Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm “Gặp gỡ Việt Nam”.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp các nhà khoa học quốc tế nhân dịp sang Việt Nam dự Hội thảo "Khoa học để phát triển". Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Cùng dự buổi gặp mặt có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng, Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary; cùng đại biểu lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước.
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 14 được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định năm 2018 đã có 55 nhà khoa học quốc tế và nhiều đại biểu tham gia, trong đó có hai nhà khoa học từng đoạt Giải thưởng Nobel về vật lý và kinh tế. Qua đó, chương trình đã góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam đối với giới khoa học quốc tế, đồng thời tích cực hỗ trợ cho sự giao lưu, hợp tác quốc tế và phát triển của nền khoa học và giáo dục của Việt Nam.
25 năm qua, kế thừa truyền thống tốt đẹp và tinh hoa của “Gặp gỡ Moriond” và “Gặp gỡ Blois” do Giáo sư Trần Thanh Vân sáng lập, với những đóng góp đầy nhiệt huyết, kiên trì, không mệt mỏi của Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân là Giáo sư Lê Kim Ngọc, các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng, trong đó có nhiều nhà khoa học được trao các giải thưởng danh giá trên thế giới, như giải Nobel, Fields, Kavli...
Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực khoa học, Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã phối hợp chặt chẽ với Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp do Giáo sư Lê Kim Ngọc làm Chủ tịch để xây dựng 3 Làng trẻ em SOS tại Đà Lạt năm 1974, Huế năm 2000 và Đồng Hới năm 2006; thành lập Quỹ học bổng “Gặp gỡ Việt Nam - Vallet”. Từ năm 2000 đến nay, Hội đã trao học bổng cho gần 30.000 học sinh và sinh viên Việt Nam trong cả nước với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả tốt đẹp mà Hội “Gặp gỡ Việt Nam” đã đạt được trong suốt 25 năm qua; cảm ơn những tình cảm quý báu mà các nhà khoa học, các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã tích cực tham gia các hoạt động của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” - cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền khoa học và giáo dục của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và giáo dục, coi đó là quốc sách hàng đầu và là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh Bình Định đã đồng hành, hỗ trợ Hội “Gặp gỡ Việt Nam” xây dựng và bước đầu đưa vào hoạt động có hiệu quả Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) từ năm 2013 để thành phố Quy Nhơn trở thành một điểm đến, điểm gặp gỡ khoa học thường niên của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc lại kỷ niệm khi đến thăm Trung tâm ICISE vào tháng 6-2016; bày tỏ cảm kích trước những đóng góp hữu ích cho nước nhà của Hội “Gặp gỡ Việt Nam”, Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân là Giáo sư Lê Kim Ngọc.
“Tôi cho rằng đây là mô hình mới đã đạt được những kết quả tích cực, đang từng bước hình thành một cơ sở nghiên cứu khoa học lớn, là biểu tượng của tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tôi mong rằng trong thời gian tới các bộ, ngành Trung ương tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bình Định, Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân, cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, để tiếp tục xây dựng Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành hoạt động ngày càng hiệu quả thiết thực, phục vụ cho sự phát triển của khoa học, giáo dục không chỉ của Bình Định, các tỉnh miền Trung mà còn của cả nước”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các nhà khoa học quốc tế tiếp tục ủng hộ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”, tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, phát triển bền vững hơn về kinh tế và xã hội dựa trên nền tảng khoa học và giáo dục.
Theo ĐỨC DŨNG (TTXVN)