Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả và đẩy lùi “tín dụng đen” lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, bảo vệ an ninh, trật tự, UBND tỉnh An Giang đề nghị các sở ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện Kế hoạch 361/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức của người dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, về “tín dụng đen”, bẫy “tín dụng đen” và hệ lụy của nó gây ra. Thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách an sinh xã hội; chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động góp phần phòng ngừa “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn xã hội.
Tăng cường công tác quản lý việc cấp Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các tổ chức, cá nhân đảm bảo đúng quy định; kiên quyết thu hồi các loại giấy trên đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều các sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn; thực hiện chính sách tín dụng gắn với các chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; rà soát, tinh giản hơn nữa thủ tục cho vay để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn thay vì phải tìm đến “tín dụng đen”.
Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có hành vi phát, dán tờ rơi, quét sơn quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn có dấu hiệu của hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, tổ chức bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, bảng quảng cáo dán, treo trên tường, cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh, nơi công cộng liên quan đến cho vay tài chính, cầm đồ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, rà soát lên danh sách các băng, nhóm, đối tượng, tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho vay, cầm, cố, thuê tài sản liên quan hoạt động “tín dụng đen” như: Cho vay lãi nặng, đòi nợ, siết nợ, các điểm giao dịch, trụ sở hoạt động, lưu trú (khách sạn, nhà trọ, nhà cho thuê của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”) để có kế hoạch quản lý, phòng ngừa, đấu tranh triệt phá, không để chúng tiếp tục tồn tại, góp phần làm trong sạch địa bàn.
UBND tỉnh An Giang đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ, thống nhất đường lối xử lý và đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để tạo tác dụng răn đe, phòng ngừa chung. Cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy định của Bộ luật dân sự về hợp đồng vay tài sản, lãi suất trong các giao dịch dân sự.
Trên cơ sở xác định phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay lãi nặng, hệ lụy của vay “tín dụng đen”, người dân chủ động phát hiện, phòng ngừa và tích cực phối hợp, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật nêu trên với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ, xử lý; không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Người dân, doanh nghiệp phải tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính hợp pháp, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn.
HẠNH CHÂU