Chỉnh trị dòng chảy để hạn chế sạt lở bờ Châu Phong

19/01/2018 - 06:46

 - Đoạn sạt lở (SL) bờ sông Hậu kéo dài từ kênh xáng Tân An đến ngã ba sông Châu Đốc (phà Châu Giang) thuộc xã Châu Phong (TX. Tân Châu) khoảng 7.000m diễn ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản, nhà cửa, đất đai, diện tích đất sản xuất của người dân và hạ tầng giao thông. Tỉnh đang triển khai dự án “Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL đoạn sông Hậu thuộc xã Châu Phong” nhằm bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng người dân.

SL nghiêm trọng

Theo ghi nhận của phóng viên, từ năm 2010 đến nay, nơi đây bắt đầu xảy ra SL và uy hiếp nghiêm trọng đến đất đai, nhà cửa của người dân. lần SL đầu tiên xảy ra vào đêm 2-9-2011 làm 16 căn nhà phải di dời khẩn cấp; ngày 13-10-2011, SL phải di dời khẩn cấp 13 ngôi nhà của người Chăm ở ấp Phủm Soài (xã Châu Phong); ngày 22-10-2011 SL uy hiếp phải di dời 16 ngôi nhà ở ấp Hòa Long (xã Châu Phong)…

Chưa dừng lại ở đó, đoạn đường liên xã Châu Phong - Long An cũng bị uy hiếp bởi tình trạng SL diễn ra liên tục từ nhiều năm nay. Người dân ở đây bất lực khi nhìn cảnh đất đai, vườn tược đổ ụp xuống sông. Ông Năm (một người dân ở ấp Vĩnh Lợi 2) than thở: “Ngày xưa, nhà tui cách mép nước hơn 200m, hiện giờ chưa đầy 10m, do SL liên tiếp từ mấy năm nay. Không phải SL do lũ hay khai thác cát, mà do dòng chảy, kể cả mùa khô cũng SL”.

Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết đường bờ sông Hậu (xã Châu Phong), tình trạng SL diễn biến rất phức tạp. Do xâm thực mạnh đã tạo hàm ếch ăn sâu vào đất liền, có nơi ăn sâu hơn 25m, “nuốt chửng” nhiều diện tích đất của người dân. Trước tình trạng SL ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng kè đường bờ xã Châu Phong và giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) triển khai dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL theo hình thức xã hội hóa (Thông báo số 58 ngày 14-3-2016 và Thông báo số 243 ngày 12-6-2017 của Văn phòng UBND tỉnh).

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã tổ chức công bố công khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Kết quả, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Minh Thư được chọn thực hiện dự án và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam là đơn vị tư vấn khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án nạo vét đảm bảo mục tiêu trên.

Chỉnh trị dòng chảy

Theo Sở TN&MT, đoạn SL nằm ngay bờ trái sông Hậu, kéo dài từ kênh xáng Tân An đến ngã ba sông Châu Đốc (phà Châu Giang) thuộc xã Châu Phong với tổng chiều dài khoảng 7.000m. Khu vực này xảy ra SL rất mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, nhà cửa, đất đai của người dân. Nguyên nhân do đoạn sông chảy qua khúc cua cong, dòng chảy áp sát và gây xâm thực phía cung bờ lõm với tốc độ xâm thực từ 5-10m/năm. Địa phương đã di dời 198 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, khu vực ngã ba sông Châu Đốc, dòng chảy có sự hợp lưu giữa sông Hậu với sông Châu Đốc, tạo dòng xoáy đào khoét đáy sông, tạo hố sâu (-30m) ở giữa sông (dài 130m, rộng 70m). Nguy cơ có thể xảy ra SL bất ngờ với những mảng trượt lớn đối với đoạn bờ dài 600m (phía xã Châu Phong) và khoảng 500m (phía phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc).

Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Sở TN&MT phối hợp các ngành: giao thông - vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, kế hoạch và đầu tư, xây dựng, tài chính, UBND huyện An Phú và UBND TX. Tân Châu thẩm định dự án trước khi trình UBND tỉnh quyết định.

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất thực hiện dự án “Nạo vét chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL đoạn sông hậu thuộc xã Châu Phong”. Địa điểm thực hiện: xã Châu Phong, xã Vĩnh Trường và xã Đa Phước (An Phú). Chiều dài đoạn nạo vét 1.400m (rộng từ 70-200m), diện tích khu vực nạo vét, thu hồi khoáng sản là 28,76ha. Vị trí nạo vét cách đường bờ xã Vĩnh Trường, Đa Phước khoảng 60-80m, cách đường bờ xã Châu Phong từ 60-100m. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm với khối lượng cát thu hồi 700.000m3.

Để triển khai dự án, Sở TN&MT, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Minh Thư (chủ đầu tư thực hiện dự án) cùng lãnh đạo UBND, mặt trận, đoàn thể các xã đã tổ chức đối thoại lấy ý kiến cộng đồng. Tất cả người dân đều đồng thuận (người dân xã Châu Phong đồng thuận rất cao, còn người dân xã Vĩnh Trường, Đa Phước thì yêu cầu thực hiện không để xảy ra SL đường bờ phía đất của họ). Tuy nhiên, khi thực hiện nạo vét (ngày 10-1-2018), một số người dân ở xã Vĩnh Trường (An Phú) ngăn cản. 

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường Nguyễn Văn On cho biết: Vĩnh Trường có tất cả 79 hộ dân nằm trong khu vực này, ngoài 12 hộ đi làm ăn xa, còn có hơn 10 hộ “phản ứng” là có nhà cách mép nước khoảng 200m. Thực tế là khả năng SL phía bờ Vĩnh Trường sẽ khó xảy ra. những hộ dân này không đồng ý cho nạo vét.

Khi dự án thực hiện (ngày 10-1-2018) thì hơn 30 người đi ghe ra giữa sông ngăn cản không cho nạo vét thông luồng. Tôi trực tiếp xuống mời bà con vào bờ để vận động, tuyên truyền để họ hiểu rõ mục đích dự án nhưng vẫn không thống nhất mà bỏ về. Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, đồng thời báo cáo ngành chức năng để có hướng giải quyết.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Việc triển khai dự án sẽ mở rộng mặt cắt ướt, tạo cân bằng cho địa hình đáy sông, hướng dòng chảy chính điều chỉnh về giữa dòng và xa bờ Châu Phong khoảng 25m, giảm áp lực nước lên đường bờ xã Châu Phong khoảng 30% so hiện tại. Do đó, cơ bản đảm bảo mục tiêu chỉnh trị dòng chảy, hạn chế SL đường bờ xã Châu Phong, bảo vệ tuyến dân cư và lộ giao thông Châu Phong-Long An (là tuyến đê bao bảo vệ 3.400ha sản xuất lúa 3 vụ của vùng bắc Vĩnh An) khi chưa triển khai công trình kè trên đoạn bờ xã Châu Phong.  


Bài, ảnh: HỮU HUYNH