Chủ động phòng ngừa thiên tai

01/08/2023 - 04:21

 - Dự báo, tình hình thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ diễn biến phức tạp từ nay đến cuối năm. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, chủ động nâng cao ý thức phòng tránh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Theo Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ mưa giông, làm 163 căn nhà bị sập, tốc mái, ước thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng. Mưa giông còn làm thiệt hại 375ha lúa, hoa màu. Đồng thời, xảy ra 66 vụ sạt lở, răn nứt, sụp lún đất bờ sông, kênh, rạch, tổng chiều dài gần 3,2km, làm ảnh hưởng 89 căn nhà, 2 kho trấu, 2 lò sấy, 1 nhà máy xay xát lúa gạo, 1 xí nghiệp chế biến lương thực xuất khẩu và 4 nhà kho. Ước thiệt hại về đất gần 7,2 tỷ đồng.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nhận định, từ nay đến tháng 9/2023, có khoảng 6 - 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ  tháng 10 đến tháng 12/2023, khoảng 3 - 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.

Từ nay đến tháng 9/2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn MêKong về hạ lưu qua TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc có xu thế tăng dần, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10 - 20%. Trong đó, khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức xấp xỉ hoặc dưới báo động I (BĐI) khoảng 0,2m, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 từ 0,3 - 0,5m, thấp hơn TBNN.

Sạt lở bờ sông tại xã Mỹ Khánh (TP. Long Xuyên)

Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức xấp xỉ và dưới BĐI khoảng 0,2 - 0,4m, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 từ 0,2 - 0,5m và thấp hơn TBNN. Vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất năm tại Vàm Nao và Chợ Mới có khả năng ở mức trên BĐI từ 0,2 - 0,4m, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 từ 0,4 - 0,6m và thấp hơn TBNN; trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức xấp xỉ và trên BĐIII từ 0,05 - 0,1m.

Từ tháng 7 trở đi, mưa khá đều trên phạm vi tỉnh. Thời kỳ cao điểm của mùa mưa trong khoảng nửa cuối tháng 8 - 10. Tổng lượng mưa trong mùa mưa thấp hơn TBNN từ 5 - 15%. Từ tháng 10 đến tháng 11, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10 - 20%; tháng 12 phổ biến ít mưa. Mùa mưa có khả năng kết thúc sớm hơn TBNN từ 5 - 10 ngày. Đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá và đợt mưa lớn diện rộng.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và cách phòng tránh; cùng nhân dân chủ động chằng, chống nhà ở an toàn trước giông lốc theo khuyến cáo của Bộ Xây dựng; chặt, tỉa cành cây to, cây cao có khả năng gãy, đổ do giông lốc; kiểm tra, sửa chữa máy bơm kịp thời bơm tiêu chống úng cho lúa, màu, cây ăn trái trong mùa mưa lũ.

Giông lốc làm tốc mái nhiều căn nhà ở TX. Tân Châu. Ảnh: MINH HIỂN

Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, rà soát khu vực cảnh báo sạt lở của Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở (kể cả tuyến kênh, rạch); kịp thời phát hiện để có hướng xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”. Chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu răn nứt, sụt lún, đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân.

Di dời công trình, vật kiến trúc, chặt hạ cây to trong khu vực; điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường, đê trên khu vực sạt lở và nguy cơ sạt lở. Cắm biển cảnh báo, rào chắn, đèn cảnh báo tại khu vực xảy ra răn nứt, sạt lở. Huy động nguồn lực, quỹ phòng chống thiên tai… hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, kiểm tra điểm, tuyến sông, kênh rạch bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở để tiếp tục đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài, khắc phục sạt lở.

Toàn tỉnh cần tiếp tục tăng cường quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão; hiệp đồng lực lượng, phương tiện, vật tư, bố trí lực lượng xung kích ở vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm “4 tại chỗ”; khai thông cống, rãnh, đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn kéo dài. Triển khai đồng bộ giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, học sinh. Xây dựng kế hoạch sẵn sàng huy động lực lượng, tổ chức chốt cứu hộ, cứu nạn, điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh tại vùng sâu, vùng xa, vùng ngập sâu ảnh hưởng của lũ…

TRỌNG TÍN