Ông bà ta có câu: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”. Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, để áp dụng theo cũng phải tùy vào gia đình. Bởi, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Thực tế, ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại, câu chuyện có vẻ giản đơn nhưng lại làm nhiều cặp vợ chồng đau đầu. Với những cặp vợ chồng còn ở chung với cha mẹ thì việc đó không đến nỗi phức tạp. Song, những đôi đã ra ở riêng, không ở gần nhà ba mẹ 2 bên hoặc bận công việc phải làm ăn xa nhà thì Tết nội, Tết ngoại không hề đơn giản. Theo tâm lý, ai cũng muốn đón cái Tết đoàn viên bên gia đình, nếu không khéo sắp xếp, vợ chồng sẽ lại lục đục, tranh cãi. Bởi, ai cũng muốn ưu tiên cho nhà mẹ đẻ trước tiên.
Chia sẻ về việc ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, chị Huỳnh Hoa (38 tuổi, ngụ phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) cho biết: “Vấn đề này không mới nhưng hầu như Tết nào tôi cũng nghe mọi người bàn tán. Tôi ở nhà chồng nên Tết nào cũng cố gắng dành thời gian để thăm, chúc Tết ba mẹ ruột. Bên chồng khá thoải mái, không ép buộc con dâu phải dành tất cả những ngày Tết để có mặt, dọn dẹp mọi thứ. Có điều, tôi muốn về thăm mẹ mình lúc nào cũng được nhưng phải trừ ngày mùng 2. Vì đó là ngày họp mặt gia đình bên chồng, phận dâu con như tôi phải có mặt. Trước là để thăm hỏi họ hàng, sau là tiếp mẹ chồng bày biện, nấu nướng cho bữa tiệc họp mặt. Nhà chồng và nhà mẹ cách nhau không xa (khoảng 10km) nên chu toàn bổn phận dâu con xong tôi lại tranh thủ về ăn Tết với ba mẹ mình. Gia đình vì vậy luôn giữ được hòa khí, ba mẹ 2 bên không phiền muộn”.
Tết đoàn viên bao giờ cũng vui tươi và ấm áp
Trong câu chuyện họp mặt với nhóm bạn thời đại học, tôi nghe bàn tán về Tết nội, Tết ngoại khá nhiều. Nhiều đứa lỡ cuộc hẹn ấy, hỏi thăm thì bảo là không có thời gian. Như Ngọc An (30 tuổi, ngụ huyện Phú Tân) bày tỏ: “Đi làm ở tận Bình Dương nên sau ngày cưới đến giờ, tôi không ở nhà chồng. Mỗi khi lễ, Tết, nghỉ dài ngày, tôi sắp xếp về thăm gia đình. Tết đến, vợ chồng tôi luân phiên nhau, năm nay ăn Tết nhà chồng thì sang năm ăn Tết nhà mẹ ruột. Vì chạy đi, chạy về để ăn Tết ở 2 quê, chúng tôi không có thời gian. Ba mẹ 2 bên hiểu hoàn cảnh con cái nên không ép buộc. Vì lẽ đó, năm nào đón Tết quê nhà, tôi mới có cơ hội tham gia họp nhóm với bạn bè, nếu không cũng đành bỏ lỡ”.
Thế mới thấy, không hẳn ai cũng có 1 cái Tết đoàn viên trọn vẹn. Những nàng dâu thì luôn muốn làm sao để dung hòa tốt nhất mối quan hệ với gia đình chồng nên đôi khi phải gác lại cái tôi của mình. Bởi, không ít thì nhiều ,quan niệm “lấy chồng thì phải theo chồng”, lúc nào người vợ cũng dành sự ưu tiên cho gia đình chồng. Hiểu được nỗi trăn trở của các nàng dâu ngày nay, nhiều mẹ chồng tâm lý, không áp đặt các nàng dâu của mình. Tết nội hay Tết ngoại, ngày nào cũng được không nhất thiết phải dành tất cả thời gian cho gia đình chồng. “Năm nay gia đình tôi đón Tết với niềm vui nhân đôi vì có thêm dâu mới. Tôi quan niệm khá thoáng, không hề ép buộc con làm dâu. Do có cơ sở từ trước nên cưới rồi, con dâu tôi vẫn ở nhà mẹ đẻ để lo chuyện kinh doanh. Trước Tết, tôi bàn với con dâu, đêm 30 có thể ở nhà chồng đón giao thừa, sau đó về nhà mẹ đón Tết. Nhưng, nó lại không thể vắng mặt đêm 30 nhà mẹ đẻ vì bận cúng kiếng làm ăn. Vậy là, mình phải chấp nhận. Nhưng con dâu tôi cũng rất tâm lý. Ngay sáng mùng 1 đã có mặt ở nhà chồng để họp mặt gia đình. Mấy ngày sau thì ở bên tôi để đưa rước, thăm hỏi bà con bên chồng. Vậy thôi cũng khiến tôi rất vui. Từng là dâu nên tôi không muốn con dâu mình phải áp lực khi đứng giữa nhà chồng, nhà mẹ. Miễn sao, vợ chồng nó vui và hạnh phúc là được rồi”- cô Bảo Châu (ngụ phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) bộc bạch.
Thôi thì, về nội hay về ngoại ăn Tết tùy thuộc vào cách xử lý của mỗi người trong từng hoàn cảnh khác nhau. Tùy điều kiện kinh tế, địa lý, hay sức khỏe các bậc cha mẹ mà quyết định ăn Tết nơi đâu là phù hợp nhất. Quan trọng là, vợ chồng nên tìm được “tiếng nói chung” để tránh xảy ra cãi vã trong năm mới.
PHƯƠNG LAN