Chuyến công tác quan trọng, nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Chính phủ
27/11/2023 - 15:20
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại UAE và Thổ Nhĩ Kỳ có ý nghĩa quan trọng cả trên bình diện song phương và đa phương.
AA
Nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Chính phủ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 28), tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 29/11 đến ngày 3/12/2023.
Chuyến công tác tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Chỉ thị số 25- CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương nhằm góp phần bảo đảm môi trường quốc tế và khu vực hòa bình, ổn định, phục vụ mục tiêu phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Chuyến công tác cũng góp phần triển khai Đề án "Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025" và Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thúc đẩy thiết lập cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Đồng thời, chuyến công tác sẽ thiết thực góp phần triển khai Kết luận 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, qua đó củng cố, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.
Sự kiện đa phương quan trọng nhất trong năm về biến đổi khí hậu
Hội nghị COP là sự kiện do Liên Hợp Quốc tổ chức thường niên từ năm 1995 đến nay, có quy mô, tầm quan trọng hàng đầu, nhằm đánh giá quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên tham gia, thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Năm nay, dự kiến Hội nghị sẽ có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác.
Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị COP28 là sự kiện đa phương quan trọng nhất trong năm về biến đổi khí hậu. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến có sự tham dự của hơn 100 nguyên thủ, thủ tướng chính phủ các nước và lãnh đạo các tổ chức quốc tế.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia khẩn trương hành động để có thể đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris (2015) về giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2°C và theo đuổi nỗ lực để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C; đồng thời thu hẹp khoảng cách còn lớn giữa các cam kết đề ra và kết quả đạt được, đặc biệt về giảm phát thải khí nhà kính, tài chính cho khí hậu và hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục các tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Năm 2023 cũng là thời điểm kết thúc vòng đầu tiên Đánh giá nỗ lực toàn cầu về việc thực hiện Thỏa thuận Paris giai đoạn 2015 - 2023. Hội nghị thượng đỉnh sẽ là dịp quan trọng để lãnh đạo cấp cao các nước rà soát những tiến bộ đạt được và xác định các lĩnh vực ưu tiên lớn cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Đảng và Nhà nước ta luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 bằng nguồn lực trong nước và với sự hỗ trợ của quốc tế.
Việt Nam là một trong 30 nước đầu tiên nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên (cùng với Indonesia và Nam Phi) tham gia Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đồng thời đang khẩn trương hoàn tất và dự kiến sẽ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực JETP tại COP 28.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới là dịp để Việt Nam thể hiện mạnh mẽ thông điệp trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu; giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ chủ trương, quyết tâm và nỗ lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UAE, Thổ Nhĩ Kỳ
Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục, văn hóa... Hai nước chia sẻ nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và phát triển đất nước. Năm 2023, hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7/6/1978 - 7/6/2023).
Về chính trị - ngoại giao, hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao. Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại ASEAN.
Về thương mại - đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Trung Đông. Kim ngạch song phương năm 2022 đạt gần 2 tỉ USD. Tính đến tháng 9/2023, Thổ Nhĩ Kỳ có 34 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 1 tỉ USD.
Đây là chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 2018. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với UAE thời gian qua phát triển tốt đẹp. UAE coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2023 kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và UAE.
Về chính trị - ngoại giao, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 8/1993, hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Gần đây nhất, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu và tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE từ ngày 3-6/5/2023. Hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế.
Về kinh tế, UAE là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông với kim ngạch những năm gần đây luôn đạt xấp xỉ 5 tỉ USD, riêng trong 10 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - UAE ước đạt gần 4 tỉ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) và đang hướng tới toàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định.
UAE là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 38 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng lũy kế vốn đầu tư đăng ký đạt 71,4 triệu USD. Hiện có khoảng 4.500 lao động Việt Nam đang làm việc tại UAE.
Chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị COP 28, tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, vừa khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế; vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.
Một số ưu tiên theo chương trình nghị sự của COP28:
a) Về giảm phát thải khí nhà kính: COP28 sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và bảo đảm việc thực hiện. COP28 sẽ tiếp tục thảo luận xây dựng tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.
b) Về thích ứng với biến đổi khí hậu: COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép thích ứng trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia hướng tới cách tiếp cận mang tính chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS), dựa vào hệ sinh thái (EbA); tiếp tục thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại, cơ chế vận hành và đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thành lập tại COP27.
c) Về tài chính khí hậu: COP28 sẽ tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỉ USD mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và dài hạn; thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, các biện pháp đa dạng hoá các nguồn tài chính khí hậu, đặc biệt là tài chính tư nhân, bảo đảm cân bằng giữa tài chính cho thích ứng, giảm nhẹ; vai trò của các ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các quỹ đầu tư trong thu hút các nguồn lực đa dạng cho ứng phó biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các cuộc họp định kỳ của Ban thư ký Quỹ Thích ứng (AF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF) sẽ diễn ra nhằm triển khai các kế hoạch huy động vốn hướng tới 2025 và sau 2025.
d) Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon: Các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon theo Thỏa thuận Paris, còn được biết đến là các cơ chế theo Điều 6 gồm các nội dung cơ chế thị trường trao đổi tín chỉ carbon (Điều 6.2); cơ chế phát triển bền vững (theo Điều 6.4) và cơ chế phi thị trường (Điều 6.8). Hội nghị COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện, trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi các tín chỉ carbon hình thành theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto, sang cơ chế phát triển bền vững theo quy định của Thỏa thuận Paris.
đ) Về đánh giá nỗ lực toàn cầu: Hội nghị COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các quốc gia đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, NDC để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo HÀ VĂN (Chính phủ)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: