Cơ hội tăng trưởng xanh cho ĐBSCL

31/08/2023 - 05:19

 - Trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia cam kết lộ trình giảm phát thải ròng về mức “0” (Net Zero), thị trường tín chỉ carbon đang hình thành và phát triển. Với định hướng tăng trưởng “thuận thiên” của vùng ĐBSCL, nông dân và doanh nghiệp (DN) có cơ hội hưởng lợi lớn từ bán tín chỉ carbon khi tập trung vào nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Hình thành thị trường

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 01/2022/QĐ-TTg về ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Dựa trên mức tiêu thụ năng lực (TOE), cả nước có 1.912 cơ sở sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thuộc các ngành: Công thương (1.662 cơ sở), giao thông vận tải (70 cơ sở), xây dựng (104 cơ sở), tài nguyên và môi trường (76 cơ sở). Như vậy, không chỉ nhà máy sản xuất, lĩnh vực công nghiệp, bãi rác, mà các tòa nhà, trung tâm thương mại, khách sạn, đơn vị kinh doanh vận tải… cũng phải tổng rà soát mức tiêu thụ năng lượng, công suất hoạt động.

Theo các chuyên gia, việc “đo đạc” lượng phát thải khí nhà kính là bước đi đầu trong lộ trình xây dựng hệ thống giao dịch hạn ngạch và tín chỉ carbon. Việt Nam đang học theo các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới khi phân bổ hạn ngạch, tức quy định mức phát thải tối đa cho DN. Nếu DN nào phát thải vượt hạn ngạch, có thể trung hòa bằng cách mua lại hạn ngạch của bên phát thải thấp hơn hoặc mua tín chỉ carbon.

Ngày 8/8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) ra mắt Sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính. Sổ tay giúp DN từng bước kiểm kê, đưa ra báo cáo chuẩn mực, hạn chế lúng túng khi thực hiện Thông tư 96/TT-BTC của Bộ Tài chính về báo cáo phát thải khí nhà kính. Đồng thời, nâng cao nhận thức và thực thi tiêu chuẩn phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tài chính xanh vì một nền kinh tế carbon thấp tại Việt Nam.

Thách thức và cơ hội

Theo cam kết tại Hội nghị Khí hậu Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP 26), Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon của nền kinh tế, đạt được trạng thái trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050. Chính phủ tăng cường trách nhiệm của DN, thành phần kinh tế trong việc kiểm kê, báo cáo phát thải khí nhà kính.

Theo quy định mới, DN tham gia thị trường tín chỉ carbon bắt buộc có thể bù đắp phát thải bằng cách mua tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện (tối đa ở mức 10%). Với quy định này, DN có thể tìm kiếm nguồn cung tín chỉ carbon ở dự án bên ngoài, thay vì chỉ giao dịch với nhau. Theo Đề án phát triển thị trường carbon của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam tiến tới thành lập Sàn giao dịch tín chỉ carbon để phát triển thị trường nhiều tiềm năng này theo khuynh hướng thế giới.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khi thị trường tín chỉ carbon phát triển, DN, hộ dân, hợp tác xã (HTX) tham gia trồng rừng, phát triển nông nghiệp xanh sẽ hưởng lợi khi được chi trả tiền cho phát thải thấp. Tuy nhiên, việc mua tín chỉ carbon từ những cánh rừng là khá rõ ràng, trong khi hoạt động sản xuất lúa gạo hiện nay vẫn là thách thức.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, sản xuất lúa gạo và các hoạt động trong chuỗi giá trị lúa gạo là nguyên nhân góp phần tăng tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) do tạo ra phát thải khí nhà kính, như: Methane, nitrous oxide (N2O) và carbon dioxide (CO2).

Trong đó, methane là nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu từ canh tác lúa, do điều kiện đất ngập nước, phát thải N2O do sử dụng phân bón dư thừa và CO2 do đốt rơm rạ sau thu hoạch. Theo World Bank, lượng phát thải quy đổi CO2 tương đương/kg lúa ở Việt Nam là 0,8, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ là 0,7, Bangladesh 0,6, Thái Lan 1,5, Myanmar 1,1 và Philippines 2,4. ĐBSCL sản xuất 12 tấn lúa/ha/năm, lượng phát thải từ canh tác lúa tương đương 9,6 tấn CO2/ha/năm. 

Thay đổi để hưởng lợi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời gian gần đây, vùng ĐBSCL triển khai giải pháp thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, đạt kết quả khả quan. Điển hình như việc đưa vào sản xuất giống lúa chịu mặn cho vùng ven biển, ứng dụng Bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng thông minh với BĐKH (CS-MAP), giúp điều chỉnh thời vụ, né được xâm nhập mặn cho 600.000ha không bị tổn thất năm 2019.

Từ năm 2015 - 2022, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được áp dụng trên 180.000ha ở ĐBSCL, ứng dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm” kết hợp với kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ (AWD), giúp tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và tăng thu nhập cho nông dân.

Theo thống kê năm 2020, tổng diện tích đất trồng lúa vùng ĐBSCL gần 1,8 triệu ha. Giai đoạn 2021 - 2030, Thủ tướng Chính phủ phân bổ diện tích đất chuyên trồng lúa nước vùng ĐBSCL ổn định trên 1,5 triệu ha, chiếm 51,3% đất chuyên trồng lúa nước của cả nước.

“Việc hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn, nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với BĐKH” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Trọng tâm của việc phát triển nông nghiệp xanh, khai thác lợi thế thị trường tín chỉ carbon là tập trung triển khai có hiệu quả Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng ĐBSCL.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, tương ứng khoảng 2 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 7%.

Để hướng đến tăng trưởng xanh, được chi trả tín chỉ carbon nhờ phát thải thấp, vùng 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao của ĐBSCL sẽ thực hiện giảm lượng lúa giống còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 40%, giảm lượng nước tưới trên 30%. Đồng thời, tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình sản xuất tốt (GAP) và tương đương được công nhận đạt 100%, tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 50%; giảm phát thải khí nhà kính trên 20%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng, chế biến đạt 100% diện tích thu hoạch

 

NGÔ CHUẨN