Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã ở An Giang

13/09/2024 - 06:49

 - Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công,nghiệp 4.0, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn An Giang đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm bắt kịp xu thế, hướng.tới phát triển bền vững. Cùng với đó, ngành chức năng có nhiều chương trình, chính sách, hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh trên nền tảng số.

Từ chủ trương, chính sách

Chuyển đổi số là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và là nền tảng cho nền kinh tế hiện đại. Vì thế, UBND tỉnh An Giang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN), như một động lực quan trọng để phát triển trong cuộc cách mạng KHCN đang bùng nổ hiện nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị 19/CT-TTg đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX). Chỉ thị đã nêu hạn chế khu vực kinh tế tập thể (KTTT) của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao; mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp xu thế phát triển; nguồn lực tài chính và trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế.

Một trong những nguyên nhân của các hạn chế nêu trên là chuyển đổi số còn chậm, thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể. Do đó, cần chủ động thực hiện chuyển đổi số, để đổi mới phương thức sản xuất - kinh doanh (SXKD), nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả SXKD, thích nghi với tình hình phát triển mới.

Để giúp các DN nhỏ và vừa chuyển đổi số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các DN nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh… sẽ được hỗ trợ tư vấn, tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Trung Hiếu cho biết: “Tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện về hạ tầng đô thị thông minh tại các thành phố, thị xã, khu vực đô thị trực thuộc. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền dựa trên nền tảng số. DN phát triển dựa trên hạ tầng số, thúc đẩy phát triển DN công nghệ số; người dân tham gia tích cực xây dựng nền tảng xã hội số. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện thúc đẩy phát triển, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số; đặc biệt là hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số”.

Hiện nay, kinh tế số đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc gia và Việt Nam không phải ngoại lệ. Để có thể thúc đẩy phát triển ứng dụng KHCN và chuyển đổi số. Ngoài các tổ chức, cá nhân, DN, HTX tự nỗ lực phát triển cho tổ chức mình, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của kinh tế số và đã triển khai nhiều chính sách và biện pháp thúc đẩy.

TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam chỉ rõ: “Trong quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, chính sách và thực thi đóng vai trò quan trọng thúc đẩy và định hướng chuyển đổi số. Do đó, cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư, kinh doanh trong môi trường kinh tế số, như: Tạo lập, khuyến khích và bảo đảm sân chơi bình đẳng, lành mạnh giữa các loại hình DN và thành phần kinh tế.

Cải cách và hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế số: Tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong môi trường kinh tế số. Đào tạo và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho DN, giúp DN nắm bắt và sử dụng hiệu quả các công nghệ số.

Đến thực tiễn cơ sở

Ngày nay, khi thế giới và thị trường đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, chuyển đổi số trong DN là điều tất yếu phải xảy ra. Chuyển đổi số trong DN là quá trình thay đổi về tư duy và ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả hoạt động SXKD, tăng trưởng doanh thu và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.

Là DN đã ứng dụng KHCN chuyển đổi số hiệu quả, ThS Võ Minh Khôi, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cá Tra Việt - Úc chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, công ty đã thực hiện hệ thống thiết bị và phần mềm thu thập dữ liệu lớn trong chương trình chọn giống cá bố mẹ.

Từ năm 2016, công ty bắt đầu chương trình chọn giống cá tra bố mẹ, nhằm chọn lọc được đàn cá bố mẹ mang những tính trạng vượt trội, như: Tăng trưởng nhanh hơn, thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của môi trường và chất lượng thịt ngày càng tốt hơn, đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu. Đến nay, chúng tôi đã có thế hệ G3 được dự đoán tăng trưởng nhanh hơn 30% so với thế hệ ban đầu. Tỷ lệ sống và chất lượng thịt cũng cải thiện rõ rệt qua từng thế hệ. Do đó, việc sử dụng các quần đàn cá tra bố mẹ được kiểm soát thông tin di truyền tốt nhằm góp phần cải thiện chất lượng và duy trì tính bền vững của ngành sản xuất này trong tương lai.

Tuy nhiên, để làm được câu chuyện đó, một số lượng dữ liệu khổng lồ từ các cá thể của các quần đàn qua từng năm con số lên đến hàng trăm ngàn dữ liệu. Yêu cầu đặt ra là dữ liệu phải được thu thập, lưu trữ và phân tích chính xác, để chương trình chạy theo đúng quỹ đạo đặt ra. Vì vậy, Công ty Việt - Úc cùng đối tác SCIRO sử dụng chip điện tử đánh dấu từng con cá, các công cụ kỹ thuật số và các phần mềm thu thập dữ liệu tự động để phục vụ chương trình”.

