- Bà mua giúp con, hôm nay ế quá! - Huệ mời chào bà Lan.
Nhìn dáng người nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo đồng phục học sinh tiểu học rộng thùng thình, trông Huệ như một đứa trẻ.
- Cải hôm nay bao tiền một mớ!
- Dạ năm ngàn bà ạ. Còn mấy mớ, bà mua hết cho con nhé.
- Năm ngàn đắt thế! Tất chỗ này, tao chỉ trả mười ngàn, có bán không?
- Chỗ này bốn mớ của con mà bà trả rẻ thế!
- Rau ế, tao chỉ trả thế, mày không bán thì thôi, nhì nhèo!
Huệ ngước mắt nhìn mặt trời dựng đứng, soi cái bóng tong teo của cô hất sấp xuống vỉa hè. Thôi bán cho nhanh mà về, còn kịp giờ cơm nước, thuốc thang cho chồng. Cô tự nhủ rồi đưa rau cho bà Lan.
- Này con kia, gánh sang đây tao mua nốt cho!
Bà Thìn bán phở giọng oang oang. Huệ vội vã thu dọn quang gánh đi như chạy sang bên kia đường.
- Nhặt hết chỗ hành, rau thơm này cho tao... - bà Thìn ném nửa ánh mắt về phía Huệ nói.
- Hôm nay muộn quá, hôm khác con làm giúp bà được không? Con phải về, chồng con ở nhà đang bệnh.
- Thương chồng nhỉ! Về muộn một tí cũng chẳng chết được đâu. Mày không nhặt thì gánh rau về mà ăn...
Huệ nhìn chiếc đồng hồ treo trong quán phở đang nhích dần tới con số một mà ái ngại. Ngồi nhặt giúp rau cho bà Thìn, tâm trạng Huệ bồn chồn nóng ruột. Dạo này sức khỏe anh Tích kém quá, đi còn không vững, để anh ở nhà một mình cũng thấy lo, mà đưa vào viện thì anh lại nêu ra lý do trì hoãn, chắc lại lấn cấn chuyện tiền nong.
- Con nhặt xong rồi, bà cho con xin tiền về ạ.
- Bao nhiêu?
- Tính cả hôm nay nữa là tròn mười ngày, mỗi ngày sáu chục bà ạ.
- Mười ngày là thế nào! - bà Thìn quát, giọng tru tréo - Mày điêu vừa thôi, tao nhẩm chỉ có tám ngày. Vừa thứ bảy tuần trước đến hôm nay là tròn một tuần
Nói xong, bà Thìn ném xấp tiền lẻ lên mẹt rau của Huệ.
- Mười ngày thật mà, con ghi sổ từng ngày, từng khoản. Con không ăn gian của bà đâu!
- Mày không gian thì tao gian chắc? Hay là định bán nốt hôm nay? - bà Thìn đứng phắt dậy đi vào quán, không cho Huệ có cơ hội thanh minh.
Huệ đếm lại số tiền bà Thìn vừa trả như bố thí, thiếu trăm hai. Thế là mất lãi! Thi thoảng, bà Thìn lại nhầm lẫn một lần, phần thua thiệt bao giờ Huệ cũng phải chịu.
Huệ đội nón lên đầu, sắp đôi quang gánh vội vã rời đi. Phía sau, còn nghe rõ tiếng bà Lan lanh lảnh:
- Bà Thìn béo ơi! Chủ nhật tuần này, nhóm Từ Tâm có kế hoạch đi thiện nguyện một trường hợp ở ngoại thành. Bà là hộ kinh doanh trên địa bàn phải tham gia đấy nhé!
Bà Thìn từ trong quán phở đi ra nói vọng sang:
- Gì chứ việc thiện là tôi giơ tay đầu tiên.
***
Chủ nhật, bà Lan dậy sớm trang điểm. Bà mặc bộ áo dài đỏ thêu hình con công gắn kim tuyến lấp lánh. Từ hồi nghỉ hưu bà tham gia công tác tại địa phương, vừa làm tổ trưởng dân phố kiêm chi hội trưởng phụ nữ, lại đồng thời là trưởng nhóm thiện nguyện Từ Tâm. Mới đây, hội phụ nữ quận phát động gương "Người tốt việc tốt", sẽ chọn ra mười đại biểu đi dự hội nghị thành phố. Bà rất muốn có tên trong danh sách đó.
- Bà Lan ơi, chuẩn bị xong chưa, ô tô đến rồi đây này.
Mấy bà trong nhóm Từ Tâm, bà nào bà nấy lòe loẹt phấn son, áo dài sặc sỡ đủ màu ý ới trước cửa. Lần nào nhóm đi làm thiện nguyện, không cần bà Lan dặn, các bà đều ăn mặc như thế cho bắt ảnh, còn khoe hình lên "fan-bết" của phường.
