Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng qua thơ và trường ca

29/04/2019 - 10:09

Với truyền thống yêu thơ, không khí chiến thắng bao trùm tạo nên một cảm hứng lớn có sức cổ vũ lớn cho đội ngũ sáng tác. Thơ có mặt ở mọi lúc mọi nơi, và đặc biệt trong khí thế quyết thắng thơ nở rộ hàng chùm bài, hàng chục bài, hàng trăm bài đăng tải ở hầu hết các kênh thông tin ở Trung ương và địa phương.

I. Mùa đại thắng đã đền cho trái chín

Đó là câu thơ nhà thơ Sóng Hồng xúc động viết về đại thắng mùa xuân năm 1975. Trái chín thành quả của tinh thần quật khởi chống xâm lăng, của tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng đã đến với dân tộc vào đúng 11 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi lá cờ đỏ tung bay trên tòa nhà của phủ Tổng thống ngụy, báo hiệu chính thức toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử:

Lần đầu tiên xuất hiện

Cờ Mặt trận giải phóng

Phần phật cười trên nóc dinh Độc Lập

Dân Sài Gòn được nhìn tận mắt

Lá cờ nửa đỏ nửa xanh

Nửa nước đau thương

Nửa nước hòa bình       

 (Đò trăng – Y Phương)

Từ ngọn cờ cắm trên hầm Đờ cát

Đến ngọn cờ ngày 30 tháng 4

(Trường ca sư đoàn – Nguyễn Đức Mậu)

Bức ảnh " Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30-4-1975" của nhà báo Trần Mai Hưởng. Ảnh minh họa

Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn lao kết thúc hơn 20 năm đấu tranh chống để quốc Mỹ đầy gian khổ đã thắng lợi vẻ vang; kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc kể từ cách mạng tháng Tám 1945. Chiến thắng còn đánh dấu sự chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân phong kiến ở nước ta, rửa nỗi đau mất nước suốt hơn một thế kỷ. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam - kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trận toàn thắng tuyệt đẹp này cũng nâng đôi cánh thơ vươn lên tầm cao mới và thu hút một lực lượng người làm thơ đông đảo. Trong 55 ngày đêm, cuộc tiến công và nổi dậy đã đánh tan trên 1 triệu quân ngụy, làm sụp đổ toàn bộ ngụy quyền, thực hiện thắng lợi vẻ vang quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam và thống nhất hai miền Nam – Bắc.

Với truyền thống yêu thơ, không khí chiến thắng bao trùm tạo nên một cảm hứng lớn có sức cổ vũ lớn cho đội ngũ sáng tác. Thơ có mặt ở mọi lúc mọi nơi, và đặc biệt trong khí thế quyết thắng thơ nở rộ hàng chùm bài, hàng chục bài, hàng trăm bài đăng tải ở hầu hết các kênh thông tin ở Trung ương và địa phương. Thơ ngâm trên sóng phát thanh, trong các cuộc Hội nghị hoặc truyền tay nhau đọc. Thơ hòa cùng niềm vui chiến thắng khi cả dân tộc đang ca khúc khải hoàn "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" (Phạm Tuyên) và nhà thơ tràn trào nguồn cảm xúc, hồ hởi viết, hồ hởi ngợi ca bằng lòng ngưỡng mộ, mê say trong tâm trạng "Vui thế hôm nay", "Toàn thắng về ta" (Tố Hữu)...

Họ đã tìm đến những thể loại phát huy tối đa nguồn cảm xúc, đó là thơ và trường ca.

