Một siêu thị tại quận Hà Đông (Hà Nội).
Khác với quy luật của những năm qua, giá nhiều mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng năm nay tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng không trở lại mặt bằng cũ sau rằm tháng Giêng mà tiếp tục đứng ở mức cao.
Chợ cóc “leo thang”, siêu thị giữ giá
Chị Trần Thị Hoa, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, nếu trước đây, chi tiêu tiền chợ mỗi ngày chưa đến 200 nghìn đồng thì giờ đây phải tăng lên gấp hai lần. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có năm lần tăng giá, cảm nhận của chị rất rõ là mỗi khi giá xăng dầu tăng cao, các mặt hàng thiết yếu khác đều tăng giá như hiệu ứng “té nước theo mưa”. “Nhà nước cần kiểm soát tốt thị trường cũng như có các giải pháp bình ổn giá nhằm giúp người dân bớt cảnh khó khăn, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, thu nhập giảm sâu như hiện nay”, chị Hoa nói.
Tương tự, chị Đoàn Bích Liên, trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) cũng thấy cuộc sống đang khó khăn hơn rất nhiều. Hơn một năm qua, thu nhập của chị từ việc kinh doanh quần áo đã bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trong khi chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày trở nên đắt đỏ hơn vì nhiều mặt hàng tăng giá. Theo lời chị Liên, trước đây đi chợ mua thức ăn cho gia đình bốn người chỉ mất khoảng từ 150 nghìn đến 180 nghìn đồng/ngày, nhưng số tiền đó bây giờ không đủ mua thức ăn hai bữa. Bởi từ mớ rau, quả trứng, dầu ăn, gạo, mắm… đều tăng giá. Người bán nào cũng viện cớ do giá xăng dầu tăng cho nên những người nội trợ như chị chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Trong 11 nhóm hàng hóa chủ yếu tính CPI, có 10 nhóm tăng giá, dẫn đầu là nhóm giao thông tăng 2,35% do ảnh hưởng của bốn đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu, cao nhất trong vòng tám năm qua.
Ngày 1/3, các mặt hàng này tiếp tục có một đợt điều chỉnh, đẩy xăng Ron 95 V lên mức hơn 27 nghìn đồng/lít, xăng E5 Ron 92 lên hơn 26 nghìn đồng/lít, càng làm khó cho mặt bằng giá cả, dịch vụ. Khảo sát của chúng tôi tại một số chợ dân sinh trên địa bàn quận, huyện Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, Thanh Trì (Hà Nội)... ghi nhận các loại rau, củ, quả tăng khoảng từ 2.000 đến 30 nghìn đồng/mớ, kilogram tùy từng loại. Đơn cử, cải ngọt tăng từ 15 nghìn đồng, lên 21 nghìn đồng/kg; bắp cải tăng từ 9.000 đồng, lên 15 nghìn đồng/kg; rau muống tăng từ 3.000 đồng, lên 8.000 đồng/mớ; súp-lơ xanh từ 25 nghìn đồng, lên 50 nghìn đồng/kg; thịt gà tăng từ 10 nghìn đồng, lên 130 nghìn đồng/kg; cam sành từ 30 nghìn đồng/kg lên 55 nghìn đồng/kg,...
Tuy nhiên trong hệ thống siêu thị, giá cả hàng hóa cơ bản vẫn duy trì sự ổn định. Một số siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội như Winmart, Co.op Mart, Lotte Mart, Go! ghi nhận từ sau Tết Nguyên đán đến nay không có biến động nhiều về giá cả hàng hóa, thậm chí siêu thị còn có nhiều chương trình khuyến mại lớn để kích cầu mua sắm.
Mảng dịch vụ khác cũng đang chật vật giữ giá là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Theo Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Mạnh Tuấn, mặc dù giá xăng dầu tăng cao, tác động rất lớn đến chi phí đầu vào nhưng hiện tại các nhà xe chạy tuyến cố định đều gồng mình giữ giá do nhu cầu vận chuyển của người dân thấp, nếu tăng giá càng khó có doanh thu. Trong khi đó, các hãng taxi đang “nhìn trước, ngó sau”, chuẩn bị các phương án tăng giá vì sức chịu đựng dường như đã tới hạn nhưng giá xăng dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng cao.
Chủ động điều hành giá
Số liệu thống kê cho thấy, bình quân hai tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Tổng cục Thống kê nhận định, lạm phát hai tháng đầu năm 2022 được kiểm soát ở mức phù hợp song cũng lưu ý công tác điều hành giá những tháng tiếp theo cần theo dõi sát diễn biến thị trường xăng, dầu thế giới và trong nước; có các giải pháp bảo đảm cung, cầu xăng, dầu trong nước và hạn chế mức tăng giá. Các bộ, ngành liên quan cần có phương án, giải pháp cung cấp, cân đối hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong điều kiện các nguồn cung truyền thống có thể bị suy giảm.
Để bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm thuế bảo vệ môi trường. Phương án cụ thể sẽ được Chính phủ quyết định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận, dư địa điều hành giá xăng dầu phần lớn ở chính sách thuế. Mỗi lít xăng hiện gánh khoảng 10 nghìn đồng thuế, phí, riêng thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng. Nếu mức thuế này giảm 50% sẽ điều tiết giảm ngay được 2.000 đồng trong mỗi lít xăng, tác động giảm chi phí đầu vào rất lớn cho các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp như vận tải, đánh bắt cá..., cũng như tác động gián tiếp đến mọi lĩnh vực kinh tế khác. Điều này rất có ý nghĩa vì hai năm chống chịu với đại dịch Covid-19, thu nhập của phần lớn người lao động không những không tăng mà còn giảm. Tình hình vừa có dấu hiện cải thiện nhờ xu hướng phục hồi kinh tế thì xảy ra nguy cơ lạm phát khiến đời sống kinh tế và người lao động thêm khó khăn.
Vị chuyên gia cũng đánh giá cao chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho nhiều mặt hàng từ cuối năm 2021 có tác động rất lớn đến lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng. Vì cùng một số lượng hàng hóa, dịch vụ, nhưng người tiêu dùng phải trả số tiền ít hơn, góp phần làm cho động lực tiêu dùng tăng lên, từ đó kích thích sản xuất phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Áp lực lạm phát cao là vấn đề đã được Chính phủ tính lưu ý trong công tác điều hành vĩ mô và đã có những phản ứng chính sách phù hợp. Song mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% trong năm nay là thách thức trước biến động lớn của giá xăng dầu thế giới.
Theo chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ Vũ Vinh Phú, trước mắt, các cơ quan quản lý thị trường cần đẩy mạnh các cuộc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm liên quan tình trạng tăng giá hàng hóa “té nước theo mưa” với lý do giá xăng dầu tăng. Còn với giải pháp lâu dài, cần khắc phục những bất cập trong việc phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của nước ngoài, nhất là các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất,…
Cùng với đó là khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất, nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logistics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay tại thị trường trong nước nhằm giảm bớt áp lực lạm phát. Ngoài ra, cần khuyến khích người dân tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý, chỉ tập trung mua sắm với những mặt hàng thiết yếu, loại bỏ tâm lý tích trữ hàng hóa mới mong không xảy ra tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Theo Nhân Dân