Cơ hội vào Châu Âu của nông sản An Giang

02/01/2019 - 07:33

 - Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có những mặt hàng thế mạnh của An Giang (gạo, cá tra, xoài…) sẽ được giảm thuế cùng các điều kiện ưu đãi để tiếp cận thị trường Châu Âu. Vấn đề quan trọng là cần xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho nông sản, có sự am hiểu về thói quen tiêu dùng, thông lệ tiêu thụ để đưa được sản phẩm vào thị trường khó tính này.

Thách thức xen lẫn cơ hội

Châu Âu nằm trong vùng ôn đới, không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới nên nhu cầu về các mặt hàng này rất lớn. Do vậy, trong thương mại song phương, Việt Nam đặc biệt có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, thị trường này rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, rau quả Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU ở dạng tươi, sơ chế, do công nghệ sau thu hoạch còn kém, kỹ thuật chưa được chuyển giao tới nông dân, việc thu hái, bảo quản vẫn tiến hành thủ công. Đây là một trong những nguyên nhân khiến rau quả Việt Nam mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau, quả của EU. Đối với hàng thủy sản của Việt Nam, vẫn đang bị đưa vào diện cảnh báo vàng trong quy chế IUU - EU, tiếp tục bị giám sát chặt chẽ trong 6 tháng tiếp theo (đến tháng 2-2019). Riêng gạo của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang hưởng hạn ngạch quan thuế theo diện các nước thành viên WTO (tổng lượng hạn ngạch rất thấp), trong khi Hoa Kỳ, Thái lan, Úc được hưởng hạn ngạch riêng.

Tiềm năng xuất khẩu trái cây An Giang vào Châu Âu rất lớn

Dù có những khó khăn nhưng tiềm năng xuất khẩu nông sản vào thị trường Châu Âu rất lớn. “Do kinh tế một số nước thành viên trong khối EU đang dần hồi phục, nhu cầu tiêu thụ tăng, một số mặt hàng chủ lực như: thủy sản, điều, rau, quả, cà phê, cao su vẫn giữ mức tăng trưởng xuất khẩu tốt trong thời gian tới” - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công thương) Trần Ngọc Quân nhận định. Một lợi thế nữa là Việt Nam và EU đang đẩy mạnh ký kết và phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU). “Khi đó, Việt Nam sẽ có được lợi thế trước những đối thủ khác. Gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được hưởng hạn ngạch thuế quan riêng. Thuế hàng nông sản giảm sâu, tiếp cận 0-5% trong vòng 7-10 năm. Các quy định SPS được 2 bên tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thúc đẩy tốt cho hàng nông sản” - ông Quân phân tích.

Chú trọng yếu tố an toàn

So với một số thị trường khác, giá trị xuất khẩu vào EU cao hơn. Điều đó đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng khắt khe hơn. Ông Quân cho biết, để tránh các rủi ro về sức khỏe và môi trường, EU đã thiết lập mức dư lượng tối đa (MRLs) cho thuốc trừ sâu bên trong và ngoài các sản phẩm thực phẩm. “Ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu thông tin trước về các chương trình và hồ sơ phun thuốc trừ sâu. Các lô hàng được kiểm tra trước khi được gửi đến nhà bán lẻ. Quản lý thuốc trừ sâu gồm cả trách nhiệm lớn của nhà sản xuất và nhà xuất khẩu” - ông Quân thông tin.

Chế biến thanh long

Cùng với đảm bảo MRLs (giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phổ biến trong sản xuất nông sản), doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu về giới hạn một số chất gây ô nhiễm đã được EU thiết lập (nitrat, kim loại nặng), nguy cơ ảnh hưởng bởi vi sinh vật (Salmonella và E.coli) đối với rau quả cắt trái cây cắt sẵn, nước trái cây chưa tiệt trùng hoặc hạt nảy mầm, tiêu chí về sức khỏe thực vật, tiêu chuẩn tiếp thị chung và cụ thể về chất lượng và độ trưởng thành tối thiểu của tất cả các loại trái cây, rau quả tươi, yêu cầu về bao bì, nhãn dán, quy định truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, EU còn kiểm soát chính thức thực phẩm nhằm đảm bảo tất cả các loại thực phẩm được bán trên thị trường Châu Âu đều an toàn và tuân thủ các quy định hiện hành.

Chia sẻ với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại An Giang, ông Trần Ngọc Quân cho rằng, sản phẩm cá tra và rau quả, đặc biệt là xoài của An Giang có tiềm năng xuất khẩu vào EU rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất sạch, nhất là sản xuất sản phẩm hữu cơ bởi khuynh hướng thị trường Châu Âu rất chuộng những sản phẩm này. “Chi phí sản xuất hữu cơ, sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế có thể cao hơn bình thường nhưng giá bán vào EU cao hơn rất nhiều. Quan trọng là người tiêu dùng Châu Âu chấp nhận bỏ tiền nhiều hơn để sử dụng sản phẩm an toàn. EVFTA sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho những địa phương có lợi thế về cá tra, gạo, vùng nguyên liệu cây ăn trái như An Giang nhưng cần tìm hiểu, phân tích kỹ thị trường EU để tránh bị “tuýt còi” đáng tiếc” - ông Quân lưu ý.

Bộ Công thương đang xúc tiến các chương trình đưa hàng Việt vào các chuỗi siêu thị Châu Âu, kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp Việt kiều. Doanh nghiệp An Giang có thể tham khảo thông tin tại website http://connectviet.moit.gov.vn/ hoặc trao đổi với Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ qua email: vam@moit.gov.v

NGÔ CHUẨN