Cơ hội để đặc sản mắm An Giang vươn xa

17/05/2022 - 06:40

 - “Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản vùng miền năm 2022” đã thành công vang dội, với sự tham dự của 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, mang sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng. Qua sự kiện này, doanh nghiệp (DN) tham gia đều phấn khởi, mong muốn có thêm hoạt động tương tự, để đưa đặc sản mắm An Giang vươn xa hơn.

Ngày hội mắm Châu Đốc năm 2022 là động lực để đặc sản mắm An Giang vươn xa

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - Đặc sản các vùng miền năm 2022 (gọi tắt Ngày hội mắm) là động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kết nối cung - cầu hàng hóa giữa nhà sản xuất và đầu mối tiêu thụ, định hướng phát triển sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác hoàn thành chỉ tiêu chất lượng, nhãn hiệu. Đặc biệt, đây là dịp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, nền ẩm thực đa dạng, phong phú, nét đẹp văn hóa truyền thống của 4 dân tộc (Kinh-Khmer-Chăm-Hoa) sinh sống tại An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Ngoài ra, Ngày hội mắm còn tạo sân chơi, giao lưu cho DN và du khách, như: Kết nối giao thương chủ đề “Sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền gắn với thị trường tiêu thụ và hoạt động du lịch”; chương trình biểu diễn cộng đồng của các tỉnh, thành phố (cồng chiêng Tây Nguyên; nét văn hóa đặc trưng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer của tỉnh Sóc Trăng và An Giang; nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Chăm An Giang; đờn ca tài tử Bạc Liêu, xiếc Long An)... Điểm nhấn trong hoạt động này, An Giang giới thiệu món ăn ngon, nền ẩm thực đa dạng, phong phú của địa phương, nhất là món ăn khẳng định thương hiệu mắm của An Giang.

Gian hàng mắm cá mè vinh Ông Ba Lộc đón lượng khách đến tham quan, mua sắm khá đông. Chị Trần Thị Kim Ngân (đại diện cơ sở) cho biết: “Sản phẩm của chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách, bởi đây là “mắm chao”, có hương vị khác biệt so với mắm thái, mắm ruột - vốn đã nổi tiếng tại TP. Châu Đốc. Qua ngày hội, tôi kết nối được nhiều khách hàng, đối tác tiềm năng, có thể mở rộng thị trường. Tôi mong có nhiều hơn sự kiện tương tự, để DN vừa và nhỏ đưa sản phẩm đi xa hơn, tìm đến thị trường tiềm năng hơn”.

Không chỉ hỗ trợ các sản phẩm mắm, Ngày hội mắm Châu Đốc năm nay còn tạo động lực để đặc sản, thủ công mỹ nghệ đến với khách hàng, kết nối đối tác trong cả nước. Chị Lê Thị Phương Thảo (cơ sở dệt chiếu Uzu và thủ công mỹ nghệ Tân Châu Long 2) chia sẻ: “Theo tôi, ngày hội năm nay khá thành công! Lượng khách ghé gian hàng của tôi mua sắm khá đông, bởi các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhiều gian hàng khác cũng nhận được sự quan tâm rất cao. Đa phần DN phấn khởi, bởi nhìn thấy hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cũng như nguồn doanh thu tốt. Nếu ngày hội được tổ chức tiếp tục, tôi vẫn tham gia để tìm kiếm đối tác, giới thiệu sản phẩm mới tới khách hàng”.

Với công tác chuẩn bị, tổ chức khá chu đáo, Ngày hội mắm Châu Đốc năm 2022 đạt được kết quả rất khả quan. Cụ thể, số lượng khách tham quan, mua sắm khoảng 125.000 lượt (tăng 25% so với năm 2021), trải đều trong suốt 5 ngày diễn ra sự kiện. Tổng doanh số bán hàng của Ngày hội mắm khoảng 24 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021.

Các gian hàng có doanh số cao chủ yếu là thực phẩm, như: Nem Cô Hoàn, muối sấy, bưởi ép, vỏ bưởi (tỉnh Đồng Tháp); bánh tráng, nem nướng (tỉnh Long An); cà phê Đắk Lắk; mắc ca, mật ong, cà phê, nước ép (tỉnh Lâm Đồng); bánh pía Sóc Trăng; tôm khô Bạc Liêu; bánh tráng Tây Ninh; hạt điều, mật ong, tiêu sạch Bình Phước; trà xạ đen Thảo An, đường thốt nốt Trần Gia, trái cây sấy Gia Bảo, sản phẩm từ Tập đoàn Nam Việt (tỉnh An Giang)…

“Sau Ngày hội mắm năm nay, chúng tôi xác định thế mạnh của An Giang không chỉ nằm ở sản phẩm nông nghiệp như lúa gạo, mà còn là đặc sản ẩm thực mang tính truyền thống như các loại mắm. Do đó, chúng tôi hướng đến mục tiêu tổ chức hội chợ chuyên đề để quảng bá chi tiết, đa dạng đặc sản của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, An Giang đề xuất với các tỉnh ĐBSCL luân phiên tổ chức hội chợ liên quan đến sản phẩm mắm mang tầm khu vực, chuyên sâu quảng bá, mở rộng thị trường cho món ăn đặc sản nổi danh của vùng đất châu thổ Cửu Long”- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu thông tin.

THANH TIẾN