tổ chức. Chi phí học văn hóa, học nghề (nếu đối tượng có nhu cầu): mức thu tùy thuộc vào ngành nghề đăng ký và chi phí thực tế từng thời điểm, đảm bảo thu đủ bù chi.

Người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại gia đình và cộng đồng trong thời gian cai nghiện phải đóng góp các khoản chi phí: (trừ các trường hợp được miễn, giảm và hỗ trợ theo quy định): chi phí khám sức khỏe 150.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định; xét nghiệm phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn 200.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định; tiền thuốc trong hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện ma túy 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định; tiền ăn trong thời gian cắt cơn nghiện tập trung tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh 40.000 đồng/người/ngày, thời gian cắt cơn nghiện đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính với chất ma túy; chi phí cho các hoạt động giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm gần đây, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy ngày càng tăng. Năm 2019, toàn tỉnh quản lý 6.155 người nghiện, có 803 người nghiện ma túy mới (tăng 15% so với năm 2018), trong đó có nhiều người nghiện là dân tộc thiểu số, người thuộc hộ cận nghèo, người nghiện bị nhiễm HIV/AIDS không nằm trong đối tượng được nhà nước hỗ trợ khi tham gia cai nghiện tự nguyện. Đặc biệt, nhiều người nghiện chưa thành niên (từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi) không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và chưa có chế tài để xử lý.

Để khuyến khích, thu hút người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập, tại gia đình và cộng đồng, giảm tỷ lệ cai nghiện bắt buộc, tránh tình trạng quá tải tại Cơ sở điều trị theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Chính phủ; tạo sự thống nhất về đối tượng hỗ trợ, mức chi, chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nên việc ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đảm bảo an ninh trật tự.

HẠNH CHÂU