Huyện Tịnh Biên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em
Nhiều giải pháp
Năm 2023, huyện Tịnh Biên có 29.534 trẻ em dưới 16 tuổi, 9.837 trẻ dưới 6 tuổi; 425 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em. Địa phương còn có khoảng 4.569 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, sống chủ yếu trong hộ gia đình nghèo, cận nghèo và có cha mẹ đi làm ăn xa. Đây là những trẻ tiềm ẩn nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và đuối nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Lâm Văn Bá cho biết, trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND huyện Tịnh Biên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn đuối nước ở trẻ em, như: Kế hoạch triển khai thực hiện công tác trẻ em; Kế hoạch thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; công văn tăng cường công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại và đuối nước ở trẻ em... Nội dung xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện các chỉ tiêu cụ thể về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ.
UBND huyện Tịnh Biên đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ. Nội dung, hình thức tuyên truyền trực quan, phong phú trên hệ thống đài truyền thanh; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học; cấp phát tờ rơi, sách tuyên truyền… Mặt khác, tiến hành lắp đặt pa-nô tuyên truyền, bảng cảnh báo “Khu vực nguy hiểm” tại nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước.
UBND huyện Tịnh Biên còn triển khai các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước ở trẻ. Nổi bật là duy trì và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn” tại 14 xã, thị trấn; mô hình “Trường học an toàn” tại 68 điểm trường; mô hình “Cộng đồng an toàn” tại xã Văn Giáo…
Ngoài ra, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các ngành và các địa phương phối hợp rà soát, vận động hộ gia đình có trẻ em đăng ký “Điểm giữ trẻ mùa lũ”. Thường xuyên mở các lớp dạy bơi; hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn; kết hợp vận dụng hiệu quả các lồng bơi di động do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ, để phổ cập bơi cho trẻ em…
Định kỳ hoặc đột xuất, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, góp ý và đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện môi trường sống, đảm bảo an toàn cho trẻ. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, nhân khẩu, hộ khẩu, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ tai nạn, thương tích có thể xảy ra đối với trẻ em…
Chủ động phòng ngừa
Mặc dù đã chủ động các biện pháp phòng ngừa, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Tịnh Biên xảy ra 5 trường hợp trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong. Nguyên do gia đình còn lơ là, mất cảnh giác trong việc giám sát, trông giữ trẻ. Một phần do chính bản thân các em chủ quan. Nguyên nhân sâu xa còn do cơ sở vật chất và nguồn kinh phí chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học bơi cho trẻ em. Mặt khác, tuy huyện có địa hình đồi núi, nhưng hệ thống kênh, rạch, ao hồ khá nhiều, nên việc giám sát, ngăn ngừa tai nạn đuối nước trẻ em gặp khó khăn…
Khắc phục những hạn chế trên, Phó Chủ tich UBND huyện Tịnh Biên cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, hướng đến đa dạng đối tượng, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, trang bị cho các em, gia đình, người chăm sóc trẻ các kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích; kỹ năng bơi an toàn, xử lý trong môi trường nước; sơ cứu người bị đuối nước...
Ngoài ra, địa phương sẽ thường xuyên rà soát các hộ gia đình, vị trí mặt nước, công trình công cộng, công trình xây dựng... để kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em. Từ đó, có biện pháp khắc phục và phòng ngừa hiệu quả. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Xác minh, làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm gây tai nạn đuối nước trẻ em… Đồng thời, phối hợp sở, ngành liên quan tiếp tục duy trì và hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện các mô hình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em.
Để công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em phát huy hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, trước hết mỗi thành viên trong gia đình phải tự nâng cao ý thức trong việc giám sát, trông giữ trẻ nhỏ.
ĐỨC TOÀN