Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thạnh Đông Nguyễn Thị Nguyệt Minh cho biết, nắm rõ những đổi mới của Bộ GD&ĐT nên trường đã định hướng học sinh ngay từ đầu năm học. Trường đưa ra phiếu khảo sát cho học sinh chọn môn học để biết số lượng và khả năng từng em, đồng thời định hướng trực tiếp cho phụ huynh và học sinh để các em lựa chọn phù hợp với năng lực của mình, đặc biệt lưu ý bài thi khoa học - tự nhiên sẽ khó hơn bài thi xã hội. Sau khi phân đối tượng, trường tiến hành ôn tập, dạy thêm song song với học chính khóa. Điểm mới của đề thi năm nay là nội dung chương trình tập trung cả 3 khối: 10, 11 và 12 (năm ngoái chỉ tập trung kiến thức khối 11, 12). Do đó, từ đầu năm học đến nay, việc ôn tập ưu tiên củng cố kiến thức lớp 10, 11. Trong từng giai đoạn, trường có bài kiểm tra, kỳ thi thử để học sinh làm quen với kỳ thi theo quy định của Bộ GD&ĐT, giúp các em có tâm lý vững vàng hơn. Theo đó, thầy cô vừa dạy sát năng lực của các em, vừa phân đối tượng: học sinh khá giỏi định hướng vào đại học, cao đẳng; học sinh trung bình, yếu định hướng các em tốt nghiệp.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Bình Thạnh Đông chuẩn bị tâm thế tốt nhất trước kỳ thi
Một trong những điểm mới của kỳ thi năm nay được học sinh rất quan tâm là điểm xét tốt nghiệp: điểm trung bình trên lớp chiếm 30% và tổng điểm các bài thi là 70%. Phân tích các đề thi tham khảo của năm nay, giáo viên nhận định dễ hơn năm ngoái. Theo hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT, học sinh có tâm trạng khá căng thẳng. Ban Giám hiệu đã xuống lớp để trấn an tâm lý cho các em: dù kỳ thi đổi mới như thế nào thì quá trình cố gắng học tập của các em mới là quan trọng. Theo cô Nguyễn Thị Nguyệt Minh, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp phụ huynh học sinh theo dõi suốt quá trình học và ôn tập của các em, đặc biệt lưu ý những trường hợp chưa chuẩn bị bài tốt, vắng... để báo ngay với phụ huynh. Hiện nay, trường đã gần kết thúc giai đoạn 1, sang giai đoạn 2 (cuối tháng 4) sau khi hoàn thành chương trình học và thi học kỳ sẽ tiếp tục phối hợp Hội phụ huynh theo dõi hoạt động học tập của các em, đề ra những chỉ tiêu khen thưởng khuyến khích các em phấn đấu đạt kết quả tốt. Sau khi kết thúc chương trình 12, các em sẽ tập trung vào các môn tự chọn với tâm thế tốt nhất.
Em Nguyễn Hà Thanh Nhị (học sinh lớp 12A1) chia sẻ, theo dõi cách tính điểm xét tốt nghiệp thì cách thay đổi của Bộ GD&ĐT năm nay có phần khó hơn những năm trước khiến học sinh lo lắng. Sau thời gian ôn tập, thử sức với các bài kiểm tra, thi thử sát với đề tham khảo, phần lớn các em đã củng cố tâm lý ổn định hơn. Tuy nhiên, những em chọn đường vào đại học, cao đẳng cũng xác định sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể cạnh tranh về đích như ý muốn. Thanh Nhị chọn thi khối tự nhiên, ngành sư phạm âm nhạc, hàng ngày vừa học ở trường, vừa học thêm năng khiếu ở ngoài. Em Nhị cho biết, được gia đình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để học và ôn thi. Điều này nhờ nhà trường, giáo viên hướng nghiệp trực tiếp với cha mẹ để có sự đồng thuận với lựa chọn cá nhân mỗi em về ngành nghề.
Theo cô Trần Thị Tuyết Mai (giáo viên dạy môn Văn học), mỗi năm Bộ GD&ĐT đưa ra đề minh họa để giáo viên dựa vào đó hướng dẫn ôn tập cho học sinh, giúp các em có tâm thế tốt nhất. Bộ đề đa dạng, phong phú nhưng cơ bản phù hợp với trình độ học sinh khối 12. Giáo viên nghiên cứu phương pháp, nhiều tư liệu khác nhau để hỗ trợ học sinh những kỹ năng rèn luyện tốt nhất áp dụng vào bài thi. Bước vào giai đoạn 2, giáo viên sẽ vừa ôn lại kiến thức cũ, vừa giới thiệu một số dạng đề gần hơn với hướng ra đề thi của Bộ GD&ĐT cho học sinh tiếp cận và nâng kỹ năng làm bài hiệu quả hơn.
MỸ HẠNH