- Gọi bà Thìn chưa? Bà béo này là chậm chạp lắm đấy - bà Lan hạ giọng nói nhỏ với mấy bà trong nhóm thiện nguyện - Mình chủ trì, bà ý chủ chi, không có nhà tài trợ ấy là không được việc.
- Đây... đây... Tôi đây rồi!
Bà Thìn lạch bạch chạy sang, giọng khàn khàn.
Anh lái xe nhanh nhảu mở cửa sau, chuyển mấy thùng mì tôm, bánh kẹo, dầu ăn lên chiếc ô tô mười sáu chỗ rồi nổ máy.
Xe chạy ra hướng ngoại thành, đi sâu vào ngôi làng nhỏ và dừng lại trước một ngôi nhà cấp 4, nằm lọt thỏm trong khoảng sân rộng, có hàng rào râm bụt bao quanh. Anh cán bộ thôn dẫn đoàn đẩy chiếc cửa bằng tre ọp ẹp bước vào.
- Cô ấy không có nhà đâu - bà hàng xóm sống bên cạnh nói vọng sang - Hôm qua, cô Huệ đi chợ về khóc thét lên. Chúng tôi chạy sang, thấy chú Tích mặt mày nhợt nhạt, nằm sõng soài dưới nền nhà. Bà con trong xóm hỗ trợ, gọi ô tô đưa chú ấy vào viện cấp cứu. Cũng tại cái cô Huệ, chồng ốm yếu, ở nhà một mình, không biết lựa giờ mà về còn tham công tiếc việc, chú ấy tự gượng dậy rót ly nước để uống viên thuốc thì ngã. Thằng Thành, con cô chú ấy, vừa về nấu cháo mang đi. Nó nói bố nó chụp chiếu không bị gãy xương, nhưng thể trạng yếu nên được chuyển sang khoa thận - tiết niệu để lọc máu theo định kỳ rồi. May quá, cứ tưởng chú ấy "đi" luôn từ hôm qua...
- Chị hàng xóm xót anh Tích thì trách thế thôi. Chứ mấy ai hy sinh cho chồng con được như chị Huệ! Nhà nghèo "rớt mùng tơi", anh Tích bị suy thận, ra vào viện như cơm bữa kéo dài mấy năm nay rồi. Mỗi đợt điều trị bằng máy chạy thận cũng tiêu tốn vài triệu đồng. Nhà có đứa con trai duy nhất thì đang học đại học năm thứ hai. Nó đi làm thêm, tự trang trải tiền trọ, tiền ăn đã là tốt lắm rồi. Thế nên, không trông chờ vào gánh rau của chị Huệ thì biết sống bằng nguồn nào. Đi chợ thì có hôm này hôm khác, phải bán hết hàng mới về được chứ... - anh cán bộ thôn thanh minh cho Huệ, vừa nói vừa thở dài thườn thượt.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
***
Mười giờ sáng, phòng bệnh vắng tanh, mọi người rủ nhau ra cổng bệnh viện xếp hàng lấy cháo từ thiện, chỉ có Huệ và anh Tích trong phòng. Hôm nay, Thành đạp xe về nhà từ sớm để nấu cháo thịt bằm mang lên cho bố mẹ, nên Huệ không ra cổng viện xin cháo từ thiện nữa. Cô đang ngồi thừ mặt, suy nghĩ về cuộc điện thoại của bà ngoại Thành lúc nãy.
Chẳng hiểu bằng cách nào, mẹ Huệ biết cái sổ tiết kiệm hai trăm triệu đồng tiền bán đất được chia, cô đã chi hết vào thuốc thang, chữa trị cho anh Tích. "Sống thì phải biết lo cho bản thân mình nữa chứ. Chồng đau lâu ốm dài, cứ dốc hết tiền bạc, sức lực nai lưng ra làm thì chỉ có nước chết chung mồ với chồng thôi?" - mẹ Huệ đay nghiến.
Huệ biết bà vì xót con, xót cháu mà nói vậy. "Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu. Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương", cái nghĩa vợ chồng ấy, chính ông bà luôn răn dạy, phải sống làm gương để giáo dục con cái trong gia đình noi theo, nó đã ăn sâu vào nếp nghĩ của Huệ. Vậy nên, "còn nước, còn tát", khổ mấy mẹ con Huệ cũng chịu được, chỉ mong kéo dài sự sống cho chồng được ngày nào thì mình còn chồng, con mình còn cha ngày ấy...
Có tiếng láo nháo, ồn ào ngoài cửa phòng bệnh, Huệ nhận ra anh cán bộ thôn đang đi cùng một nhóm người mặc áo dài sặc sỡ bước vào.
