Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

17/10/2024 - 07:20

 - Đang vào mùa mưa, cũng là lúc dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Để ứng phó và giảm thiểu bệnh SXH, ngành chức năng và Nhân dân đã và đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch.

Tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết (Ảnh: HẠNH CHÂU)

Theo Sở Y tế, số ca mắc SXH trên toàn tỉnh trong 9 tháng của năm 2024 là 1.367 ca, giảm 61,8% so cùng kỳ năm 2023, 11/11 địa phương có số ca mắc giảm, không có ca tử vong. Tuy nhiên, SXH là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Khi mắc bệnh, nếu người bệnh chủ quan, lơ là cho rằng sốt virus thông thường sẽ khiến bệnh trở nặng và biến chứng. Do đó, các cấp,  ngành, địa phương luôn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn thường xuyên với nhiều hình thức như tận dụng mạng xã hội, tuyên truyền qua loa đài, phát tờ rơi… nên ý thức về phòng, chống SXH của người dân  được nâng lên. Nhiều hộ dân đã hiểu về sự nguy hiểm của bệnh SXH, cũng như biết cách phòng tránh, giữ vệ sinh môi trường, diệt muỗi, chủ động đổ bỏ những lu khạp, vật chứa nước có lăng quăng… bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Ông Trần Văn Thanh (huyện Châu Phú) cho biết: “Do nhà có 3 cháu nội còn nhỏ, nên rất ý thức trong việc phòng, chống dịch bệnh SXH như thả cá bảy màu vào các lu nước sinh hoạt, các lu dự trữ nước đậy kín lại, những lu không sử dụng thì úp xuống, cho các cháu ngủ mùng kể cả ban ngày”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích (huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Tôi đậy kín lu, khạp chứa nước, thường xuyên cọ rửa để tránh muỗi đẻ trứng, quần áo trong nhà cũng được sắp xếp sao cho ngăn nắp. Phòng, chống SXH là trách nhiệm của bản thân, chứ không nên trông chờ, ỷ lại vào địa phương. Mỗi người cùng tự ý thức, góp phần chung tay thực hiện việc phòng, chống bệnh mới mang lại kết quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh”.

Mùa mưa là điều kiện để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH. ý thức được vấn đề này nên người dân đã chủ động phòng, chống SXH bằng cách dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở và công cộng. Chị Lê Thị Thúy An (huyện Phú Tân) cho biết: “Qua các kênh thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết được sự nguy hiểm của SXH. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, tôi thường xuyên súc rửa và đậy kín các lu chứa nước ở xung quanh nhà, sử dụng nhang xua muỗi, cho con mặc quần áo dài tay, dọn dẹp thông thoáng không để muỗi có nơi sinh sản”. Bà Trần Thị Lài (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình, tôi luôn thực hiện đúng theo các khuyến cáo của ngành y tế, như: dọn dẹp xung quanh nhà, khơi thông cống rãnh và lật úp những đồ chứa nước để tránh lăng quăng, bọ gậy. Không chỉ riêng gia đình tôi thực hiện, mà các hộ dân khác cũng vệ sinh dọn dẹp xung quanh nhà cửa”.

Đến nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì thế, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá diệt lăng quăng. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng. Ngủ mùng tránh muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi,  kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch...

Mỗi người dân cùng chung tay diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng, chống SXH nhằm bảo vệ sức khỏe gia đình và xã hội. Đặc biệt, khi mắc bệnh SXH cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

TRỌNG TÍN