Công ty còn ứng dụng một số thiết bị giám sát môi trường ao nuôi và sức khỏe vật nuôi. Theo ThS Võ Minh Khôi: "Chúng tôi đang áp dụng một số thiết bị công nghệ mang đầu dò đa chỉ tiêu, giúp thu thập và cập nhật dữ liệu môi trường ao nuôi 2 giờ/lần. Tất cả dữ liệu môi trường được tích hợp vào dữ liệu nhật ký sản xuất, giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quan cho từng ao nuôi, từng vụ nuôi, làm cơ sở để cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất".

Chuyển đổi số nông nghiệp phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Theo Liên minh HTX tỉnh An Giang, toàn tỉnh có trên 288 HTX hoạt động trên mọi lĩnh vực; trong đó, hơn 219 HTX nông nghiệp. Các HTX ngày càng thể hiện rõ vai trò nòng cốt chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch lại sản xuất, cải tạo đồng ruộng, hình thành những vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao hiệu quả sản phẩm trên một đơn vị diện tích.

Nhiều HTX, liên hiệp HTX sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản trị dữ liệu, trao đổi thông tin, quản trị hoạt động đầu vào, đầu ra… truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Nhiều HTX, liên hiệp HTX chuyển đổi số làm thay đổi hoạt động so phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực HTX nông nghiệp tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Nhiều HTX phi nông nghiệp theo yêu cầu thị trường đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, có định hướng đầu tư chuyển đổi số mạnh theo xu hướng và yêu cầu của thị trường.

HTX phi nông nghiệp đẩy mạnh ứng dụng một số giải pháp sử dụng ứng dụng chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng. HTX lĩnh vực giao thông vận tải đầu tư máy quay, thiết bị, sử dụng phần mềm để quản lý hành trình, khách hàng và vận đơn hàng hóa và tích hợp thanh toán tự động không dừng. HTX lĩnh vực thương mại đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị ứng dụng phần mềm bán hàng, quản lý nhập, xuất hàng hóa và bán hàng. Ngân hàng HTX và hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động và cung ứng dịch vụ.

“Những năm qua, các HTX đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững ở An Giang, như: HTX nông nghiệp Bình Thành (huyện Thoại Sơn); HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn)… mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”...” - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng thông tin.

Cần giải pháp khả thi

An Giang hiện có trên 8.000 DN đang hoạt động (trong đó trên 90% là DN vừa và nhỏ) và 288 HTX. Tuy nhiên, đa số các DN và HTX chưa quan tâm đầu tư công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số hoặc có DN, HTX quan tâm chuyển đổi số nhưng thiếu vốn đầu tư.

TS Đào Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng: “Thực trạng thời gian qua cho thấy, bức tranh về ứng dụng KHCN và chuyển đổi số trong khu vực KTTT còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi là nhận thức, chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý của HTX chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và đây là nguyên nhân mang tính quyết định sự thành bại của HTX”.

Điều này đặt ra cho hội đồng quản trị, ban giám đốc HTX phải có tầm nhìn chiến lược, có hướng đi mới, phải thay đổi căn bản, toàn diện và quyết tâm ứng dụng KHCN và chuyển đổi số vào mọi hoạt động quản lý, SXKD của HTX và xem đây là nhu cầu “cấp thiết, tất yếu, quyết định” trong quá trình phát triển bền vững HTX.

ThS Lê Minh Tùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề xuất, cần nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân - HTX - DN bằng cách tập huấn, giới thiệu, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thu hút, hỗ trợ và phát huy vai trò DN trong chuyển đổi số nông nghiệp. Phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ số ở nông thôn với định hướng: “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một DN ứng dụng công nghệ số”.

Doanh nghiệp chuyển đổi số thích ứng xu thế phát triển

“Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong phương hướng hoạt động Hiệp hội DN An Giang. Tới đây, hiệp hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò và hiệu quả của chuyển đổi số trong phát triển và hội nhập. Nêu cao trách nhiệm “người đứng đầu” trong DN, tích cực chuyển đổi số nâng cao hiệu quả SXKD; đóng góp ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các DN công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút DN công nghệ số. Hỗ trợ DN tìm hiểu cơ hội và thách thức các Hiệp định Thương mại tự do tạo nền tảng cơ bản khi DN hội nhập nền kinh tế quốc tế số” - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh An Giang Nguyễn Thị Kim Chi quyết tâm.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cần xây dựng các mô hình hỗ trợ DN đầu tư phát triển KHCN và chuyển đổi số. Đồng thời, tạo mối liên hệ theo chuỗi cung ứng. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp phát triển thị trường KHCN; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước vào các dự án nghiên cứu phát triển KHCN, từ các DN đầu tư phát triển KHCN, các nguồn lực xã hội, đa dạng các kênh đầu tư, tăng tính liên kết hệ thống để thúc đẩy sự phát triển của thị trường KHCN.

Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh, DN, doanh nhân An Giang, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ cùng nhau đồng lòng, nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, đẩy mạnh áp dụng KHCN và chuyển đổi số trong DN, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI.

HẠNH CHÂU