Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự buổi làm việc.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hơn 500 ngày qua, đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới và Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc dưới sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân với tinh thần "chống dịch như chống giặc", chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ kép, vừa làm tốt công tác chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, thu được những kết quả quan trọng trong hơn năm qua.
7 tháng qua, công việc trọng tâm vẫn là chống dịch trong điều kiện chúng ta vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Dịch COVID-19 bùng phát trong năm nay 2 lần, đợt dịch này tập trung vào các thành phố lớn và các tỉnh có khu công nghiệp lớn với biến chủng Delta diễn biến phức tạp, khó lường và nhanh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta thu được kết quả đáng mừng trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, diễn biến dịch vẫn phức tạp ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam.
Hôm nay, chúng ta có cuộc họp để chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ của nhân dân để có thêm niềm tin, sức lực, chia sẻ cùng đoàn kết thống nhất tiếp tục công cuộc phòng, chống dịch, mang lại yên bình, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân tên tinh thần thực hiện Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cảm ơn Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đã nỗ lực hết sức tích cực trong thời gian qua trong công cuộc phòng, chống dịch. Chúng ta đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn, đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn, tích cực rồi thì tích cực hơn để đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, phát triển kinh tế-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
* Tại hội nghị, Ban Dân vận Trung ương cho biết, Ban đã chủ động nắm tình hình, đề nghị Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động; tăng cường vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch và vận động ủng hộ, hỗ trợ đoàn viên, hội viên và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
Đồng thời, đề nghị Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy, đặc biệt các tỉnh, thành phố trong diện thực hiện Chỉ thị số 16-CT-TTg kịp thời tham mưu cho cấp ủy các công việc cấp bách trong phòng, chống dịch, tăng cường bám sát cơ sở, địa bàn, nắm chắc tình hình các tầng lớp nhân dân, chú trọng người lao động trực tiếp, lực lượng tuyến đấu chống dịch, các đối tượng yếu thế, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... để kịp thời chia sẻ, phối hợp hỗ trợ, đề xuất các giải pháp giúp đỡ người dân.
Cùng với các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; hỗ trợ người gặp hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kết quả công tác hỗ trợ bước đầu như sau:
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: vận động tiếp nhận 781 tỷ đồng; phân bổ, hỗ trợ nhân dân 722,475 tỷ đồng để phòng, chống dịch COVID-19 và ủng hộ Quỹ vaccine ở Trung ương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ với số tiền hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó đã tiếp nhận số tiền 2.733 tỷ đồng.
Công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ cho 417.972 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 321,313 tỷ đồng.
Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp bảo lãnh cung ứng được hơn 175 nghìn tấn phân bón; hỗ trợ tiêu thụ trên 150.000 tấn nông sản hàng hóa cho nông dân; vận động ủng hộ, giúp đỡ những hộ nông dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 gần 200 tỷ đồng.
Các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam huy động ủng hộ tiền và hàng hóa trị giá 205 tỷ đồng. Riêng đợt cao điểm dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, đã vận động, ủng hộ 4.289 tấn hàng hóa và tiền, tổng trị giá lên tới 138 tỷ đồng.
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: tổng giá trị các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thanh thiếu nhi và nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của các cấp bộ đoàn tại đợt dịch bùng phát lần thứ 4 là hơn 176 tỷ đồng...
* Tại cuộc làm việc, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 1 tháng triển khai Nghị quyết số 68-NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 cho thấy, các địa phương, các ngành, các cấp đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả; các chính sách đã đến trực tiếp người dân nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn.
Các địa phương đã hỗ trợ cho lao động tự do hưởng chính sách hỗ trợ rất linh hoạt tùy thuộc khả năng ngân sách của các địa phương; nhiều địa phương chủ động mở rộng nhiều đối tượng, quan tâm đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động khó khăn.
Tính đến thời điểm hiện tại, 12 nhóm chính sách theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã hướng dẫn và hỗ trợ cho tổng cộng gần 13 triệu lượt người lao động, gần 380.000 người sử dụng lao động với khoảng gần 6.780 tỷ đồng, phân thành 3 nhóm lớn:
1) Nhóm chính sách về bảo hiểm: hướng dẫn hỗ trợ cho khoảng gần 11,35 triệu người với số tiền gần 4.600 tỷ đồng;
2) Nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động: đến nay đã hỗ trợ được cho khoảng gần 1,41 triệu người với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng;
3) Nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: đến nay đã cho vay gần 170 tỷ đồng, với gần 300 doanh nghiệp và gần 50.000 người lao động. Ngày 16-7-2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ cho 247 nghìn nhân khẩu ở các tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổng hợp đề xuất hỗ trợ gạo của các địa phương...
Theo THANH GIANG (Báo Nhân Dân)