Chơi hụi, nhận kết quả buồn

30/05/2018 - 06:58

 - Từ một hình thức huy động vốn hiệu quả, dần dà hụi đã bị biến tướng, trở thành “cho vay nặng lãi” ở một số nơi. Những vụ vỡ hụi xảy ra khiến không ít gia đình lâm vào cảnh bế tắc trong cuộc sống, nhất là ở các vùng nông thôn nghèo khó. Thế nhưng, hụi vẫn tiếp tục tồn tại, vẫn có nguy cơ bị giật hụi khi người chơi không biết cách tự bảo vệ mình.

Thông qua hình thức chơi hụi, các thành viên (hụi viên) trong nhóm dễ dàng có được khoản tiền lớn bằng cách “góp tiền lẻ thành tiền chẵn” và chịu lãi từ những người tham gia. Ưu điểm của góp hụi là giúp hụi viên huy động vốn dễ dàng, thuận tiện hơn vay ở ngân hàng. Khi tham gia vào 1 nhóm nhất định, sẽ có người đứng ra làm chủ hụi.

Thông thường, các hụi viên quyết định tham gia dây hụi nào đều nhìn vào uy tín, khả năng chi trả, tài sản sẵn có của người làm chủ hụi. Lòng tin này dẫn đến việc, khi đóng tiền thì các bên làm giấy viết tay sơ sài, thậm chí mọi giao dịch tiền bạc có lúc chỉ thực hiện bằng lời nói.

Từ sơ hở trên, chủ hụi lợi dụng niềm tin, đánh vào lòng tham của người chơi, đưa lãi suất tới mức “trên trời”, làm cho hụi viên hài lòng, thỏa thích. Vậy thử hỏi: lợi nhuận ở đâu ra để chủ hụi chi trả? Hay họ dùng tiền của người nọ trả người kia, đến một lúc nào đó “vỡ trận” sẽ tuyên bố “không còn khả năng chi trả”?

Hụi viên bị giật hụi đang trao đổi với phóng viên. Ảnh: NGHIÊM TÚC

Mổ xẻ những vụ vỡ hụi vừa qua cho thấy, dù chiêu trò cũ nhưng chủ hụi vẫn “bẫy” được nhiều nạn nhân mới. Ban đầu, chủ hụi cố tình phô trương “tiềm lực kinh tế” của mình, tìm mọi cách để các hụi viên tin tưởng. Khi đã “vào cuộc”, các hụi viên tự nguyện giao tiền triệu mà không cần biên lai. Thay vào đó, chủ hụi chỉ đánh dấu vào sổ hụi và thanh toán đầy đủ, đúng hẹn.

Thấy lãi cao, được thanh toán “sòng phẳng”, hụi viên dốc hết số tiền, thậm chí vay mượn ngân hàng để có tiền chơi hụi. Đến khi chủ hụi ôm tiền tỷ bỏ trốn, hoặc tuyên bố bể hụi, nạn nhân mới biết mình bị lừa gạt. Với chiêu trò trên, đã có hàng ngàn nạn nhân sập bẫy, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Có người vì mất tiền đã phát bệnh, vợ chồng lục đục, áp lực nợ nần... thậm chí tìm đến cái chết.

Chuyện nạn nhân của những vụ bể hụi kéo đến các cơ quan chức năng khiếu nại, tố cáo, kiện tụng… là “chuyện thường ngày ở huyện”. Vợ, chồng ông Trần Văn V. (63 tuổi, ngụ ấp Tân Hiệp, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) phải bỏ xứ đi nơi khác mưu sinh là minh chứng đau đớn của trò chơi hụi.

Năm 2013, sau khi ôm gọn mấy kỳ hụi, 2 vợ, chồng mua sắm đủ thứ đồ đạc trong nhà, đồng thời “nuôi” đến 8 chân hụi với mệnh giá từ 15-20 triệu đồng/chân, chủ hụi là 2 chị, em ruột. Tin tưởng chủ hụi, lại quyết tâm hốt chót để làm giàu, vợ, chồng ông V. tìm mọi cách, thậm chí bán đất ruộng “nuôi” tất cả chân hụi.

Đầu năm 2017, thời điểm lần lượt hốt chót chân hụi cũng là lúc chị, em chủ hụi âm thầm…bỏ trốn. Vợ, chồng ông V. ngất xỉu, đi nhiều nơi khiếu nại, nhưng đều không có kết quả. Cuối cùng, do không còn tài sản, nhà cửa ở, con, cháu tứ tán mỗi người mỗi nơi, vợ, chồng ông lên TP. Hồ Chí Minh bán vé số để nuôi thân.

