Chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm

16/09/2021 - 05:06

 - Dịch cúm gia cầm đã và đang xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Trước tình hình đó, ngành chức năng và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang chủ động thực hiện các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường… nhằm ngăn ngừa, phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Đến thời điểm này, An Giang chưa phát hiện dịch cúm gia cầm xâm nhập địa bàn. Dù chưa có ổ dịch phát sinh, song việc chủ động phòng, chống dịch được các địa phương tích cực triển khai, thực hiện. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang Trần Tiến Hiệp, nhằm ngăn chặn các loại virus cúm gia cầm (như: H5N1, H5N6 và H5N8), không để lây nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp các đơn vị có liên quan, thực hiện đồng bộ giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát, phòng, chống bệnh.

Một trong những biện pháp ngăn ngừa dịch cúm gia cầm hữu hiệu được thực hiện là tiêm phòng. Ông Trần Tiến Hiệp cho biết, đơn vị đẩy mạnh việc hỗ trợ tiêm phòng trên gia cầm ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hỗ trợ miễn phí vaccine phòng bệnh cho đàn gia cầm nuôi mới phát sinh, đến tuổi tiêm phòng và đến kỳ tiêm phòng nhắc lại, số lượng nuôi dưới 2.000 con. Người chăn nuôi trả tiền công và các chi phí liên quan đến công tác tiêm phòng theo quy định. Tính đến ngày 9-9, đã tiêm phòng vaccine cúm H5N1 cho gần 4,89 triệu con gia cầm, trong đó gần 4,45 triệu con vịt và gần 440.000 con gà. Đối với vịt, số lượng hiện tại còn bảo hộ là 2.738.217 (đạt tỷ lệ 104% so với tổng đàn 2.633.056 con) và gà là 326.054 (tỷ lệ 86% so với tổng đàn 380.060 con).

Quan tâm các biện pháp phòng ngừa cúm gia cầm

Bên cạnh việc tiêm phòng để ngăn ngừa dịch cúm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, cũng như tại địa bàn có nguy cơ cao. Các đơn vị phối hợp, tổ chức kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến biên giới, cửa khẩu... nhằm kịp thời phát hiện hoạt động vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa phương. Đồng thời, thông tin cho người dân về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, tác hại dịch bệnh đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi... do hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm gây ra.

Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường được ngành chăn nuôi và thú y đẩy mạnh thực hiện theo định kỳ. Qua đó, góp phần tiêu diệt mầm bệnh đang tồn tại trong môi trường; khống chế, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, lây lan như cúm gia cầm. Ngành chức năng còn kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tiêm phòng của cán bộ phụ trách tiêm phòng tại các hộ chăn nuôi, kiểm tra, đối chiếu số liệu thực tế tiêm phòng và số liệu tổng hợp báo cáo tại địa bàn.

Đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến với các hộ chăn nuôi về tiêm phòng vaccine, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; về nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh cúm, nhằm giảm thiểu hành vi làm bệnh phát sinh và lây lan...

Bên cạnh sự chung tay, vào cuộc của ngành chức năng, thời gian qua, việc chủ động phòng ngừa dịch bệnh trên gia cầm được hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện. Là một trong những hộ chăn nuôi gia cầm lớn tại xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn), anh Chau Sóc Huân cho biết, hiện anh đang nuôi khoảng 4.000 con gà theo hướng an toàn sinh học. Để đảm bảo cho đàn gia cầm phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, anh Huân thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng và tiêm phòng đầy đủ. “Nhờ thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, đàn gia cầm của gia đình tôi luôn sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, lợi nhuận đảm bảo” - anh Huân bày tỏ.

Các loại cúm gia cầm (H5N1, H5N6 và H5N8) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và làm chết hàng loạt gia cầm. Vì vậy, việc chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh là vô cùng cấp thiết, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, nhiều hộ dân đang tiến hành nuôi gia cầm với số lượng lớn, chuẩn bị phục vụ cho Tết Nguyên đán 2022, nên việc chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm là cần thiết. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để bảo vệ tốt đàn gia cầm, tránh gây thiệt hại về kinh tế, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ đàn gia cầm khỏe mạnh, ổn định và phát triển.

ĐỨC TOÀN