II. Thơ – trường ca về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

1. Các nhà thơ thời chống Mỹ hiểu sứ mệnh, sự đóng góp của thơ. Cũng như mọi thể loại khác, thơ đã trở thành vũ khí tinh thần, một sức mạnh tham gia vào cuộc chiến đấu, gắn bó với vận mệnh của dân tộc, nhân dân. Huy Cận thấy trách nhiệm của thơ:

Thơ ta ơi bay làm sao cho kịp

Chân anh giải phóng quan đi giải phòng miền Nam

Quan niệm ''Thơ cần có ích'' được nhà thơ nâng lên ở một bình diện mới:

Xưa thơ chỉ hay than mà ít hỏi

Đảng dạy ta: Thơ phải trả lời

(Nghĩ về thơ)

Trước yêu cầu của lịch sử, thơ được coi là "binh chủng mũi nhọn có tính xung kích, lên tiếng trước mọi biến cố lịch sử" (1) , thực hiện sứ mệnh cao cả, những nhiệm vụ quan trọng của thơ. Thơ bám sát hiện thực sôi động của cuộc kháng chiến và nhanh chóng phản ánh kịp thời những sự kiện lớn lao của đất nước, phản ánh sự dũng cảm hy sinh quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thống nhất nước nhà. Với người lính, thơ đến với họ như một lẽ tự nhiên, một nhu cầu tất yếu của tình cảm, giúp họ tạm quên đi những khó khăn đang phải trải qua:

Chúng tôi vừa đi vừa nhẩm dọc đường

Thơ cứ đến và mưa chiều mau ngớt

(Hữu Thỉnh)

Dù là câu thơ ghi vội, nhưng nó không thể là những bức ký hoạ đơn thuần, không phải là sự bắt chước mà thơ đòi hỏi một sự kiếm tìm, cao hơn nữa là sự hoà quyện giữa tư tưởng và cảm xúc: "Cảm xúc từ trái tim/ Tư tưởng sáng trong đầu" (Nguyễn Đức Mậu). Vì lẽ đó dù bận nhiều việc, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn dành thời giờ làm thơ. Lứa tuổi măng non cũng góp thêm tiếng nói hồn nhiên trong trẻo. Lại có tác giả đã gác bút sau nhiều năm, nay tin vui chiến thắng nức lòng cũng bắt đầu viết trở lại sôi nổi, nhiệt huyết như những năm xưa...

2. Cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của chúng ta có Đảng quang vinh là người cầm lái vĩ đại. Những con người ưu tú nung nấu nghĩ suy, phát huy cao độ trí tuệ chỉ đạo cuộc chiến bằng các chiến lược chiến thuật tài tình. Mệnh lệnh của Trung ương cả nước đáp vọng:

Nóng bỏng lời kêu gọi của Trung ương

Cả nước hành quân ra tuyến lửa

(Tố Hữu)

Từ việc nhận thức tốt những vấn đề chính trị, nhà thơ nắm chắc phương châm chỉ đạo của Đảng ta: "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ". Trước khí thế quyết chiến quyết thắng, Bộ chính trị quyết định "lấy tên chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn và cả miền Nam là Chiến dịch Hồ Chí Minh" (2).

3. Trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột là trận đánh mở màn trong chiến lược quân sự của Đảng. Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh "phải giữ Buôn Ma Thuột bằng bất cứ giá nào", nhưng trước sức tấn công mạnh mẽ của ta địch hốt hoảng rút lui chiến lược, bỏ trống toàn bộ chiến trường Tây Nguyên, co cụm giữ giữ các tỉnh ven biển miền Trung. Đây là trận đánh then chốt đầu tiên điểm "trúng huyệt" quân địch. Hàng loạt bài thơ thể hiện niềm vui của trận đánh mở màn: "Gửi Tây Nguyên" (Vũ Đình Liên), "Tây Nguyên mùa xuân này" (Nguyễn Viết Lãm), "Tiếng sấm tháng ba" (Xuân Sách), "Trường ca núi lửa" (Thu Bồn)... Nhà thơ Tố Hữu kịp thời ghi lại khí thế thần tốc:

Chặt Buôn Mê Thuột, rụng cả Tây Nguyên

Âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, khí thế quyết chiến, quyết thắng thể hiện qua những câu thơ có nhịp điệu mạnh, dồn dập, hối hả:

Quét Huế-Thừa Thiên, đổ nhào Đà Nẵng

Và Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên

Và Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Nhà Trang

Nắm bắt được thế thất trận thảm hại của kẻ thù, Tố Hữu đặc tả:

Bỗng choàng dậy bàng hoàng

... Sắp tắt hoàng hôn.