Một trường hợp khác, không là hụi viên, mà làm chủ nhiều dây hụi, vợ, chồng anh Nguyễn Thanh S. (48 tuổi, ngụ ấp Tây Bình, xã Thoại Giang, Thoại Sơn) cũng không thoát khỏi kết quả buồn của trò chơi hụi. Năm 2013, có nhiều chân hụi mệnh giá từ 5-10 triệu đồng/chân, vợ, chồng anh S. quy tụ nhiều hụi viên đủ thành phần vào chơi.

Lần nọ, vợ, chồng anh đồng ý cho 1 hụi viên hốt liên tiếp 2 kỳ đầu do quen biết, nhằm tạo điều kiện cho người này “cất nhà mới”. Sau đó, người hốt hụi đi không trở lại, chủ hụi ở lại lãnh đủ, đến mức bệnh nặng phải nhập viện. Vợ, chồng anh S. bán hết tài sản nhưng vẫn chưa trả hết nợ cho các hụi viên, còn bản thân làm thuê để nuôi thân. Nhiều tháng sau đó, họ thường xuyên bị người này, người kia kêu réo đòi trả nợ.

Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp, xem xét giải quyết, đưa ra tòa xét xử về hụi, vụ việc liên quan đến tai nạn hụi. Thậm chí, có người là cán bộ, đảng viên vướng vào hụi dẫn đến sai phạm, phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều bản án được tòa án phán quyết buộc chủ hụi trả tiền cho các nạn nhân. Tuy nhiên, quá trình “lấy lại của mất” không hề dễ dàng.

Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) dân sự huyện Thoại Sơn Lê Văn Hùng chia sẻ: “Hàng năm, cơ quan chúng tôi tiếp nhận THA hàng chục vụ việc về hụi, liên quan đến chơi hụi. Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện người bị THA có tài sản, người được THA phải thông tin để cơ quan THA thực hiện theo quy định. Vấn đề là, đa số người bị THA tán gia bại sản nên rất khó, thậm chí không thi hành được do không còn tài sản. Thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân không nên tham gia chơi hụi để tránh tiền mất nợ mang; đồng thời tích cực tham gia đấu tranh, tố giác để bài trừ tệ nạn nguy hiểm này”.

Luật sư Nguyễn Minh Dũng (Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, ngụ huyện Phú Tân) nhận định: “Từ những vụ vỡ hụi đã xảy ra, người dân cần nâng cao cảnh giác, không tham gia các nhóm hụi, đường dây hụi. Bên cạnh đó, khi lỡ vướng vào, cần phải có các tài liệu liên quan như sổ hụi (trong đó thể hiện rõ tên, địa chỉ của chủ hụi và các hụi viên, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn và lãnh hụi, số tiền hoặc tài sản khác đã góp hoặc đã lãnh hụi…).

Những thỏa thuận giữa chủ hụi với hụi viên và giữa các hụi viên với nhau, các lần góp hụi phải được ghi chép và lưu giữ cẩn thận, rõ ràng. Cần phải hiểu chuyện bể hụi là vấn đề thường xuyên, khó lường tránh. Những chứng cứ có được là cơ sở để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, xem xét giải quyết, lấy lại phần nào của mất cho các nạn nhân. Nhưng đây cũng chỉ là chuyện nước đã đổ xuống đất, rất khó thu hồi lại tiền đã bị chiếm dụng”.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Công Lập cho biết: “Thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành tư pháp tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hợp đồng góp hụi, nâng cao ý thức cá nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan. Qua đó, khuyến cáo mọi người không tham gia, có biện pháp tác động để người thân không tham gia hợp đồng góp hụi, việc chơi hụi; đồng thời chú trọng việc phát hiện, góp phần ngăn chặn nạn chơi hụi nguy hiểm. Nội dung tuyên truyền, giáo dục gắn liền với thực tiễn, phù hợp, dễ hiểu. Trong đó lồng ghép phổ biến kỹ năng nhận diện, phát hiện việc chơi hụi tinh vi, các trường hợp liên quan đến hợp đồng góp hụi nhằm cho vay nặng lãi, chấn chỉnh sự biến tướng của nạn hụi đang hoành hành vùng nông thôn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cuộc sống của người dân”.

NGUYỄN RẠNG