Chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa tựu trường

04/09/2023 - 14:26

Thời gian gần đây, tại tỉnh Đắk Lắk các loại bệnh truyền nhiễm có chiều hướng gia tăng, số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng... liên tục tăng cao. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, có dấu hiệu cảnh báo; trong đó đã có trường hợp tử vong.

Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã tiếp nhận và điều trị cho gần 600 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý, những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh nhập viện tăng cao đột biến, cao điểm từ 20 - 30 ca/ngày. Theo các bác sĩ, đa phần trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, biến chứng về thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn…

Chị H’Hiền Priêng ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông) có con gái 3 tuổi đang điều trị tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Chị H’Hiền cho biết, trước đó thấy con sốt cao nên gia đình đưa lên Trung tâm Y tế huyện Cư Jút khám và được chẩn đoán bị lở miệng. Sau ba ngày uống thuốc tại nhà, bé không khỏi mà bệnh ngày càng trở nặng, sốt cao li bì, nôn ói, run rẩy chân tay, giật mình… nên gia đình xin chuyển lên Bệnh viện Đa Khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, bé được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ IV. Sau một ngày nhập viện, bé rơi vào hôn mê. Các bác sĩ đã hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và tiến hành cho trẻ lọc máu, thở máy. Đến nay, khi được điều trị tích cực tại bệnh viện, bệnh nhi đã có dấu hiệu sinh tồn.

Bác sỹ Chuyên khoa I H’Thu Mlô, Trưởng phòng Nhi nặng, Khoa Nhi tổng hợp cho biết, các trẻ mắc tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đa số là các ca nặng từ độ 2B nhóm I trở lên. Bệnh nhi có các biểu hiện như sốt cao liên tục, mạch nhanh so với lứa tuổi, giựt mình nhiều, run tay chân… Khoa Nhi tổng hợp có khu riêng dành cho bệnh tay chân miệng và tay chân miệng nặng. Các bệnh nhi, tùy thuộc mức độ được phân luồng điều trị, các ca bệnh nặng có máy monitor và được theo dõi 24/24 giờ.

“Đối với những trường nặng, Bệnh viện phải sử dụng thuốc đặc hiệu Gamma Globulin. Về cơ bản các ca bệnh đều đáp ứng thuốc rất tốt, vượt qua được. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thuốc đang hết, Bệnh viện đã sử dụng một số thuốc thay thế...”, bác sỹ Chuyên khoa I H’Thu Mlô chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.000 ca mắc tay chân miệng, đã có 2 trường hợp tử vong. Một số địa phương có số ca mắc cao như: thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lắk, Krông Pắk, Cư M’gar, Buôn Hồ, Ea H’leo… Số ca mắc bệnh trong tháng 8 tăng đột biến với khoảng 335 trường hợp. Ngành Y tế dự báo, thời gian tới, số ca mắc bệnh trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao, nếu không có các biện pháp phòng, chống và giải pháp kịp thời nhất là khi mùa tựu trường sắp bắt đầu.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Đến cuối tháng 8/2023, tại tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2.164 ca sốt xuất huyết, 1.034 ca tay chân miệng, 3.848 ca cúm, 330 ca thủy đậu, 412 ca viêm gan vi rút khác, 1.827 ca COVID-19…; trong đó, đã có 2 trường hợp tử vong do tay chân miệng, 3 trường hợp tử vong do số xuất huyết.

Theo ông Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn trong thời gian qua tạm ổn, tuy nhiên bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có chiều hướng gia tăng. Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh tăng đột biến, nhất là trong tháng 7, 8. Qua điều tra, chỉ số véc tơ truyền bệnh ở các địa bàn trọng điểm tăng cao.

Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản tham mưu cho Sở Y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị và UBND các huyện cùng vào cuộc thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Đối với các đơn vị y tế, xã, huyện trọng điểm, thực hiện điều tra chỉ số véc tơ truyền bệnh và tiến hành thực hiện phun thuốc trên diện rộng.

Đối với bệnh tay chân miệng, Trung tâm tham mưu Sở Y tế có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành Y tế trong công tác truyền thông, điều tra, giám sát và thực hiện vệ sinh tại các lớp học... Với các ca mắc mới sau khi phát hiện, các đơn vị cần điều tra, khoanh vùng, khử khuẩn tại gia đình và trường học; đồng thời, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh và giáo viên tăng cường công tác vệ sinh.

Dự báo trong thời gian tới, nhất là vào mùa mưa bão và ngày tựu trường, bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có thể tăng cao nếu không có các biện pháp phòng, chống và giải pháp kịp thời. Để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa tựu trường, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường, nhà cửa, cá nhân; khi có dấu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời; tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Người dân cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và vaccine phòng các bệnh viêm não nhật bản, não mô cầu, phế cầu, thủy đậu…

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđor, đã ký và ban hành Công văn về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch. UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động các biện pháp tăng cường phòng, chống COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng… không để dịch bùng phát trở lại, hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch; đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch; triển khai hiệu quả Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023; nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị; đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Theo TTXVN