Lũ ngụy cuống cuồng rũ rượi một màu tang cờ trắng

Nhà thơ chiến sĩ Hữu Thỉnh trên "Đường tới thành phố" đã chứng kiến cảnh Sứ quán Mỹ chọn 13 mái nhà ở Sài Gòn làm sân đỗ máy bay lên thẳng chở quân lính ra biển: "13 nóc nhà cao 13 bết tát…".

Phối hợp với chiến trường Tây Nguyên, ta mở tiếp chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Tin vui chiến thắng dồn dập. Sau chiến thắng có hàng trăm bài thơ viết về Huế. Tố Hữu - người con quê hương dành trọn tình yêu Huế qua "Bài ca quê hương":

Hai mươi chín năm dằng dặc xa quê

Nay mới được thăm mừng tái tê...

Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt

Huế giải phóng nhanh mà anh lại muộn về

Niềm vui khi Huế giải phóng được Nguyễn Đức Mậu thể hiện thành công bằng những ẩn dụ:

Huế vươn vai mặc áo xanh da trời

Sông Hương thôi chảy khúc buồn đau

Huế day dứt trong chờ mong hồi tưởng

Mùa xuân may cờ cho đỉnh Phu Văn Lâu

(Thi khúc thành Huế)

Không có một chiến công nào không có tiếng vang trong thơ. Thơ như được tiếp thêm sức mạnh, mở rộng sự phản ánh, ôm trùm để có thể theo kịp chiến thắng:

Gió thời đại thổi vào trang giấy

Mỗi ngày một quận lỵ-Một đêm bao phố phường

Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất

Tin thắng mỗi ngày mọc trước vừng dương

(1975, năm vĩ đại và ngày vĩ đại-Chế Lan Viên)

Nhà thơ Tế Hanh cũng có cảm nhận như vậy:

Mùa xuân nào như mùa xuân 1975

Hai mươi ngày thay đổi hai mươi năm

(Mùa xuân 75)

Thế trận chiến thắng như chẻ tre, như róc mía, như phạt ngang tầu chuối đã thổi bung lên niềm vui bất tận, thôi thúc nhà thơ hào hứng viết. Một đội ngũ sáng tác đông đảo: Sóng Hồng, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Xuân Thủy, Giang Nam, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh... Bên cạnh những bài thơ viết về những chặng đường chiến công, những trận đánh cụ thể là những bài mang tầm khái quát về toàn bộ cuộc tổng tiến công, "nâng suy nghĩ và cảm xúc xoay quanh những trục tư tưởng và tình cảm lớn" (3): "Toàn thắng về ta" (Tố Hữu); "1975-năm vĩ đại và ngày vĩ đại", "Thơ bổ sung" (Chế Lan Viên); "Như đi trong mơ" (Hoàng Trung Thông); "Việt Nam toàn vẹn của ta" (Nguyễn Xuân Thâm); "Chiến thắng" (Xuân Quỳnh)...

