Đoàn công tác đã thăm hỏi sức khỏe, đời sống, tặng quà Tết cho các đơn vị lực lượng đứng chân trên đảo, gồm: Trạm ra đa 610 (thuộc Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), Trạm Hải đăng Thổ Chu (Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam Bộ, thuộc Bộ Giao thông - Vận tải), Đài Khí tượng thủy văn (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung đoàn 152 (Quân khu 9), Đồn Biên phòng Thổ Châu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Trạm Cảnh sát biển (thuộc Vùng Cảnh sát biển 4) và UBND xã Thổ Châu.
Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích khoảng 14km2, là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu. Đảo Thổ Chu nằm cách đảo Phú Quốc gần 100km về phía Tây Bắc, cách đất liền hơn 220km về phía Bắc, điểm cao nhất của đảo so mực nước biển là 164m.
Thổ Chu là đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh. Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đã đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo. Đến nay, xã đảo Thổ Châu đã có hơn 550 hộ dân, với hơn 2.210 nhân khẩu. Người dân trên đảo sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Hiện nay, đảo Thổ Chu đang được đầu tư xây dựng, với nhiều công trình an sinh, văn hóa, xã hội khang trang, như: trạm y tế, bưu điện, trường mầm non, trường tiểu học, THCS…
Trong lịch sử, nhân dân Thổ Chu từng phải hứng chịu thảm họa tàn sát của quân diệt chủng Khmer đỏ. Đầu tháng 5-1975, trên khu vực biển, đảo Tây Nam, bọn phản động Khmer đỏ đã có nhiều hành động âm mưu, xâm lấn vùng biển, đảo của Việt Nam. Ngày 10-5-1975, chúng chiếm đóng đảo Thổ Chu, bắt và giết hại hơn 500 đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống trên đảo. Các đơn vị tiền thân của Vùng 5 Hải quân đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang Quân khu 9, Quân chủng Phòng không - Không quân đánh chiếm lại đảo Thổ Chu và tiến công quân Khmer đỏ ở đảo Polovai (Campuchia), kiên quyết trừng trị và đập tan ý đồ, âm mưu xâm chiếm biển, đảo Việt Nam của quân Khmer đỏ.
Ngày nay, cùng với phát triển kinh tế biển, đảo Thổ Chu còn là địa điểm du lịch còn hoang sơ, được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích khám phá.
Trước đó, tối 10-1, trên tàu hải quân 637 (thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân), các đoàn công tác đã tổ chức liên hoan vui Tết sớm với cán bô, chiến sĩ và nhân viên phục vụ trên tàu. Đây là chiếc tàu đưa đoàn công tác vượt quãng đường hơn 340 hải lý (khoảng 630km), ghé qua 6 điểm đảo có lực lượng vũ trang đứng chân làm nhiệm vụ, từ vùng biển Kiên Giang đến vùng biển Cà Mau.
Đoàn đại biểu dành phút mặc niệm tại đền Thổ Chu, nơi tưởng niệm hơn 500 dân thường bị Khmer đỏ tàn sát và những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biển, đảo Tây Nam năm 1975
Dân hương tại đền Thổ Chu
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng tặng quà cho các đơn vị trên đảo Thổ Chu
Thăm hỏi đời sống cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Thổ Chu
Đời sống người dân trên đảo được cải thiện
Một góc đảo Thổ Chu
Xây dựng hồ chứa nước cho quân dân trên đảo
Một số hình ảnh về đảo Thổ Chu
Đoàn công tác An Giang tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ tàu hải quân 637
Hệ thống điện mặt trời trên đảo Thổ Chu
Công trình hồ chứa nước ngọt đã được xây dựng
THANH HÙNG – NGÔ CHUẨN