- Ơ con bán rau này! Sao mày lại ở đây?… - bà Thìn oang oang nói, nhưng chợt nhận ra sự nhanh nhảu vô duyên của mình, bà đổi cách xưng hô - Bà Lan ơi, cô bán rau quen ở phố mình đây này.
- Xin giới thiệu với nhóm thiện nguyện Từ Tâm, đây là cô Huệ, người có hoàn cảnh khó khăn mà thôn chúng tôi đưa thông tin cần được giúp đỡ đấy ạ.
- Hóa ra là người quen cả! Chúng tôi toàn mua rau ủng hộ cô ấy đấy - bà Lan tiếp lời anh cán bộ thôn - Có hôm cô ấy ế hàng, bà Thìn thương tình lại mua hết cho cả gánh. Chị em trong nhóm Từ Tâm chúng tôi ai cũng có tấm lòng "thương người như thể thương thân", thấy người nghèo, yếu thế hơn là quan tâm giúp đỡ bằng nhiều hình thức.
Bà Lan nghiêm nét mặt, hắng giọng nói tiếp:
- Hôm nay, hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí cán bộ thôn đề nghị giúp đỡ khẩn cấp trường hợp khó khăn của vợ chồng cô bán rau, chúng tôi nhóm thiện nguyện Từ Tâm xin được...
Có ai đó khẽ huých vào lưng bà Lan nhắc nhỏ: "Tên là Huệ"... Bà Lan ngập ngừng, thoáng chút bối rối rồi tiếp tục:
- Hôm nay, tổ Từ Tâm chúng tôi đến bệnh viện thăm vợ chồng cô Huệ, có mang theo ít quà trao tặng, với mong muốn chia sẻ, giảm bớt khó khăn phần nào cho gia đình...
Tiếng vỗ tay phá vỡ không gian yên tĩnh của bệnh viện. Như đã thuộc bài, các bà trong nhóm Từ Tâm dàn hàng ngang chụp ảnh. Bà thì cầm thùng mì, bà cầm chai dầu ăn, bà cầm gói bánh toe toét cười để diễn cảnh trao quà cho Huệ; người nọ hoán đổi cho người kia để ai cũng xuất hiện trong những tấm hình. Chẳng ai quan tâm để ý, hỏi han bệnh tình của anh Tích đang nằm co quắp trên giường bệnh, khuôn mặt trắng bệch, mệt mỏi quay vào bức tường ốp đá men trắng lạnh ngắt.
Đợi bà Lan và nhóm thiện nguyện Từ Tâm lên ô tô rời đi, Huệ mới bóc những thùng mì tôm, bánh kẹo, dầu ăn, chia nhỏ, bỏ vào từng túi ni-lông, rồi đem phát hết cho các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo trong khoa. Ở khoa thận - tiết niệu này, ngoài bệnh tật chung còn có một điểm chung nữa, đó là các bệnh nhân đều nghèo như nhau. Bệnh tật kéo dài dai dẳng đã đẩy họ và gia đình vào hoàn cảnh túng thiếu.
Huệ thấy mình còn thuận lợi hơn họ vì nhà cách bệnh viện chỉ khoảng mười cây số, anh Tích hết một đợt điều trị là được về nhà. Còn những bệnh nhân khác trong khoa, đa phần ở ngoại tỉnh, họ lên đây thuê phòng trọ, tạo thành một xóm chạy thận gần bệnh viện. Những hôm không phải điều trị, họ bươn chải khắp thành phố này để bán hàng rong, vé số kiếm sống. Khó khăn là vậy, nhưng họ vẫn yêu thương nhau như trong một gia đình, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những gì có thể sẻ chia được.
- Đoàn từ thiện đến lại cho mì tôm à? Cho cái phong bì dù ít, dù nhiều có phải thiết thực hơn không... Ai cũng xanh xao, vàng vọt thế này, ăn mì tôm nhiều là không tốt cho sức khỏe đâu đấy - chị hộ lý ái ngại nói khi thấy Huệ đi chia quà cho mọi người.
- Của cho ai dám đòi hỏi, người ta có lòng, cho là quý rồi ạ! - Huệ cười tươi đáp lại chị hộ lý.
Trên chuyến xe chở tổ từ thiện Từ Tâm trở về, câu chuyện rôm rả xoay quanh Huệ. Ai cũng khâm phục nghị lực sống và đức hy sinh của cô bán rau có thân hình nhỏ bé, chỉ có bà Lan và bà Thìn là lặng im.
Tác giả Trần Minh tên thật là Trần Văn Minh, nghề nghiệp kinh doanh, sinh sống tại Hà Nội. Ông đã có nhiều tác phẩm được đăng trên một số tờ báo, tạp chí trong nước.