Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022

28/01/2022 - 11:51

 - Sáng 28-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký Công văn 101/UBND-KGVX về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022.

Thực hiện Công văn 425/BYT-DP, ngày 26-1-2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu  thủ trưởng các sở, ban,  ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay các nội dung sau:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban,  ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tích cực, chủ động triển khai các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện nghiêm Công văn 375/BYT-MT của Bộ Y tế về tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo người dân đón Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại các thành phố lớn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Sở Y tế tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất, phân công cụ thể cho các đơn vị liên quan theo từng nội dung và từng địa bàn phụ trách Kế hoạch 01/KH-BCĐ, ngày 6-1-2022 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID19 tỉnh về việc Ứng phó với biến thể Omicron SARS-CoV-2 tại An Giang.

Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, xâm nhập, dịch bệnh mùa đông - xuân; tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là dịch COVID-19 và biến thể mới; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh phát triển và lây lan trong cộng đồng.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho những người có nguy cơ cao theo chỉ đạo tại Công điện 64/CĐ-TTg, ngày 19-1-2022 và Công văn 79/UBND-KGVX, ngày 24-1-2022 của UBND tỉnh; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất; xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng mùa Xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người để phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện đúng chế độ về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày kết quả giám sát, điều tra, phòng chống dịch COVID-19 về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng, email: baocaobtn@gmail.com) theo quy định.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời thông báo cho ngành y tế để có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người. Triển khai việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng định kỳ tại các chợ bán gia cầm sống nhằm hạn chế tối đa sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm trong môi trường có thể lây sang người.

4. Sở Công thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành: công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hải quan, bộ đội biên phòng và các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra ngăn chặn gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm.

5. Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh trong mùa Tết, lễ hội. Đẩy mạnh truyền thông thông điệp "5K" và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19. Tăng cường truyền thông người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em tại các trường học. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ hoạt động để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trong thời gian tới đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

7. Sở Tài chính bổ sung kịp thời kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo sẵn sàng các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tin, ảnh: HẠNH CHÂU