Chuyển đổi số, công nghệ số ở An Giang

23/02/2021 - 06:21

 - Định hướng cho ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) trong giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu ngành TT&TT phối hợp ngành có liên quan nỗ lực xây dựng An Giang hướng đến triển khai Chính phủ điện tử, xây dựng nền tảng số vững chắc tạo tiền đề phát triển kinh tế số, công nghệ số, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và mọi mặt của đời sống xã hội.

Hội nghị tổng kết và định hướng nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thông tin và Truyền thông

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trong thế giới phẳng như hiện nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về công nghệ thông tin (CNTT) đã làm thay đổi toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Điều đó đưa đến nhận thức rằng, một quốc gia, một địa phương muốn phát triển, đi đầu trong mọi lĩnh vực cần có sự hoàn thiện về hạ tầng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính ngày càng nhanh và hiệu quả hơn, phát triển doanh nghiệp (DN) số giúp việc sản xuất hàng hóa và trao đổi, lưu thông ngày càng nhanh hơn, ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực then chốt, như: y tế, giáo dục, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp… để đẩy nhanh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Định hướng cụ thể phát triển giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đầu tư phát triển hạ tầng bưu chính, tăng trưởng hàng năm duy trì trên 30%, tập trung 3 lĩnh vực (Logistics, thương mại điện tử, dịch vụ công), đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hoạt động bưu chính; tập trung triển khai đề án “Thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương” khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên lĩnh vực viễn thông, cần xây dựng hạ tầng viễn thông bằng quang hóa đến hộ gia đình, phát triển mạng 5G đáp ứng yêu cầu kết nối đô thị thông minh, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các DN viễn thông sẽ là lực lượng nòng cốt trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, an toàn và an ninh thông tin tại địa phương. Cùng với đó là phát triển rộng khắp dịch vụ thanh toán qua tài khoản viễn thông, đặc biệt tại địa bàn nông thôn, phấn đấu phổ cập hầu hết người dùng điện thoại sử dụng thiết bị thông minh, sử dụng nhiều ứng dụng và các dịch vụ cơ bản của xã hội điện tử.

Trên lĩnh vực CNTT, tỉnh sẽ triển khai Trung tâm Dữ liệu điều hành thông minh tỉnh hoạt động hiệu quả; xây dựng hoàn chỉnh trục kết nối liên thông, chia sẻ cấp tỉnh; duy trì kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh, phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, DN được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh được xác thực điện tử.

Từ năm 2021, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, huyện áp dụng nhiều phương thức thanh toán phí không thu tiền mặt, nâng tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4/tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên; phấn đấu tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức thanh toán các dịch vụ công bằng thanh toán điện tử; giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử; hầu hết các cuộc họp được thực hiện không giấy (phòng họp không giấy).

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 hướng đến 100% các điểm du lịch, các khu dịch vụ công cộng, các cơ quan nhà nước cung cấp hệ thống wifi miễn phí phục vụ nhu cầu kết nối của người dân, du khách. Trên 70% các trường học triển khai mô hình trường học thông minh, ứng dụng CNTT trong quản lý, giảng dạy và học tập; 100% các trường THCS trở lên phổ cập kiến thức tin học ứng dụng, tin học sáng tạo, an toàn - an ninh thông tin.

Thực hiện bệnh viện ứng dụng bệnh án điện tử, thanh toán điện tử, đăng ký khám, chữa bệnh qua mạng viễn thông - CNTT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân và quản lý y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Trên 50% các trung tâm mua sắm cung ứng nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Phổ cập kiến thức tin học ứng dụng; an toàn - an ninh thông tin từ hệ thống chính trị ra cộng đồng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và giáo dục phổ thông, qua đó hình thành thế hệ công dân điện tử, là nền tảng quyết định của xã hội điện tử phát triển, xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên lĩnh vực công nghiệp ICT, phấn đấu đưa doanh thu CNTT tăng bình quân hàng năm trên 15%; đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút đầu tư phát triển DN CNTT; đề xuất thành lập khu CNTT tập trung nhằm thúc đẩy DN số phát triển.

NGỌC GIANG