Khắc ghi tên gọi “B52”
Trong các cuộc kháng chiến của Nhân dân An Giang, có nhiều ngôi chùa, đình trở thành cơ sở tin cậy, nuôi giấu cán bộ; đóng góp sức người, sức của cho cách mạng. Chùa Svay Đon Cum là một trong số đó, minh chứng cho tình keo sơn gắn bó quân dân trên đất An Giang. Theo lời các cụ cao niên, chùa được xây dựng từ năm 1718, đơn sơ mái lá, tọa lạc trên sườn đồi Tức Dụp, mang tên Nay Đon Cum.
Trước năm 1945, chùa được di dời xuống địa điểm hiện tại, xây cất bằng gỗ, mái tranh. Xung quanh chùa có nhiều cây xoài mọc thành rừng um tùm. Một cây xoài gần chùa vươn lên rất cao, thân nhỏ tựa như dây leo. Do đó, dân trong phum, sóc mới gọi chùa Nay Đon Cum chệch đi thành Svay Đon Cum, ý chỉ chùa “Dây Xoài”.

Chùa Svay Đon Cum, ngôi chùa Nam tông Khmer mang trong mình lịch sử vẻ vang trong thời kháng chiến
Tên gọi chùa B52 lại gợi nhớ những năm tháng kháng chiến, chùa là nơi nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho bộ đội. Những năm 1968 - 1969, căn cứ cách mạng của ta đặt trên đồi Tức Dụp. Đồng bào tìm mọi cách tiếp tế lương thực, thuốc men, giúp bộ đội có điều kiện bám trụ lâu dài đánh địch. Để “bẻ gãy” ý của quân dân ta, địch dùng máy bay B52 ném bom, đánh phá ác liệt. Chùa bị hư hại hoàn toàn. Người dân, chiến sĩ cách mạng gọi là chùa B52 để không quên tội ác của giặc. Hiện nay, phía trước chính điện chùa có một ao nước nhỏ, là một trong những dấu tích của bom từ máy bay B52 còn sót lại.
Cùng viết nên trang sử vẻ vang
Công trạng của chùa Svay Đon Cum trong kháng chiến chống Mỹ rất lớn. Những năm Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), các cánh quân đóng ở Bảy Núi phải chịu sự ruồng bố gắt gao. Bấy giờ, lực lượng ta dựa vào địa hình hiểm trở của núi đồi ẩn núp, chỉ hoạt động về đêm. Nguồn sống chủ yếu chỉ là “buồng chuối, nắm cơm nguội” của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer địa phương tiếp tế.
Chùa đóng vai trò là cầu nối trung chuyển việc “thu nhận”, “truyền tin” cho lực lượng du kích địa phương với quân từ Kiên Giang qua tiếp ứng. Mỗi người dân trong phum, sóc - không phân biệt già trẻ, trai gái - đều hăng hái tham gia cách mạng bằng nhiều hình thức. Đó là những việc làm thông minh, linh hoạt, sáng tạo trong việc kết hợp giữa sinh hoạt tín ngưỡng ở chùa với làm cách mạng. Những nhà sư chùa Svay Đon Cum cùng bà con góp phần quan trọng làm nên thành tích đáng tự hào của lịch sử huyện Tri Tôn anh hùng, viết nên trang sử vẻ vang của tỉnh An Giang và của cả dân tộc.
Năm 1975, bà Neáng Hiền vận động dân trong phum sóc góp tiền của xây lại chùa trên khuôn viên cũ. Không lâu sau, bà con phải di tản nơi khác để tránh sự truy sát của bọn Pol Pot. Đến năm 1980, chùa B52 được xây dựng lại. Năm 2001, chùa một lần nữa được tu sửa phần tường ở chánh điện và tha la, chất liệu chính là gạch, xi-măng, mái chùa lợp tole. Chùa được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2013.
Chiến tranh đã đi qua, huyện Tri Tôn không ngừng “thay da, đổi thịt” từng ngày. Những người con Tri Tôn đang ra sức xây dựng và phát triển kinh tế, cải thiện đời sống củng cố tình đoàn kết giữa dân tộc Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Chùa B52 trở thành nơi lưu dấu lịch sử cách mạng, không thể nào phai nhạt.
MINH ĐỨC