Hơn ai hết đội ngũ sáng tác này nhận thức sâu sắc sự chỉ đạo của Đảng, họ hiểu đây là cuộc chiến thắng tập trung tinh hoa của trí tuệ và sức mạnh của dân tộc, nó đáp ứng sự chờ đợi tin tưởng của nhân dân ta. Trong Đường tới thành phố, Hữu Thỉnh viết khúc 3 với nhan đề Thần tốc, trong đó có câu thơ nhấn mạnh ý nghĩa đó:

Thần tốc, thần tốc hơn nữa

Táo bạo, táo bạo hơn nữa

Hành khúc các binh đoàn hất kẻ thù ra biển

Trong "Trường ca sư đoàn", Nguyễn Đức Mậu viết phần 2 Hành quân thần tốc với những câu thơ có nhịp điệu khẩn trương, hối hả vì Sài Gòn phía trước đang gần lại/ Khắp ngả đường sâu đã đỏ cờ. Không thể chậm trễ, những chiến sĩ cuốn trong lệnh hành quân thần tốc, tranh thủ thời gian tới mức tối đa:

Giờ nghỉ ven đường bếp nhóm vội

Nấu chưa kịp chín lệnh hành quân

Bê nồi cơm sống lên xe tải

Không cần đũa bát chẳng cần mâm

Đường dài xe chạy người ăn bốc

Một miếng cơm nhai có bụi lầm

Nước chưa kịp nấu biđông cạn

Và trong hoàn cảnh ấy, ngoài tinh thần chịu đựng, vượt lên trên mọi khó khăn được nhà thơ diễn tả có pha chút hài hước, hóm hỉnh của người linh còn là nghĩa cử đồng đội thật đẹp đẽ, xúc động:

Múc nước sông cùng nhau uống tạm

Mũ cối chuyền tay tôi với anh

Các nhà thơ hiểu rõ sức mạnh của ba thứ quân đã lớn mạnh về số lượng. Những binh đoàn cơ động gồm nhiều binh chủng hợp thành ra đời, tạo nên những quả đấm mạnh và những mũi tiến công sắc nhọn trên các địa bàn chiến lược quan trọng:

Thiết giáp cuốn say người

Lặng lẽ đặc công vào lót ổ

Giành giật những nhịp cầu

Xe pháo ầm ì vô tận nối nhau đi

Áo tân binh xanh đẫm bến phà

(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)

Thế trận hợp đồng tác chiến đã tạo nên sức mạnh vô định để làm nên chiến thắng. Hữu Thỉnh viết tiếp: "Bước chân anh cũng không sao đến được các trung đoàn, trung đoàn hành quân, trung đoàn tăng gia, trung đoàn vây lấn, trung đoàn luồn sâu vu hồi đáng úp, xé kẻ thù trong thế cài răng lược khắp Tây Nguyên".

Ở "Trường ca sư đoàn" - một sư đoàn có chiều dài lịch sử, có thế đứng "phượng hoàng"- sư đoàn chủ lực anh hùng trong ngày chiến thắng được thể hiện trong sự lớn mạnh theo chiều dài lịch sử từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ: "Và lớn mạnh sư đoàn chủ lực/ Đánh trận đầu tiên/ Đánh trận cuối cùng". Chương "Tờ lịch cuối cùng" ở trường ca "Đường tới thành phố", tác giả diễn tả tâm trạng phấp phỏng mong chờ, niềm vui rạo rực của người lính của hậu phương và đặc biệt niềm vui của mẹ hướng về những đứa con, về đoàn quân giải phóng: "Nếu mẹ biết chỉ còn đêm nay/ Đêm nay nữa là con vào thành phố/ Mẹ sẽ khóc/ Rồi mẹ đi nhóm lửa/ Tưởng sáng mai là con đã có nhà".

Trước trận đánh lớn 30 tháng 4, các chiến sĩ không nghĩ gì cho riêng mình mà các anh nghĩ đến mẹ, tới quê hương:

Ngày mai chúng mình tiến vào thành phố

Đêm nay mẹ lại nhắc chúng mình

Mẹ cả nghĩ và bố thướng ít nói

Lúa đồng mình mỏi mắt vẫn chưa hoe

(Đường tới thành phố - Hữu Thỉnh)

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, quân và dân ta kéo cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập và hoàn toàn làm chủ thành phố Sài Gòn - Gia Định. Không nói hết niềm vui của cuộc hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn qua bài thơ "Đến với Sài gòn" của Nguyễn Đức Mậu:

