Nghị tham gia các hoạt động cộng đồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nguyễn Đức Nghị, sinh năm 2000, quê ở thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), được khá nhiều người biết tới qua một số dự án cộng đồng và những bài viết trên báo, tạp chí, blog... Khó ai có thể tưởng tượng rằng với đôi mắt trải qua hơn 20 ca phẫu thuật, Nghị có thể học tập, làm việc, viết lách nhiều đến vậy.
Đôi mắt trải qua hơn 20 ca phẫu thuật
Cũng như bao đứa trẻ khác, Nghị sinh ra là cậu bé hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, đến tháng thứ tư, mắt cậu bắt đầu xuất hiện dấu hiệu lạ: mắt bị kéo màng trắng và chảy nước liên tục. Bác sỹ kết luận cậu bị mắc bệnh Glocom bẩm sinh, một căn bệnh nguy hiểm khiến mắt mờ, có thể mất đi thị lực.
Từ đó, bố mẹ đã cùng Nghị đi một hành trình dài để chạy chữa. Trải qua 4-5 lần mổ, Nghị mới có thể giữ được thị lực 1/10.
Đến trường, Nghị gặp rất nhiều khó khăn do thị lực quá kém. Suốt những năm học cấp 1, cấp 2, cậu đều được cô giáo cho ngồi ở bàn đầu nhưng Nghị vẫn không nhìn rõ chữ trên bảng, luôn phải chép bài của bạn học.
Thế rồi đến cuối năm lớp 7, đầu năm lớp 8, thị lực lại tiếp tục giảm xuống. Cả nhà khăn gói ra khám ở Viện mắt Trung ương, bác sỹ kết luận cậu bị bong võng mạc, Nghị lại cùng bố mẹ tiếp tục cuộc hành trình mổ thêm nhiều lần.
Trải qua tổng cộng hơn 20 lần mổ, căn bệnh tai quái vẫn không để Nghị được nhìn thấy ánh sáng.
"Lúc còn bé, mình chỉ nhìn được 1/10, cũng rất hạn chế so với người bình thường, nhưng vẫn không khủng khiếp bằng việc không nhìn thấy gì của năm lớp 8. Thời gian đó, mình bắt đầu lớn rồi, cũng có nhiều hoài bão. Vậy nên, đối diện với việc không nhìn thấy gì, đối với mình, nó giống như một cú sốc không thể vực dậy," Nghị tâm sự.
Khoảnh khắc sụp đổ đó cũng được Nghị chia sẻ trong cuộc thi “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi." Nghị mê viết, thích viết, và có thể viết mọi lúc mọi nơi.
"Ngày tôi lên lớp 8 cũng là ngày tôi mất hoàn toàn thị lực. Tôi rơi vào bóng tối vô tận. Cuộc sống của tôi giờ chỉ giới hạn trong bốn bức tường. Mọi thứ trôi đi nhạt nhẽo, ban đầu là sự đau khổ, bi quan, tuyệt vọng, rồi tất cả cảm xúc trở thành trống rỗng. Tôi sống lặng lẽ như chiếc bóng. Lại một lần nữa, mẹ yêu thương nắm lấy tay tôi. Mẹ cùng tôi bắt đầu học mọi thứ từ đầu, học cách phân biệt quần áo bằng xúc giác, đi lại ban đầu là trong nhà, rồi ra sân, xa hơn là định hướng di chuyển quanh ngõ," Nghị viết.
Gia đình là điểm tựa vững chắc
"Nhớ hồi bé, bố mẹ chở mình bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội khám bệnh, trời Hà Nội thì mưa tầm tã, xe vừa đi vừa chết máy. Vào đến viện, nghe bác sỹ kết luận mắt như thế, mẹ mình ngồi thụp xuống khóc luôn. Nhưng mà mẹ bảo mẹ phải vượt qua được thì mới có thể đồng hành với con. Cứ thế mãi cho đến bây giờ," Nghị tâm sự.
Lúc nhỏ, bố mẹ Nghị làm nông, mỗi lần đi tiêm một mũi hết tiền triệu phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để trang trải. Từ khi có khu công nghiệp ở gần nhà, gia đình chuyển sang buôn bán, hoàn cảnh gia đình đỡ hơn được một chút. Tưởng rằng nỗi vất vả qua đi thì sẽ có niềm vui đến, thế nhưng một lần nữa, đôi mắt tật nguyền lại đánh gục ý chí của cậu bé 14 tuổi.
