Chuyện nghề "Ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời"

17/03/2024 - 15:09

 - "Thấy vậy chứ cực lắm! Tối ngày leo cây, hết cây này tới cây kia. Có khi leo cả ngày luôn…”, anh Nguyễn Văn Tín, ngụ khóm Phú Nhứt, phường An Phú (TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nói về nghề trèo thốt nốt lấy mật, nghề mà theo anh là "ăn cơm dưới đất, làm việc trên trời”...

Ở Bảy Núi (tỉnh An Giang), cây thốt nốt gắn liền với đời sống mỗi gia đình đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đây là nhóm cây thuộc họ thân gỗ, cao hàng chục mét, khi trái kết thành chùm, với hàng chục trái tròn to. Để cây cho trái và nước, thì người trồng phải mất đến khoảng 20 năm.

Hàng năm, thời điểm từ tháng Giêng đến khoảng tháng 6 Âm lịch là mùa trái thốt nốt chín rộ. Người dân vùng Bảy Núi lại tất bật với việc “mưu sinh ở lưng chừng trời”.

Cũng như nhiều người dân tộc thiểu số Khmer, những ngày này khi trời chưa sáng, anh Tín đã chuẩn đồ nghề chuẩn bị cho 1 ngày thu hoạch nước thốt lốt.

Cột vài cái can nhựa vào thắt lưng và một con dao mang theo, anh Tín thoăn thoắt trèo lên một cây tre được cột cố định vào thân thốt nốt làm thang. Chỉ trong chớp mắt, anh Tín đã có mặt trên ngọn thốt nốt cao khoảng 20m.

Khi tôi hì hụt để lên được ngọn thốt nốt, thì anh Tín đã... lấy đầy can nhựa mật thốt thốt. Anh thoăn thắt leo từ nhánh này sang nhánh khác cắt ngang một đoạn của bông, để những giọt mật thốt lốt tự tuôn vào bình.

Khi tất cả các can nhựa đã đầy nước thốt nốt, anh Tín "tự thưởng" cho mình vài ngụm mật ngọt vừa lấy cho bớt cơn khát khi "gom mật" giữa cái nắng miền biên như thiêu đốt, rồi leo xuống đất.

Ở dưới gốc cây, chị Hồ Thị Vàng (vợ anh Tín) đang chờ sẵn để gánh nước thốt nốt về nhà nấu đường. Thấy tôi tò mò, anh Tín liền giải thích: “Nước thốt nốt lấy xuống là phải được nấu liền. Nếu để lâu sẽ bị chua, bởi đường trong nước thốt lốt sẽ lên men...".

Theo anh Tính, dù thốt nốt không tốn nhiều công chăm sóc, nhưng để cây cho nước và lấy được nước, thì rất công phu và nhiêu khê. Còn người làm nghề phải chấp nhận mạo hiểm tính mạng, khi phải đánh đu trên những ngọn cây cao chót vót, bởi không phải "tự nhiên" cây cho nước. Trước khi lấy nước phải trèo lên cây để "kẹp bông", rồi kích nước. Sau đó, ủ bông 2-3 ngày lại lên kiểm tra hớt mặt và xem nếu bông không có nước, thì phải ủ tiếp rồi sau đó mới lên khai thác...”.

NGUYỄN HƯNG