Tháng Tư này tôi là người cầm cờ

Tôi là người lái tăng, tôi là anh pháo thủ

Tôi là nỗi chia ly tôi là niềm đoàn tụ

Lòng muốn nhân lên khi đến với Sài Gòn

Nguyễn Đức Mậu sử dụng hàng loạt điệp từ "Tháng tư" nhằm khẳng định niềm tin bất diệt vào thời khắc lịch sử tạo bước ngoặt lớn cho dân tộc: Tháng Tư này hành quân như bay, Tháng Tư này giấc ngủ bồn chồn, Tháng Tư này xe nối theo xe, Tháng Tư này tôi biết nói gì, Tháng Tư này tôi là người cầm cờ, Tháng Tư này tôi biết nói gì hơn... Binh đòan xếp hàng, xe pháo hành quân với niềm tin cháy bỏng "Sài Gòn ôi ngày giải phóng đến rồi". Về với Sài gòn những người lính tràn trào niềm vui khôn xiết. Họ hồi hộp, phấp phỏng, chờ đợi khi Trung đoàn trưởng hét to: "Còn hai trăm cây số nữa... Không phải hai trăm cây số đường Trường Sơn-Mà hai trăm cây số đến Sài Gòn". Xúc động biết bao nhiêu khi binh đoàn hội tụ các vùng miền đang trên đường tiến về cửa ngõ Sài Gòn:

Trong chúng tôi kẻ Bắc người Nam

Giải phóng Sài Gòn thành niềm mong ước

Dẫu đánh đổi đời mình không nuối tiếc

Tháng Tư này quả chín ở tầm tay

Nhà thơ đã hiểu nỗi lòng người bạn quê Sài Gòn trước khi tiến vào cửa ngõ quê hương:

Trong chúng tôi có người quê Sài Gòn

Có phải đêm qua anh nằm mơ: Trái tim rung trong núm xoáy ổ khóa

Bà má lưng còng nức nở gọi tên anh

Thời khắc tháng Tư đã đánh một mốc chói lọi, một bước ngoặt lớn của đất nước Sài Gòn là tình cảm là nỗi chờ mong, là niềm khao khát đợi chờ. Nhà thơ dành cho Sài Gòn tình cảm đặc biệt: Trăm đường đi dồn tới Sài Gòn, Có phải Sài Gòn trăm chấm sáng phía trời kia, Lòng muốn nhân lên khi đến với Sài Gòn, Tôi thấy trước Sài Gòn rợp bóng cờ bay...

Tố Hữu là một trong những nhà thơ đã thể hiện tập trung cảm xúc trào dâng của mình khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Chùm thơ: Vui thế hôm nay, Toàn thắng về ta, Bài ca quê hương đều được viết trong thời điểm lịch sử đó. Nhà thơ diễn tả đầy đủ các cung bậc tình cảm:

Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng

Trào dâng nước mắt cứ rưng rưng

Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy

Dồn dập tim ta, trăm trận thắng tưng bừng

Toàn thắng về ta thật trọn vẹn: Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn. Cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lãng mạn. Thơ Tố Hữu trong những năm chống Mỹ cứu nước mang đậm tính chính luận và chất sử thi, nhiều chỗ vươn tới âm hưởng anh hùng ca. Nhà thơ tôn vinh "chàng trai chân đất","Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi" bằng những câu thơ hoành tráng mang tầm vóc sử thi:

Không, không phải thiên thần

Bước chân hài bảy dặm

Vẫn là Anh, anh Giải phóng quân

Vẫn đôi dép cao su đánh giặc suốt ba mươi năm lội khắp sông sâu rừng thẳm

Vũ khí chính là Anh, lòng yêu thương mênh mông

Vũ khí chính là Anh, lửa căm hờn nóng bỏng

Tổ quốc cho Anh dòng sữa tự hào

Thời đại cho Anh ánh sao trí tuệ

Lịch sử sang Xuân, Anh vào trận cuối cùng

(Toàn thắng về ta!)

