Chủ động phòng, chống thiên tai

17/06/2020 - 04:55

 - Mùa mưa năm 2020 dù xuất hiện muộn nhưng đã xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo dài kèm giông, lốc. Diễn biến lũ, sạt lở đất năm nay cũng dự báo diễn biến phức tạp. Do vậy, cần chủ động ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Thiệt hại lớn

Những tháng cuối năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, thời tiết phổ biến trên địa bàn tỉnh là nắng nóng, khô hạn, ít mưa. Tuy nhiên, khi bắt đầu mùa mưa, nhiều loại hình thời tiết cực đoan, nguy hiểm đã xuất hiện.

Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPBĐKH-PCTT&TKCN) tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 32 vụ giông, lốc, làm 1 người bị thương và thiệt hại 132 căn nhà (sập hoàn toàn 7 căn; tốc mái, xiêu vẹo 125 căn).

Mưa giông còn làm tốc mái trạm y tế xã, ngã trụ điện, hư hỏng một số công trình công cộng và thiệt hại 250,38ha lúa, hoa màu vụ hè thu 2020. Ước thiệt hại về tài sản do mưa, giông, lốc xoáy khoảng 3,2 tỷ đồng.

Cùng với mưa giông, tình hình sạt lở đất diễn biến nghiêm trọng. Những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 410m, ảnh hưởng đến 56 căn nhà của người dân (có 1 căn sụp xuống bờ sông), ước thiệt hại về đất khoảng 1,9 tỷ đồng.

Gần đây, sáng 27-5, tại khu vực ấp Bình Tân (xã Bình Mỹ, Châu Phú) đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, khiến một đoạn Quốc lộ 91 sụp xuống sông Hậu với chiều dài 40m, bề rộng sạt vào 1/3 mặt đường. Sau đó, xuất hiện thêm vết nứt phía bên trong (sâu vào khoảng vào 2/3 mặt Quốc lộ 91), có nguy cơ sạt lở tiếp theo hướng mở rộng về phía thượng lưu và hạ lưu.

Trong khi vụ sạt lở này vẫn đang rà soát, ước tính thiệt hại thì đã xuất hiện thêm vụ sạt lở nghiêm trọng ở rạch Cái Sao (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên). Mới đây, trưa 14-6, tại khu vực tổ 3 (ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú, Châu Phú) đã xảy ra sạt lở đất bờ sông với chiều dài khoảng 60m. Trước đó, sáng 11-6, tại khu vực bờ sông thuộc tổ 14 (ấp Mỹ An) đã xảy ra sạt lở với chiều dài gần 30m; sáng 12-6, tại bờ sông khu vực tổ 7 (ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Phú) cũng đã xảy ra sạt lở với chiều dài khoảng 20m.

Tận dụng các nguồn lực ứng phó

Dự báo trước tình hình thiên tai phức tạp nên ngay từ đầu năm 2020, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và triển khai công tác năm 2020. Ngày 28-4, nhân sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2019-2020, tỉnh đã gắn kết tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai trước mùa mưa lũ.

Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sát với thực tế. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh An Giang thường xuyên truyền tải những thông tin tình hình thời tiết, thiên tai và biện pháp hướng dẫn phòng chống, ứng phó thiên tai trên trang facebook “Thông tin phòng chống thiên tai An Giang”, trên nhóm zalo để kịp thời có biện pháp phòng, chống và ứng phó hiệu quả.

Tình hình sạt lở đất bờ sông diễn biến phức tạp

Ngày 10-4-2020, UBND An Giang  đã ban hành Quyết định số 820/QĐ-UBND về kiện toàn Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh. Ngày 27-5-2020, Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh ban hành Quyết định số 47/QĐ-BCĐ về phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo.

Trên cơ sở này, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã tổ chức kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy ƯPBĐKH-PCTT&TKCN cấp huyện. Trước đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai kế hoạch hiệp đồng PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh năm 2020.

Chánh Văn phòng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh Lương Huy Khanh cho biết, Văn phòng đang rà soát, điều chỉnh lại phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai đã xây dựng trước đây theo sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án của Ban Chỉ đạo Trung ương (hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, mưa giông, lốc…).

Đến nay, tất cả 156/156 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã củng cố lực lượng xung kích PCTT. Ngày 2-6-2020, Ban Chỉ đạo ƯPBĐKH-PCTT&TKCN tỉnh đã có Công văn số 52/BCĐ-PCTT, yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT về ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Do tình hình dịch bệnh Covid 19 nên từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh chưa triển khai thu Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2020. Đối với nguồn quỹ tồn khoảng 19 tỷ đồng, tỉnh đang cân đối ưu tiên hỗ trợ cho các hộ bị giông, lốc và thiệt hại cây trồng, vật nuôi năm 2019 (khoảng 13 tỷ đồng), còn khoảng 6 tỷ đồng sẽ ưu tiên công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, dự báo lũ năm 2020 sẽ không lớn, khó xuất hiện lũ sớm nhưng có khả năng diễn biến bất thường, phụ thuộc vào tình hình mưa, bão và kế hoạch xả đập thủy điện trên dòng Mekong của các quốc gia thượng nguồn. Do vậy, các ngành, địa phương và người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, mưa giông, bão, lũ để chủ động ứng phó kịp thời, phù hợp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo quy trình hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành để tổng hợp, hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh ban hành.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN