Ông Ngọc trình bày, vợ chồng ông Võ Thiện Bôm, Võ Thị Phiên (ngụ phường Bình Khánh) thiếu ông 335 triệu đồng. Vụ việc đã được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh ra quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 106/2013/QĐST-DS ngày 9-9-2013. Theo đó, vợ chồng ông Bôm có trách nhiệm thanh toán cho ông Ngọc 335 triệu đồng và duy trì tài sản thế chấp. Đó là 2 miếng đất, gồm: diện tích đất 384m2 quyền sử dụng đất (QSDĐ) số H.00022mA do UBND TP. Long Xuyên cấp ngày-12-2004; diện tích 244,7m2 QSDĐ số H.0725/II do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 7-12-2007.
Sau đó, ông Ngọc được Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Tri Tôn cung cấp thông tin rằng, vợ chồng ông Bôm còn 2 thửa đất khác, gồm: QSDĐ số H.00863/Pi do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 27-3-2007, diện tích 29.850m2 (miếng đất này đang ký công chứng nhượng cho bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, hồ sơ chưa sang tên); QSDĐ số H. 00914/Pi do UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 15-6-2007, diện tích 29.850m2 (miếng đất này đang cho ông Lê Văn Cơ mượn mở tín dụng thư ở ngân hàng, có giấy thỏa thuận cụ thể).
Khi quyết định thỏa thuận có hiệu lực thi hành, ông Ngọc làm đơn yêu cầu thi hành án và đã được Chi cục Thi hành án dân sự TP. Long Xuyên ra quyết định thi hành án, sau đó ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tri Tôn tiếp tục thi hành án. Ngày 30-10-2013, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tri Tôn ra Quyết định số 01/QĐ-CCTHA cưỡng chế kê biên QSDĐ đối với miếng đất số H.00863Pi. Do 2 miếng đất thế chấp trên không đủ đảm bảo khoản vay trả nợ (chỉ bán được khoảng 230 triệu đồng) và 1 miếng đất đã cho ông Cơ mượn, vì vậy, Chi cục Thi hành án dân sự Tri Tôn làm thủ tục cưỡng chế kê biên đem ra đấu giá nhiều lần đối với miếng đất H.00863Pi, nhưng chưa bán được.
“Thế nhưng, do có nhiều chủ nợ kiện thưa có liên quan đến miếng đất này, nên Cục Thi hành án dân sự tỉnh rút hồ sơ về tỉnh giải quyết. Nhưng không hiểu sao họ tự ý giải chấp và đã chuyển nhượng sang tên cho bà Cúc. Còn tôi lại không được thông báo, không đưa thêm tiền cho tôi phần còn lại cho đủ 335 triệu đồng phải trả theo quyết định công nhận thỏa thuận. Thậm chí, tôi không hay biết gì để kịp thời khiếu nại, ngăn chặn không cho giải chấp. Việc làm của Cục Thi hành án tỉnh có đúng theo quy trình của pháp luật quy định hay không? Trong khi đó, tôi là người ngăn chặn sự chuyển nhượng tài sản này ngay từ đầu (khi họ có dấu hiệu tẩu tán tài sản trong quá trình thi hành án) và vụ việc đã được Chi cục Thi hành án dân sự Tri Tôn ra quyết định kê biên bán đấu giá, đồng thời ra quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản. Yêu cầu các cấp thẩm quyền thẩm tra xem xét giải quyết rõ ràng vụ việc, nhằm đảm bảo quyền lợi của tôi không bị thiệt thòi, giải quyết cho tôi sớm nhận lại tiền phải thi hành án của vợ chồng ông Bôm” - ông Ngọc bức xúc.
Trao đổi với phóng viên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết, thực tế không có việc giải chấp như ông Ngọc phản ánh. Hiện nay đơn vị vẫn còn kê biên tài sản. Có những tài sản khác đã bán xong và bán trước khi có quyết định của tòa án, theo quy định, Cơ quan Thi hành án không kê biên được. Hiện tại, duy nhất chỉ còn một miếng đất được UBND huyện Tri Tôn cấp ngày 27-3-2007, với diện tích 29.850m2, Chi cục Thi hành án Tri Tôn đã kê biên, sau đó hồ sơ rút về Cục Thi hành án tỉnh. Trên cơ sở đã có quyết định kê biên, Cục Thi hành án ra hợp đồng thẩm định giá. Có giá xong, chuẩn bị đưa ra bán đấu giá thì có người đứng ra tranh chấp đối với tài sản này, họ khởi kiện ra TAND huyện Tri Tôn. TAND huyện Tri Tôn đã xử sơ thẩm xong. Tuy nhiên, bản án hiện đang kháng cáo về tỉnh, vì vậy Cơ quan Thi hành án vẫn đang chờ TAND tỉnh xét xử phúc thẩm. Nội vụ xử phúc phẩm thế nào thì Cơ quan Thi hành án mới tiếp tục thi hành án theo quy định.
Theo quy định, đối với những hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trước khi có bản án của tòa án thì xem như chuyển nhượng hợp pháp, Cơ quan Thi hành án không được quyền kê biên; còn nếu là chuyển nhượng sau khi có bản án thì sẽ hủy hợp đồng chuyển nhượng đó để thực hiện việc kê biên.
Bài, ảnh: K.N