Nguyễn Đức Mậu khẳng định người chiến thắng chính là anh, từ rừng sâu trở về thành phố:

Chúng con đã về từ cánh rừng sâu

Áo quân phục sạm màu gió nắng

Mũ lá sen lật khoảng trời thuốc đạn

Chấm sáng rưng rưng rưng mắt ướt bao người

Hạnh phúc nào hơn "Giặc nước đuổi xong rồi", người lính được trở về quê hương trong sự chờ đón của dân làng "Trái tim như chiếc lá non/ Se sẽ reo":

Bà con ơi

Thằng con Tào Cường từ nơi bom đạn trở về

Nguyên vẹn mùi chàng trai người Tày

Nguyên vẹn người đàn ông ở làng Hiếu Lễ

Khi trở lại quê nhà

 (Đò trăng – Y Phương)

Không nén nổi xúc động trong niềm vui bất tận "Vui thế hôm nay", Tố Hữu cất tiếng gọi Bác, chia sẻ niềm vui bất tận cùng Bác:

Bác Hồ ơi Toàn thắng về ta

Chúng con đến xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lỗng lẫy cờ hoa

(Toàn thắng về ta)

4. Các nhà thơ cắt nghĩa về chiến thắng của dân tộc bằng việc phác họa con đường đi tới của người lính. Đó là con đường từ gian khổ hy sinh qua bao ngày tháng, bao chiến dịch cho đến ngày toàn thắng. Để có hạnh phúc, có chiến thắng phải đổi bằng sự hy sinh của biết bao thế hệ. Để có một con đường phải có bao người mở đường nằm lại. Con đường Nguyễn Đức Mậu phác họa trong "Trường ca sư đoàn" trải qua nhiều chiến dịch từ Hạ Lào đến Quảng trị để tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là thực tế một sư đoàn chủ lực đã phải trải qua, đồng thời cũng là thực tế chiến đấu của đất nước. Đây là những chiến dịch lớn và trọng điểm để dồn lực lượng tiến công cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giành được thắng lợi toàn thắng về ta. Chiến tranh đã đi qua, cùng với những chiến thắng chúng ta không thể không nhắc tới sự hy sinh cao cả của đất nước, của nhân dân. Hình ảnh đất nước nhân dân đan quyện thống nhất, hài hoà. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã đúc kết chân lý đó qua trường ca "Mặt đường khát vọng":

Đất nước ngày là đất nước của nhân dân

Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại

Xúc động trước sự hy sinh vĩ đại, vai trò to lớn của nhân dân, nhà thơ Hữu Thỉnh viết:

Nhân dân bao dung tin vào nhân nghĩa

Ôi nhân dân tấm lá chắn diệu kỳ

Người nhận mọi vết xăm cho căn hầm nguyên vẹn

Người kéo co giành giật lại đôi kèo

Niềm vui giải phóng của người dân Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu chụp lại từ cuốn Giải phóng của nhà văn, nhà báo Tiziano Terzani, NXB Chính trị quốc gia sự thật ấn hành 2019

Trong niềm vui hân hoan khi đất nước giải phóng, những người có vinh dự được chứng kiến sự kiện vĩ đại này lặng đi xúc động vì bao người đã "vắng mặt trong ngày xum họp hôm nay". Ân tình, nghĩa nặng với sự hy sinh đó, Nguyễn Đức Mậu tỏ bày tấm lòng mình, sự tri ân của đất nước đối với bao người con đã anh dũng hy sinh cho ngày non sông thống nhất:

Chúng tôi nhớ nhau nhìn vết đạn trên cờ

Vết đạn trên cờ cháy lên thành câu hỏi

Có nơi đâu như đất nước mình

Một ngày vui hoà bình

Ba mươi năm súng nổ…?

