Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII

22/06/2023 - 08:06

Tối 21/6, Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII, năm 2022 - Giải thưởng cao quý nhất của giới báo chí cả nước đã diễn ra trang trọng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến dự và phát biểu tại buổi lễ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, đại diện các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cùng dự.

Báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đánh giá cao, biểu dương những kết quả to lớn, quan trọng đã đạt được của đội ngũ người làm báo trên cả nước, nhiệt liệt chúc mừng những nhà báo vinh dự nhận được Giải thưởng năm 2022.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Chúng ta tự hào có một nền báo chí cách mạng ra đời và phát triển từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và đặt nền móng. Trải qua chặng đường lịch sử vẻ vang 98 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng xung kích, tin cậy của Đảng, Nhà nước, tiên phong đi đầu trên mọi mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Lớp lớp thế hệ những người làm báo - những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa đã lao động, cống hiến, dấn thân vì những nhiệm vụ chính trị cao cả, xây dựng nên một nền báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn và cầu nối tin cậy của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phát huy truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, tiếp bước các thế hệ cha anh là những nhà báo - chiến sỹ đã được tôi luyện qua các cuộc trường chinh đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ những người làm báo hôm nay ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực nghề nghiệp, đang nỗ lực từng bước làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, phát huy vai trò xung kích của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không quản khó khăn, gian khổ, tự giác dấn thân, dũng cảm xông pha, có mặt tại các tâm điểm của đời sống xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh người làm báo cách mạng, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đồng thuận xã hội, đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng cao đẹp vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. 

Kỷ niệm 98 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, trong niềm vui, niềm vinh dự, tự hào về nghề nghiệp của những người làm báo, chúng ta tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy và là người đã khai sinh ra nền Báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta trân trọng tri ân công lao to lớn của các thế hệ nhà báo qua các thời kỳ, trong đó có nhiều nhà báo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch COVID-19, tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, biến động, khó lường, báo chí đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà báo bằng trí tuệ, tâm huyết với đất nước và sự lao động nghiêm túc đã cùng phân tích, luận giải, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, các vấn đề được dư luận quan tâm; phản ánh sinh động đất nước, con người Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với bạn bè quốc tế. Đội ngũ những người làm báo đã để lại nhiều dấu ấn, nhanh nhạy hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắc bén hơn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục các giá trị nhân văn và phẩm giá làm người; thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên các lĩnh vực… Báo chí đã phát hiện, giới thiệu, cổ vũ, lan tỏa nhiều nhân tố mới điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình sáng tạo, gương người tốt, việc tốt, tích cực đấu tranh với những thói hư, tật xấu, những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui mừng khi Giải thưởng Báo chí Quốc gia ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Chủ tịch nước đánh giá cao các tác phẩm đoạt Giải năm 2022 đã tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén, sức sáng tạo, lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp và sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà báo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho đại diện nhóm tác giả Báo điện tử VietnamPlus thuộc Liên chi hội nhà báo TTXVN. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chúng ta đang tiến đến rất gần dấu mốc lịch sử quan trọng - 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam. Chúng ta đang ở năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng với rất nhiều nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho Báo chí Cách mạng Việt Nam nhiệm vụ ngày càng nặng nề, vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình gánh vác. Người làm báo phải luôn nhận thức sâu sắc “làm báo là làm cách mạng, người làm báo là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng”, “nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Trên cơ sở kiên định với lý tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ những nguyên tắc cơ bản, giữ gìn những giá trị cốt lõi, lý tưởng hành nghề, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, nhân văn, nêu cao trách nhiệm xã hội, không ngừng sáng tạo, thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, chân thực, hữu ích, tin cậy cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.  

