Cơ hội bứt phá về giao thông

01/11/2023 - 05:54

 - Hệ thống hạ tầng giao thông yếu kém, chưa đồng bộ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở sự phát triển của An Giang - một tỉnh biên giới, cách xa trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Khi bài toán giao thông được giải quyết, điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách được tháo gỡ, tỉnh sẽ có cơ hội bứt phá, vươn lên phát triển xứng tầm.

Xứng đáng với tiền nhân

Ngày nay, nhiều người biết Tứ giác Long Xuyên (TGLX) là một vùng đất trù phú, vựa lúa của ĐBSCL và cả nước. Tuy nhiên, trước thời điểm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh đào kênh T5 - Tuần Thống (1997), triển khai quyết sách táo bạo thoát lũ ra biển Tây, TGLX như một vùng đất “chết”, nơi chứa túi phèn khổng lồ ngay giữa đồng bằng. Công trình thoát lũ ra biển Tây tiếp nối dòng chảy gần 200 năm của công trình kênh Vĩnh Tế (do danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào hoàn thành năm 1824), giúp tháo chua, rửa phèn, đánh thức tiềm năng vùng TGLX.

Hưởng lợi từ công lao của các bậc tiền nhân, các xã vùng sâu, biên giới của huyện Tri Tôn, như: Lương An Trà, Vĩnh Phước, Vĩnh Gia, Lạc Quới… giờ đây trở thành những cánh đồng bạt ngàn, hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối vẫn còn khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. “Phải nâng cấp hệ thống giao thông kết nối, vừa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp (DN) đầu tư, vừa là sự tri ân để xứng đáng với công lao của các bậc tiền nhân đã đóng góp cho vùng đất này” - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm trăn trở.

Tại xã Vĩnh Gia, Tập đoàn TH đang triển khai Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, là dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa theo quy trình khép kín lớn nhất khu vực ĐBSCL. Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa lớn, UBND huyện Tri Tôn đã đề xuất, được tỉnh phân bổ kinh phí nâng cấp, mở rộng đường kênh T4 với chiều dài 3.654m, kết nối từ Quốc lộ N1 vào dự án.

Nhà máy TH True Milk nằm ở vị trí tiếp giáp xã Vĩnh Gia và Vĩnh Phước, kỳ vọng tăng thu nhập cho người dân nhờ liên kết trồng cỏ, nuôi bò sữa gia công, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Khi hệ thống cầu, đường cặp trục kênh Vĩnh Thành 2 được xây dựng, nâng cấp, giao thông từ nhà máy TH về UBND xã Vĩnh Phước sẽ được kết nối thông suốt. Cùng với đó, các tuyến đường cặp kênh Mới, kênh Ông Tà được xây dựng đồng bộ, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn giữa trung tâm các xã Vĩnh Phước, Lương Phi, Lạc Quới, Vĩnh Gia, Lương An Trà và trung tâm huyện Tri Tôn.

Hoàn chỉnh giao thông

Ông Cao Quang Liêm cho biết, với một địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như Tri Tôn, huyện xác định đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông, tạo điều kiện thu hút DN đến đầu tư khai thác lợi thế nông nghiệp và du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Diện mạo trung tâm huyện Tri Tôn đang bừng sáng khi các tuyến đường nội ô, như: Điện Biên Phủ, Thái Quốc Hùng, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Hùng Vương... đang được nâng cấp, mở rộng. Trong khi đó, các tuyến đường chính kết nối huyện cũng được khẩn trương đầu tư, như: Đường tỉnh 948 (giai đoạn 2), Đường tỉnh 949 (phân đoạn xã Châu Lăng và phân đoạn xã Lê Trì), đường Thái Quốc Hùng đến ngã ba sân đua bò huyện, đường tuần tra biên giới tỉnh (đoạn xã Lạc Quới và Vĩnh Gia), lát gạch phần mở rộng Quảng trường giữa Thái Quốc Hùng…

Tại thành phố du lịch Châu Đốc, các công trình giao thông phục vụ du khách đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Châu Đốc Lê Hữu Thức cho biết, đối với Dự án tuyến đường vòng Công viên văn hóa núi Sam, dự kiến cuối năm 2023 sẽ giải phóng mặt bằng trên 70%. Đến nay, các thủ tục chuẩn bị đầu tư, như: Lập dự án, rà phá bom mìn, lập trình duyệt ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) đúng tiến độ, đảm bảo giải ngân vốn phân bổ đạt yêu cầu.

Động lực bứt phá

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vùng ĐBSCL sẽ được đầu tư hệ thống giao thông gấp nhiều lần của mấy chục năm về trước. Cùng với đó, hạ tầng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics… được đẩy mạnh đầu tư. Những trục giao thông thủy, bộ và những trục kinh tế dọc, ngang sẽ là điều kiện thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với ĐBSCL.

“Nắm bắt cơ hội đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, kết hợp “bệ đỡ” vững chắc nông nghiệp và điều kiện phục hồi kinh tế là nền tảng, là điều kiện, là động lực to lớn để tạo lợi thế cho An Giang bứt phá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới” - đồng chí Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Mới đây, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã có văn bản đề xuất thực hiện việc khảo sát, thăm dò và lập hồ sơ khai thác mỏ cát phục vụ thi công gói thầu số 42, dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xem xét, xử lý đối với đề nghị của nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cùng các tuyến kết nối lên Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, cầu Châu Đốc và tuyến N1 kết nối Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa từ kinh tế cửa khẩu An Giang, nông sản thế mạnh của tỉnh và vùng ĐBSCL xuống cảng biển Trần Đề.

Từ động lực của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tỉnh sẽ đầu tư các tuyến tránh An Châu, Bình Hòa và Đường tỉnh 941 (huyện Châu Thành), tuyến nối Cái Dầu, Vĩnh Thạnh Trung (huyện Châu Phú); đề xuất nâng cấp Quốc lộ 80B nối các huyện cù lao (Chợ Mới, Phú Tân, TX. Tân Châu)… hình thành các trục ngang để chia sẻ với Quốc lộ 91. Khi hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn dọc, ngang được đầu tư, sẽ tạo điều kiện để An Giang kết nối, bứt phá phát triển.

NGÔ CHUẨN