Báo cáo tình hình triển khai Dự án xử lý sạt lở sông Hậu bảo vệ QL. 91, đoạn qua huyện Châu Phú, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang Nguyễn Văn Du cho biết, đến nay, công tác lập hồ sơ dự án đã hoàn thành, với năng lực thiết kế dự án là 1.350m, có điểm đầu dự án tại lý trình Km88+574 của QL.91, điểm cuối dự án tại lý trình Km89+928, với tổng mức đầu tư được xác định trên 242 tỷ đồng.
Dự án được chia làm 2 hạng mục: hạng mục 1, xử lý khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng trên tuyến QL.91, đoạn qua xã Bình Mỹ, có chiều dài 160m; đoạn chuyển tiếp thượng, hạ lưu 50m đã thi công hoàn thành, nghiệm thu ngày 13-4. Hạng mục 2, khắc phục sạt lở, khôi phục mặt đường đảm bảo giao thông và gia cố phòng, chống sạt lở tuyến QL.91, đoạn qua huyện Châu Phú, với chiều dài 1.350m, từ vị trí sạt lở hướng về thượng lưu và hạ lưu sông Hậu.
Đối với vị trí xuất hiện vết nứt ngày 23-5, nằm tại lý trình Km89+076 của QL.91 (cọc K0+827 theo hồ sơ dự án), từ vị trí mép dưới của nơi xảy ra sạt lở vào tháng 7-2019 hướng về phà Năng Gù khoảng 184m. Vị trí này thuộc phạm vi Dự án xử lý sạt lở sông Hậu bảo vệ QL. 91, đoạn qua huyện Châu Phú đã trình các cơ quan chức năng thẩm định. Hiện trạng lòng sông tại vị trí này có mái bờ sông hướng dốc và sâu sát bờ, nguy cơ sạt lở rất cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho rằng, dù vị trí xuất hiện vết nứt mới nằm trong vùng được dự báo, các ngành chức năng tỉnh đã có dự kiến hướng xử lý, khắc phục, nhưng không được chủ quan, bởi đoạn sông qua khu vực QL.91, đoạn thuộc xã Bình Mỹ có lòng dẫn hẹp, do xuất hiện bãi bồi phía bờ đối diện, khiến dòng chảy áp sát bờ lâu năm dễ gây sạt lở. Do đó, để khắc phục tình trạng sạt lở khu vực này cần có biện pháp xử lý căn cơ, thực hiện nạo vét, thông luồng, chỉnh trị dòng chảy...
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép An Giang thực hiện xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu bảo vệ QL.91, đoạn thuộc xã Bình Mỹ (Châu Phú), với chiều dài khoảng 3km (do chiều rộng lòng sông Hậu qua khu vực bị thắt hẹp còn khoảng 300m so đoạn thượng lưu và hạ lưu liền kề rộng 600m).
Trước tình hình xuất hiện thêm vết nứt mới tại khu vực này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ hiện trạng và tình hình đã dự báo tham mưu UBND tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp, để có hướng triển khai các biện pháp xử lý. Đồng thời, giao huyện Châu Phú lên phương án di dời các hộ dân trong vùng cảnh báo nguy hiểm đến nơi an toàn; phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện phân luồng giao thông cả đường bộ và đường thủy, dọn dẹp các vật nặng giảm tải trọng trên đoạn đường răn nứt; đặt biển cảnh báo đảm bảo an toàn giao thông và cử lực lượng túc trực không để người dân vào khu vực nguy hiểm.
Trước đó, sáng 23-5, cách vị trí xảy ra sạt lở hồi tháng 8-2019 khoảng 80 mét đã xảy ra hiện tượng răn nứt một đoạn dài khoảng 20 mét, bề rộng vết nứt từ 0,1-0,4cm. Đến sáng 24-5, tại vết răn nứt mở rộng từ 1-1,2cm.
MỸ LINH