Đội ngũ những người làm báo tiếp tục thể hiện bản lĩnh, dấn thân, đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phản ánh kịp thời, sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cơ quan báo chí tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ xã hội, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Đồng hành cùng với chính quyền, doanh nghiệp, người dân… trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn. Báo chí thu hút sự tham gia tích cực của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện vai trò giám sát quyền lực và thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội trao giải B cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Báo chí phải là ngọn cờ đầu, kết nối và huy động các nguồn lực, bao gồm trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; nuôi dưỡng, khơi gợi, khích lệ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc; xây đắp và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Báo chí kiên quyết đấu tranh góp phần loại bỏ những gì còn cản trở, kìm hãm, gây hại cho tiến trình phát triển của đất nước. Trong bối cảnh thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều, nhiều vấn đề mới, chưa được kiểm chứng, thông tin sai lệch, mưu đồ lợi dụng tự do dân chủ để đi ngược lại các giá trị, mục tiêu mà nền báo chí cách mạng đã và đang phấn đấu, báo chí cần chủ động, nhạy bén, phát hiện và dự báo các vấn đề, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh sắc bén với các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần củng cố, vun đắp niềm tin của nhân dân. Báo chí tiếp tục là vũ khí quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu, tệ nạn xã hội.

Báo chí xác định là một bộ phận cấu thành của văn hóa, là lực lượng đi đầu trong xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là một điển hình, đại diện về tính văn hóa, cơ quan văn hóa, môi trường văn hóa với những con người văn hóa, giữ gìn phẩm giá, lòng tự hào và tự trọng nghề báo, vượt qua những cám dỗ và thách thức, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân lên từng trang viết, từng sản phẩm báo chí.

Các tác giả, đại diện nhóm tác giả nhận giải C. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Báo chí tiếp tục phát hiện, biểu dương những nhân tố điển hình, điểm sáng tích cực, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, khẳng định phẩm giá, tâm hồn, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, định hướng xã hội vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Thông qua cầu nối báo chí, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, mở ra cơ hội tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc, thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và bạn bè trên khắp thế giới.

Trước xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, sự cạnh tranh gay gắt từ các nền tảng thông tin khác và những biến đổi hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng, Chủ tịch nước yêu cầu mỗi người làm báo phải không ngừng tự học, tự nghiên cứu, chủ động hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, hành nghề chuyên nghiệp, cung cấp thông tin chất lượng, tin cậy, thuyết phục trên nền tảng truyền thống và nhất là nền tảng công nghệ số, để đủ sức thu hút, giữ được niềm tin, sự tôn trọng của công chúng, chinh phục, chiếm lĩnh sự quan tâm của công chúng.

Sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang cho giới báo chí cả nước. Chủ tịch nước tin tưởng, với truyền thống trung thành với Đảng, gắn bó với dân tộc và nhân dân, đội ngũ những người làm báo Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với vị thế của một nền báo chí sắp tròn 100 năm tuổi.

123 tác phẩm xuất sắc được trao giải

Các tác giả, đại diện nhóm tác giả nhận giải Khuyến khích. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong số 157 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng đã thảo luận, thẩm định và bỏ phiếu lựa chọn được 123 tác phẩm xuất sắc để trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022, trong đó có 8 Giải A, 24 giải B, 46 giải C, 45 giải Khuyến khích.

Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in) thuộc về loạt 4 bài “Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ” của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Hà Thanh Giang, Minh Đức, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải - Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

Giải A thể loại Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (Báo in) được trao cho tác giả Vũ Trọng Lâm  - Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản, với tác phẩm: “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, làm căn cứ để đánh giá và rà soát, sàng lọc cán bộ”.

Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh) thuộc về tác phẩm: “Vượt qua cơn binh lửa” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng - Ban Thời sự, Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký (Phát thanh) thuộc về tác phẩm: “Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương” của nhóm tác giả Bùi Thị Thu Hương (Lan Hương), Bùi Thị Thùy Linh (Thùy Linh), Nguyễn Thị Thanh Trang (Thanh Trang), Tạ Thị Ngoãn (Tạ Ngoãn), Nguyễn Thị Thanh Tú (Thanh Tú) - Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh.