Suốt bốn năm cấp 2, Nghị không hề biết đến công cụ hỗ trợ nào dành cho người khiếm thị, không biết chữ nổi, không biết sử dụng máy tính. Lúc tốt nghiệp cấp 2, Nghị nộp hồ sơ lên các trường cấp 3 thì không có trường nào nhận.
"Nghị nhớ như in ngày đứa em trai hay dẫn mình đi học đỗ vào cấp 3, mẹ vừa chúc mừng em ấy mà giọng cũng lặng xuống vì xót. Nhìn con người ta được đi học, con mình thiệt thòi nên mẹ cũng chạnh lòng. Nhưng chính điều đó đã làm mình có động lực hơn. Trong đầu mình nghĩ nay mai nếu mình có cơ hội mình được đi học, thì mình sẽ học hết tất cả những gì có thể học, có bao nhiêu mình sẽ học bấy nhiêu."
Bước ngoặt cuộc đời và lời hứa "có bao nhiêu sẽ học bấy nhiêu"
Nghị được mẹ dẫn đến tham gia Hội người mù thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) và được các cô chú giới thiệu đi học máy tính, học cấp 3 ở Hà Nội.
Đối với một cậu bé 15 tuổi với đôi mắt mất đi thị lực, quãng đường từ Bắc Ninh lên Hà Nội xa xôi hơn trên thực tế gấp trăm lần.
"Bố mẹ Nghị lo lắm, kiểu mười mấy năm sống với gia đình, được bố mẹ chăm lo, giờ một mình đi lên trên đấy không biết ăn uống thế nào," Nghị cười.
Nghị đến nhập học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, nơi có một khối chuyên biệt để dạy cho học sinh khiếm thị. Không lạ lẫm, không e ngại, Nghị một mình đối diện với tất cả.
Lúc này, cậu bắt đầu làm quen với chữ nổi, cách sử dụng dùi, bảng, ghi nhớ thứ tự của các chấm để thành chữ cái. Tuy nhiên, việc học chữ nổi cũng không dễ dàng.
"Mình cố gắng sờ đến mòn cả chữ, sờ đến cổ tay mỏi nhừ, song những con chữ vẫn như chạy trốn. Một tuần sau, khi các bạn đã chuyển sang học ghép vần, tôi vẫn giậm chân tại chỗ, cố gắng lần sờ từng chữ cái. Tự thấy mình thua kém bạn bè, thấy mình bất lực, tôi chán nản," Nghị tâm sự trên blog.
Thế rồi những cuộc gọi của bố mẹ, những lời động viên của thầy cô, anh chị, bạn bè đã giúp Nghị nỗ lực hơn bao giờ hết. Nghị bắt đầu học thêm cả buổi tối, tập sờ từng chấm, từng ô, từ cái đơn giản nhất đến phức tạp nhất, có lúc mệt quá gục ngủ luôn trên bàn học.
Một hoạt động cộng đồng mà Nghị tham gia. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cuối cùng, Nghị đã biết đọc, biết viết thành thạo, thầy cô cũng ngạc nhiên với sự nỗ lực và sự tiến bộ của cậu. Song song với đó, Nghị học cả máy tính và học thêm lớp xoa bóp cổ truyền để kiếm nghề trang trải cuộc sống.
Từ những dòng chữ nổi đầu tiên, Nghị bắt đầu viết lên ước mơ của mình...
Cống hiến hết mình cho các hoạt động cộng đồng
Hiện nay, Nghị đang là sinh viên năm 2 ngành Quan hệ Công chúng tại Học viện Thanh Thiếu niên - một ngành phải gặp gỡ nhiều, nói nhiều, và làm nhiều.
Cho đến lúc tận mắt gặp Nghị, tôi vẫn còn ngờ ngợ chàng trai hơi gầy với khuôn mặt hiền đứng trước mặt mình có phải là chủ nhân của nhiều giải thưởng ở các cuộc thi lớn nhỏ hay không.