Ngọn cờ thấm máu của nhân dân vĩ đại. Sự hy sinh đã tô đậm hơn màu máu trái tim yêu nước:

Ôi ngọn cờ đỏ hết mọi hy sinh

(Nguyễn Đức Mậu)

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối không còn "Nỗi đêm Nam ngày Bắc/ Giữa quê hương mà như kiếp đi đày", hai miền Nam Bắc xum họp một nhà như nguyện ước bấy lâu của Bác kính yêu. Không nén nổi niềm vui tràn trào, các nhà thơ tập trung thể hiện niềm sung sướng ấy:

Ôi, buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp

Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta

Chúng con đến xanh ngời ánh thép

Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa

(Tố Hữu)

Chế Lan Viên ngợi ca công đức trời biển và tình yêu thương mênh mông của Bác Hồ như "bóng mát cây xanh"(Thơ bổ sung)...

5. Thơ viết về đại thắng mùa xuân năm 1975 có nhiều "nét mới hơn hẳn với thơ viết về cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1968" (4) . Chính hiện thực cuộc chiến đấu vĩ đại, chính chất anh hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã phản ánh vào thơ, đưa thơ lên một tầm cao mới trên cơ sở phát huy thành tựu của thơ chống Mỹ. Thơ đã khơi sâu một số suy nghĩ, khái quát một số vấn đề lớn mang tính chính luận, dồi dào nguồn cảm hứng thời đại, giai cấp, về Đảng, về lãnh tụ, về dân tộc ta, về sự góp sức của bạn bè năm châu... Thơ xây dựng những hình tượng những con người, những mảnh đất anh hùng: Bác Hồ vĩ đại, nhân dân anh hùng... Non sông thu về một mối, đất nước ca khúc khải hoàn, cả dân tộc thầm hứa với Bác:

Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh

Đứng gác biển trời tươi mát màu lam

Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm đường Kách mệnh

Cho chúng con được trở về vĩnh viễn Việt Nam!

(Toàn thắng về ta - Tố Hữu)

III. Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã mở ra một kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam-kỷ nguyên thống nhất, độc lập, tự do, và tiến lên chủ nghĩa xã hội

Trận toàn thắng đã nâng đôi cánh thơ vươn lên tầm cao mới và thu hút một lực lượng người làm thơ đông đảo. Được coi là binh chủng mũi nhọn có tính xung kích, thơ đã kịp thời lên tiếng trước mọi biến cố lịch sử, bám sát hiện thực sôi động của cuộc kháng chiến, nhanh chóng phản ánh những sự kiện lớn lao của đất nước: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh đã đi qua, bên cạnh những vần thơ hào sảng như lửa cháy là những bài thơ được nâng lên tầm cao triết luận trong suy nghĩ về con đường chiến thắng, sự hy sinh anh dũng của cả dân tộc để có ngày chiến thắng hôm nay.

Đại thắng mùa xuân 1975 đã mở ra bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các nhà thơ chống Mỹ đã rất thành công trong việc tái hiện cuộc tiến công và nổi dậy của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều đặc biệt hơn cả với nhiệm vụ cao cả của mình, các nhà thơ đã thể hiện thành công Tượng đài chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bằng ngôn ngữ Thơ.

Bài có sử dụng một số tư liệu:

(1) Vũ Tuấn Anh- Văn học Việt Nam chống Mỹ. NXB Khoa học xã hội. H. 1979.

(2) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam -NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 170.

(3) Quốc Nhật-Ngọc Thiện, Tạp chí Văn học số 2 năm 1976, tr 134.

(4) Quốc Nhật-Ngọc Thiện, Tạp chí Văn học số 2 năm 1976, tr 134.

Theo Nhà văn LÊ THỊ BÍCH HỒNG (Tổ quốc)