Chung tay hợp tác, khai thác hợp lý nguồn nước sông Mekong vì lợi ích chung

31/12/2019 - 09:34

Dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm 2019-2020 đến sớm và nghiêm trọng hơn lịch sử năm 2015-2016. Dự báo khoảng 120.000 hộ dân miền Tây thiếu nước sinh hoạt, 50.000 ha vụ đông xuân sẽ phải cắt giảm. Đây là một vấn đề quan trọng, đáng quan tâm của người dân sống ở khu vực hạ lưu sông Mekong nói chung, cụ thể là khu vực ĐBSCL. Đó là hệ lụy gây ra bởi hoạt động của các đập thủy điện, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ. Việc xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng.

Sông Mekong là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng có chiều dài hơn 4.800 km, diện tích lưu vực 795.000 km2, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm khoảng 15.000 m3/s và tổng lượng dòng chảy hàng năm 475 tỷ m3 tại châu thổ, chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Sông Mekong có mật độ dân số dao động từ hơn 50 người/km2 tại lưu vực thượng nguồn đến 100 người/km2 tại lưu vực hạ nguồn. Trong đó, mật độ dân số cao nhất thuộc về khu vực Việt Nam 260 người/km2. Là con sông có độ đa dạng sinh học cao thứ 2 thế giới, cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt lên đến 2,3 triệu tấn/năm, với giá trị thương mại ước tính khoảng 2 tỷ USD/năm.

Với tiềm năng to lớn (lên tới 53.000 MW cho dòng chính và 35.000 MW ở các dòng phụ), cuộc chạy đua trong việc khai thác triệt để sông Mekong cho thủy điện của các quốc gia ven sông đặt ra nhiều tranh luận và thách thức. Một trong những tranh luận mạnh mẽ nhất là tác động của thủy điện đến các khu vực ven sông, cụ thể là ĐBSCL, vùng đang chịu hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng từ đầu năm 2016.

Đến giữa tháng 12-2019, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền 40 - 50 km (cao hơn năm 2016 khoảng 3 - 5 km). Ranh mặn 4g/l xâm nhập sâu vào đất liền 55 - 110 km vào tháng 1, 2 và đến giữa tháng 3 - 2020 (cao hơn từ 3 - 7 km so với năm hạn mặn lịch sử). Điều này sẽ gây rủi ro lớn trong vụ đông xuân cho các địa phương cách biển 50 - 60 km. Theo đó, có 10/13 tỉnh của ĐBSCL gồm: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Kiên Giang bị tác động bởi xâm nhập mặn. Dự báo năm 2019 - 2020 có khoảng 120.000 hộ dân khu vực ĐBSCL sống trong cảnh thiếu nước.

Mặt khác, theo chuyên gia về khí tượng thủy văn, từ tháng 12 - 2019 đến 2-2020, tổng lượng nước về đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục suy giảm và thiếu hụt từ 25% đến 35%; các tháng cuối ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 10% đến 30%. Những con số trên cho thấy tình trạng thiếu nước, khô hạn nguy cơ rất cao. Các địa phương khu vực ĐBSSCL bị xâm nhập mặn vào các tháng đầu mùa khô ở mức cao hơn, sâu hơn trung bình nhiều năm. Đây là ví dụ tiêu biểu cho mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn.

Vùng hạ lưu sông Mekong bị bao phủ bởi các đập thủy điện lớn, nhỏ

Lưu vực sông Mekong hiện nay và trong tương lai giữ một vai trò quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia ven sông mà còn cả trong phát triển hợp tác kinh tế và chính trị trong khu vực.  Vì vậy, nhu cầu và vấn đề đã và đang trở thành cấp thiết là việc sử dụng công bằng, hợp lý, phát triển bền vững, bảo vệ nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông là hướng đi phù hợp với xu thế chung của thế giới hiện nay. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông có  3 nội dung chính, gồm: phát triển (quy hoạch và xây dựng công trình), quản lý (phân bổ, giải quyết tranh chấp, quản lý ô nhiễm...) và bảo vệ (bảo vệ rừng, quản lý phân bón, thuốc trừ sâu, cơ cấu mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ dãy ven bờ...).

Trong tương lai, tại các nước ven sông, nhu cầu khai thác và sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong sẽ ngày càng lớn và tăng đáng kể. Điều đáng lo nhất là các nước vùng hạ lưu không ai nắm được cụ thể quy trình vận hành của các nhà máy thủy điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ có thông báo một số thông tin từ 2 trạm thủy văn về mùa lũ, không có số liệu về mùa khô cho nên muốn tính toán, kiểm tra lại quy trình vận hành là rất khó khăn, nan giải. Một số nhà khoa học cũng lưu ý để tránh tình trạng cực đoan, các nước cần tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, đối thoại, minh chứng trên luận cứ khách quan và khoa học để làm sao tác động về lợi ích của các công trình đập thủy điện và đập dâng là lớn nhất và thiệt hại là ít nhất.   

Trong xu thế hội nhập của thế giới, việc khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong là quyền lợi chung của tất cả các nước trong lưu vực. Do đó, cần quan tâm, thúc đẩy việc xây dựng cơ sở pháp lý của hợp tác quốc tế trong việc khai thác sử dụng các lưu vực sông quốc tế nhằm thiết lập một hệ thống quốc gia cho các hoạt động khai thác nguồn nước; theo dõi việc sử dụng nguồn nước sông quốc tế trong lãnh thổ Việt Nam cả về số lượng và chất lượng cụ thể là 2 trạm chính ở TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc. Song song đó, cần cập nhật các thông tin, số liệu cơ bản, tiến hành nghiên cứu tổng hợp đánh giá về tác động của các đập thủy điện và các đập dâng của các nước vùng thượng lưu kể cả của Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Campuchia cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ảnh hưởng đến ĐBSCL.  

Việc các nước ở thượng lưu sông Mekong tiến hành xây dựng các đập thủy điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, sông Mekong là sông quốc tế nên cần có tiếng nói chung của các tổ chức quốc tế, nhà khoa học để minh chứng cho các lập luận về nguyên tắc chia sẻ nguồn nước và thái độ hợp tác của các nước ven sông phải rõ ràng, minh bạch vì quyền lợi chung của cả lưu vực.

M.T