Giải A thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình) thuộc về tác phẩm: “Ngày gặp lại” của nhóm tác giả Tấn Tài, Ngọc Quí, Trần Thịnh - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải A thể loại Phim tài liệu truyền hình được trao cho tác phẩm “Bẫy” của nhóm tác giả Nguyễn Hồ Trí, Vũ Hồng Anh, Phạm Quốc Bằng, Chu Sỹ Thanh, Nguyễn Tài Vũ - Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) được trao cho loạt 5 bài: “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ), Phạm Thanh Trà (Thanh Trà), Nguyễn Hoài Nam (Hoài Nam), Hoàng Tiến Đạt (Hoàng Đạt) - Báo điện tử VietnamPlus, Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

Giải A thể loại Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử) thuộc về tác phẩm: “Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường” của nhóm tác giả Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình (Đức Bình), Nguyễn Ngọc Quang (Ngọc Quang) - Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh.

Thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh không có giải A.

TTXVN đoạt 6 giải

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với lãnh đạo TTXVN, đại diện các đơn vị và tác giả đoạt giải thuộc Liên chi hội nhà báo TTXVN. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại Giải Báo chí Quốc gia năm 2022, Liên Chi hội Nhà báo TTXVN đoạt 6 giải (1 giải A, 1 giải B, 2 giải C, 2 giải Khuyến khích).

Giải A thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử) được trao cho loạt 5 bài: “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ), Phạm Thanh Trà (Thanh Trà), Nguyễn Hoài Nam (Hoài Nam), Hoàng Tiến Đạt (Hoàng Đạt) - Báo điện tử VietnamPlus.

Tác phẩm: “Vàng tặc” tàn phá rừng phòng hộ ở Lai Châu của nhóm tác giả Nguyễn Văn Oanh (Nguyễn Oanh), Trần Văn Hoàng (Việt Hoàng), Đinh Thị Thùy (Đinh Thùy) - Cơ quan thường trú TTXVN tại Lai Châu, được trao giải B (không có giải A) thể loại Ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh.

Loạt 4 bài “Xây dựng những vùng biển hòa bình” của nhóm tác giả Trần Thanh Bình, Trần Phương Hà, Nguyễn Thị Tố Uyên, Nguyễn Thị Thúy, Trần Mạnh Hùng - Ban biên tập tin Thế giới và các Cơ quan thường trú tại Geneva, Singapore và Berlin, được trao giải C thể loại Tin, bài phản ánh, phỏng vấn (Báo in).

Loạt 5 bài “Đối thoại Hà Nội: quy hoạch ngược” của nhóm tác giả Ngô Thị Thu Lan, Nguyễn Thị Xuân Hương, Nguyễn Văn Thành, Hà Văn Quỳnh, Nguyễn Đình Quý - Trung tâm Truyền hình Thông tấn được trao giải C thể loại Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Truyền hình).

Loạt 5 bài “Cột mốc chủ quyền biển đảo trong trái tim kiều bào” của tác giả Trương Thị Diệp (Diệp Trương) - Ban Biên tập Tin trong nước được trao giải Khuyến khích thể loại phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép (Báo điện tử).

Loạt 3 bài “Nhốt ‘quyền lực đen’ trong ‘lồng’ thể chế” của tác giả Nguyễn Quốc Huy - Ban Biên tập tin Kinh tế được trao giải Khuyến khích thể loại xã luận, bình luận, chuyên luận (Báo in).

Đổi mới sáng tạo

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, lãnh đạo cơ quan TTXVN với các tác giả thuộc LCH nhà báo TTXVN đoạt giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Tại Lễ trao giải, Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm nay là năm thứ 17 Giải Báo chí Quốc gia được tổ chức theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải báo chí quốc gia và Đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia. Với số lượng tác phẩm gửi về dự giải là 1.894 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước.

Theo Nhà báo Lê Quốc Minh, lăng kính Giải Báo chí Quốc gia cho thấy, báo chí năm 2022 đã thông tin nhanh, đúng, trúng và toàn diện mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, ở trong nước và cả quốc tế, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng lớn và tin cậy của nhân dân. Báo chí đã cho thấy sự đổi mới sáng tạo trong phương thức thể hiện, đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Báo chí đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông, tạo được hiệu quả xã hội rộng khắp.

Theo TTXVN