Cô giáo giàu lòng thiện nguyện

13/08/2024 - 07:04

 - Ngoài công việc “trồng người”, cô giáo Lê Trương Ánh Ngọc (sinh năm 1984, ngụ ấp Thượng 2, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) thường kết nối nhà hảo tâm để bảo trợ, hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Tốt nghiệp ngành sư phạm lịch sử  (Trường Đại học An Giang) năm 2007, cô giáo Lê Trương Ánh Ngọc được giữ lại nhà trường dạy học. Cô tự trau dồi, học thêm môn tiếng Anh. Từ năm 2018, vừa giảng dạy ở trường đại học, cô Ngọc thuê một điểm ở phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên) mở lớp dạy tiếng Anh cho các em có nhu cầu, mục đích giúp nhiều người trẻ biết tiếng Anh và cũng tự rèn luyện mình.

“Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tôi và một số bạn cùng chí hướng tham gia công tác xã hội - từ thiện. Việc hỗ trợ, giúp đỡ mang giá trị to lớn, được sự tri ân rất lớn của cộng đồng. Từ đó, tôi thấy bản thân cần góp phần chia sẻ gánh nặng với các hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo muốn vươn lên, nhưng chưa có điều kiện. Tôi quyết định thành lập nhóm “Tỉnh giác/vô ưu” với mục đích “nối chiếc cầu tình người bền lâu”, có thêm nhiều tấm lòng cùng thiện nguyện" - cô Ngọc bày tỏ.

Vừa hoạt động, nhiều người tích cực tham gia, đến nay nhóm có 29 người. Nhiệm vụ của nhóm là kết nối nhà hảo tâm, nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, thành viên dành công sức, vật chất có được, tận dụng thời gian để sớm đưa nguồn hỗ trợ đến cho người nhận.

Qua đó, cất mới, sửa chữa 4 căn nhà cho người khó khăn về chỗ ở, mỗi căn trị giá 30 triệu đồng; bảo trợ thường xuyên từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng/hộ cho 14 trường hợp. Sự giúp đỡ, hỗ trợ đến từ nhiều nguồn, điển hình như nhà hảo tâm Trần Kim Tuyến (TP. Long Xuyên), anh Nguyễn Văn Duấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chị Tuyết Nhân đang sinh sống ở Hoa Kỳ...

Một trong những trường hợp nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ là chú Út Kiềm. Tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Kiềm (Út Kiểm) được biết, dù đã 75 tuổi, nhưng gia cảnh gặp khó khăn, ông vẫn chạy xe lôi đạp để nuôi sống gia đình. Hàng ngày, ông ra sức đạp hơn 10km từ ấp Đông Bình Nhất (xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) ra chợ Mỹ Xuyên, Mỹ Long (TP. Long Xuyên) để kiếm vài cuốc xe.

Hơn 1 năm trước đây, khi ông khuân vác, sắp xếp hàng của khách lên xe thì gặp cô Ánh Ngọc và nhóm đi đến trò chuyện, chia sẻ hoàn cảnh khó khăn... Từ đó, gia đình ông được hỗ trợ 10kg gạo và 330.000 đồng/tháng. Đặc biệt, khi đến nơi trao quà, thấy sân nhà bị sụp lún, nhóm tự bỏ tiền mua cát, đá, xi-măng về san lấp cho bằng phẳng. Ông Út rất cảm kích hành động của các thành viên. 

Võ Quốc Duy (sinh viên lớp DH24 SU) tham gia công tác thiện nguyện hơn 10 tháng qua. Các thành viên tự nguyện, bởi thấy họ bỏ ra công sức nhỏ, nhưng mang đến lợi ích lớn cho cộng đồng, là việc làm cần thiết, có ý nghĩa nhân văn. Khi được nguồn hỗ trợ, nhóm tự chia nhau đến tận chỗ ở, gia đình của người được giúp đỡ, nhận được niềm vui, sự tri ân. Mục đích của việc làm là góp phần nhỏ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thiếu may mắn.

Sinh viên Nguyễn Anh Tuấn (lớp DH 21 VN 2) cũng thường xuyên được hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng, giúp “gỡ rối” cho quá trình học tập bản thân. Ngày 4/8, nhóm tình nguyện tập trung phân loại dụng cụ học tập của bạn Chúc Linh (đại diện đoàn Đạp xe xuyên Việt) tặng cho nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ cho những nơi có nhu cầu. Đây là một trong các nguồn vật chất, được nhóm từ thiện tiếp nhận, tri ân, tạo động lực cho việc làm ý nghĩa của mình.

“Tháng 7/2024 vừa qua, nhóm đã hỗ trợ hơn 500kg muối, trị giá 19.000.000 đồng cho bà con ở tỉnh Gia Lai. Dự kiến, thành lập quỹ “Vị ngọt của muối” hỗ trợ muối ăn ít nhất 2 lần/năm cho bà con ở Tây Nguyên; mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, thành lập quỹ Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho trẻ em, học sinh nghèo vào đầu năm học mới. Thời gian tới, chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hơn của nhà hảo tâm, nhằm tiếp tục bảo trợ, hỗ trợ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, gia đình cơ nhỡ” - cô Ánh Ngọc bày tỏ dự định trong tương lai.

N.R