Chủ động chăm sóc và phòng bệnh ở trẻ em

13/12/2022 - 07:29

 - Thay đổi bất chợt thời tiết cuối năm là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại bệnh ở trẻ em. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh tay - chân - miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virus Rota, sốt xuất huyết… Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh nên tăng cường vệ sinh, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe trẻ nhỏ.

Nhiều trẻ nhỏ nhập viện liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp, tiêu hóa

Thời tiết đang vào mùa đông, tiết trời không lạnh, nhưng lại lúc mưa, lúc nắng thất thường. Đây cũng là thời điểm thuận lợi phát sinh các loại virus, vi khuẩn gây bệnh trên trẻ nhỏ. Ghi nhận tại Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn, đa số trẻ đến khám bệnh đều liên quan đến đường hô hấp, như: Cảm cúm, viêm phế quản, phổi, bệnh đường tiêu hóa… Số ca mắc trung bình từ 10-15 trẻ/ngày, rải rác ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biển là trẻ dưới 5 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, quấy khóc, biếng ăn, có thể kèm theo ho, sốt…

Bệnh đường hô hấp thường gặp và phổ biến ở trẻ. Tuy nhiên, nếu như các bậc phụ huynh chủ quan, lơ là, để lâu dễ dẫn đến tình trạng bệnh nặng, biến chứng và ảnh hưởng sức khỏe về sau. Cháu Nguyễn Minh Khang (2 tuổi, thị trấn Núi Sập) đang được điều trị nội trú tại khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn 7 ngày qua, sau khi được bác sĩ chẩn đoán viêm phế quản phổi.

Chị Nguyễn Thị Bích Hạnh (mẹ cháu Khang) cho hay: “Tôi không nghĩ con bị bệnh viêm phổi, bởi ban đầu chỉ thấy mắt trái bé đổ nhiều ghèn, nên tôi đưa bé vào Trung tâm Y tế huyện khám mắt. Bác sĩ khám và phát hiện cháu bị viêm phổi, nên cho cháu nhập viện. Được sự chăm sóc, thăm khám thường xuyên từ các bác sĩ, con tôi đã khỏe. Tôi có thêm chút ít kiến thức nhận biết các dấu hiệu bệnh và cách phòng bệnh ở trẻ nhỏ”.

Một trường hợp khác là bà Huỳnh Thị Yến (ngụ xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn) chăm sóc cháu ngoại 5 tuổi đang nằm điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn. Bà Yến chia sẻ: “Thấy cháu ói, không ăn uống gì được nên tôi đưa đi khám bệnh. Bác sĩ cho nhập viện từ hôm qua đến nay do rối loạn tiêu hóa. Được điều trị đúng bệnh, nên cháu nhanh khỏi. Tôi thấy yên tâm hơn so với việc tự mua thuốc cho cháu uống như mọi khi”.

Bác sĩ Phan Tấn Đức (Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn) cho biết: “Thời điểm này, khoa Nhi thường tiếp nhận các ca bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa, bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết. Cách đây hơn 1 tháng, các ca bệnh sốt xuất huyết tương đối nhiều, nhưng nay đã giảm, thường gặp nhất là bệnh viêm đường hô hấp và tiêu hóa. Hầu hết, người dân đã nhận thức tốt về cách chăm sóc sức khỏe, nên khi thấy con cháu có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng thì đưa đi khám bệnh kịp thời; bác sĩ theo dõi và điều trị, chứ không để đến mức độ nặng như trước đây".

Theo bác sĩ Đức, người dân cũng cần lưu ý, nên chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mùa thu - đông. Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm y tế xã, thị trấn sẽ tiếp tục truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp phòng, chống bệnh theo mùa. Đồng thời, thông qua mạng lưới cộng tác viên tổ y tế để vận động nhân dân chủ động ăn, uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư an toàn, sạch sẽ.

Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết cho người dân về lợi ích của việc tiêm vaccine phòng bệnh, giúp người dân hiểu, thực hiện tốt công tác tiêm chủng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng của Chính phủ. Đồng thời, khuyến khích người dân đi tiêm phòng dịch vụ đối với các bệnh chưa được triển khai tiêm phòng.

Bác sĩ Phan Tấn Đức khuyến cáo: “Để phòng chống dịch bệnh theo mùa hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động phòng bệnh. Trong đó, cần chú ý tới đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em nhỏ và người cao tuổi. Đối với trẻ em, hệ miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn người lớn. Đối với người cao tuổi, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thời tiết, môi trường ngày càng suy giảm, hệ miễn dịch không còn đủ sức chiến đấu với các tác nhân gây bệnh, thêm vào đó là những căn bệnh mãn tính khiến cơ thể suy yếu, nguy cơ “bệnh chồng bệnh’’ và diễn tiến nặng tăng cao”.

Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tốt với những phương pháp khoa học sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tránh được các bệnh, nhất là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để chủ động phòng bệnh, trẻ nhỏ cần ăn uống khoa học, vận động điều độ, giữ ấm phù hợp, giữ vệ sinh cá nhân và đồ chơi sạch sẽ, môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ tại gia đình và trường học.

TRÚC PHA