Mới là sinh viên năm 2 nhưng Nghị đã giành khá nhiều giải thưởng: Giải ba cuộc thi Hành trình Bước qua bóng tối, Giải ba Ý tưởng Thanh niên với An toàn giao thông do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức, tham gia các dự án tình nguyện của thành phố, là thành viên Ban Tổ chức-Ban Truyền thông các dự án thiện nguyện: Hands 2018, SOFT.D Project, L'étoile Project, Trăng Khuyết Project...
Mỗi lần có dự án mới, Nghị lại vừa học, vừa làm, vừa đi họp và đưa ra các ý tưởng, "chạy" chương trình không khác gì các thành viên còn lại. Có những hôm mải mê dự án, cậu về đến nhà lúc đã tối khuya. Thế nhưng bù lại, Nghị luôn cảm thấy được cống hiến cho những người kém may mắn trong xã hội là một niềm hạnh phúc lớn lao.
Ngoài ra, Nghị còn là cộng tác viên cho nhiều tạp chí. Trong tương lai, Nghị ước mơ trở thành phóng viên của một tờ báo dành cho người khuyết tật.
Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam nơi Nghị đang theo học.
"Mình chưa giúp đỡ được gì cho ai cho đến khi vào trường Nguyễn Đình Chiểu chơi, tình cờ nói chuyện với các anh chị tình nguyện. Khi đó, mình mới biết có một chị cũng khiếm thị nhưng đang tham gia tình nguyện. Lúc đó, mình mới bật ra trong đầu là hóa ra là mình khuyết tật nhưng mình vẫn có thể làm được. Mình bị hạn chế thì sẽ làm những việc phù hợp."
Suốt buổi nói chuyện, thỉnh thoảng lại có khách vào để xoa bóp, bấm huyệt. Đôi bàn tay đã từng mò mẫm cả đêm để học chữ nổi, đánh máy tính, giờ lại uyển chuyển, cẩn thận từng chút một khi làm việc. Dường như tất cả những gì kém may mắn ở đôi mắt đã được chuyển sang cho đôi bàn tay và khối óc. Nghị hay cười, kể cả lúc nói đến chuyện không vui.
"Tôi đã sống trong mùa yêu thương"
Hôm nay, Nghị có hẹn với bạn đi uống nước, tôi ngỏ ý muốn đi cùng. Tú Linh và Linh Chi là hai người bạn thân thiết của Nghị ở đại học. Linh Chi cẩn thận vẫy tay dẫn Nghị qua đường, Tú Linh mua nước và kéo sẵn ghế cho cậu.
"Hồi năm thứ nhất, khi phải làm việc nhóm với Nghị, bọn em cũng e ngại lắm. Năm nhất mà, vẫn ham điểm lắm, mà lỡ có Nghị rồi bất tiện đủ đường, điểm kém thì sao. Thế nhưng càng tiếp xúc, càng thấy được khả năng của Nghị. Trong học hành, ý tưởng của bạn ấy nhiều hơn bọn em, thông minh, nghe cái là suy đoán ra ngay."
"Em may mắn mới gặp được Nghị đó. Nghị lúc nào cũng tự tin, tự tin trong cuộc sống, tự tin với mọi thứ, tự tin chứ không phải tự kiêu. Em học được ở Nghị nhiều lắm. Có thể phải mất thời gian một chút để dẫn Nghị thôi, chứ từ khi có Nghị, bọn em cảm thấy mình được nhiều hơn là mất."
"Hôm trước được giải nhất cuộc thi ở trường, Nghị còn khao bọn em ăn bánh gà nữa, Nghị vui lắm, lúc nào cũng hết mình với các bạn."
Đức Nghị bên cạnh cô giáo và các bạn ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tú Linh và Linh Chi cứ thay nhau nói về Nghị, nói rất nhiều, cảm giác như Nghị luôn là ánh sáng và là nguồn năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh.
"Tôi đã sống trong mùa yêu thương” cũng là tựa đề một bài dự thi của Nghị trên mạng xã hội. Ông trời có thể lấy đi đôi mắt của Nghị nhưng đã bù lại cho cậu một tấm lòng, một nghị lực tuyệt vời.
Theo THU HOÀI (Vietnam+)