Công dụng của hắc kỷ tử ít người biết

09/01/2024 - 14:31

Nhiều người chỉ biết đến kỷ tử đỏ mà không biết rằng, hắc kỷ tử cũng được coi là 'thần dược' đối với sức khoẻ, dưới đây là những công dụng của hắc kỷ tử.

Nhắc đến kỷ tử đỏ hầu như ai cũng biết, nhưng rất ít người biết đến hắc kỷ tử và những tác dụng tuyệt vời của nó với sức khoẻ.

Tổng quan về hắc kỷ tử

Bài viết của tiến sĩ - lương y Phùng Tuấn Giang trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, hắc kỷ tử tên khoa học là lycium ruthencium, là loại cây họ cà (Solanaceae) mọc hoang dã, nguồn gốc xuất phát từ khu tự trị Ningxia Hui ở vùng ngoại ô phía Đông của cao nguyên Tây Tạng Trung Quốc.

Chúng có tên gọi khác là: Wolfberry, Gojiberry, WolfberryChinense, Chinense Boxthorn, Mede Berry...

Theo Lương y Phùng Tuấn Giang, quả hắc kỷ tử dạng hình tròn, mọng, quả chín màu đen, đường kính khoảng 0,5cm. Quả khô vỏ nhăn nheo, bên trong nhiều hạt hình thận. Một đầu có vết của cuống quả. Quả vị ngọt, khi ngậm nước bọt sẽ có màu tím.

Quả hắc kỷ tử hay kỷ tử đen quý hiếm và có tác dụng tốt hơn nhiều so với kỷ tử đỏ (câu kỷ tử) - vị thuốc thường gặp trên thị trường. Từ lâu, phụ nữ Tây Tạng sử dụng loại quả này để chống lão hóa, làm đẹp da và được ví như một loại “siêu trái cây” vì có những công dụng kỳ diệu cho sức khỏe.

Hắc kỷ tử sở hữu lượng OPCs (Oligomeric Proanthocyanidins) lớn, nồng độ cao nhất được phát hiện trong tự nhiên hiện nay. OPCs là bioflavonoids (các hợp chất thực vật phức tạp) được tìm thấy trong một số loại trái cây, rau và vỏ cây nhất định có lợi ích dinh dưỡng cho cơ thể người.

Các nghiên cứu cho thấy mức độ chống oxy hóa của chất này mạnh gấp 20 lần so với vitamin C và mạnh gấp 50 lần so với vitamin E.

Công dụng của hắc kỷ tử với sức khoẻ

Báo Thanh Niên dẫn nguồn chuyên trang sức khoẻ Healthline cho biết, hắc kỳ tử giàu protein, dồi dào các loại vitamin, khoáng chất.

Hàm lượng axít amin, khoáng chất và đặc biệt là chất chống ô xy hóa (oligomeric proanthocyanidins), beta-carotene, lycopene, zeaxanthin, cryptoxanthin, lutein, beta-carotene… cao (cao nhất hơn nhiều chục lần so với các loại rau, củ quả khác) rất có lợi cho da, tóc của chị em.

Ngoài ra, các hợp chất có trong hắc kỳ tử giúp giảm peroxy hóa lipid, ngăn hình thành mô mỡ, kích thích quá trình đốt cháy mỡ thừa giúp chị em duy trì vóc dáng thon gọn, giảm cân hiệu quả.

Không chỉ thế, hàm lượng cao các loại carotenoid trong hắc kỷ tử kết hợp với OPCs có tác dụng rất tốt cho tế bào mắt, cải thiện thị giác, giảm xuất huyết mao mạch. Vì vậy mà hắc kỷ tử rất tốt cho những người thường xuyên điều tiết mắt như lái xe ban đêm, dùng máy tính nhiều.

lutein và zeaxanthin là 2 carotenoid được các nhà khoa học chứng minh có nồng độ cao ở võng mạc và điểm vàng của mắt người có hiệu quả gia tăng mật độ quang học của các sắc tố võng mạc trong mắt, giúp bảo vệ chống lại sự phát triển của thoái hóa điểm vàng, đồng thời có vai trò như bộ lọc ánh sáng có bước sóng ngắn sẽ làm giảm các gốc tự do trong võng mạc mắt.

Theo Lương y Phùng Tuấn Giang, ở Pháp, OPCs được sử dụng để chữa bệnh võng mạc tiểu đường (bệnh thị lực do tiểu đường) trong nhiều năm.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa có vai trò rất tốt lên hệ thần kinh, đặc biệt là bảo vệ tế bào thần kinh, chống sự oxy hóa các dây thần kinh não, bảo vệ tế bào não khỏi các yếu tố độc hại.

Lương y Phùng Tuấn Giang cũng cho biết thêm, hắc kỷ tử có đầy đủ tác dụng dược lý như trên phải là loại hoang dã ở Tây Tạng, có quá trình sinh trưởng và phát triển thuận tự nhiên, đảm bảo trong khâu thu hái, bào chế sản phẩm.

Hắc kỷ tử rất tốt cho sức khoẻ.

Theo Đông y, hắc kỷ tử vị ngọt, vào kinh can thận.

Sách Bản thảo kinh sơ viết: Hắc kỷ tử bổ can thận, ích khí, là thuốc chủ yếu bổ can thận chân âm bất túc, rất tốt để ích tinh, minh mục (sáng mắt).

- Sách Dược tính bản thảo lại viết: Hắc kỷ tử bổ ích tinh bất túc, minh mục, an thần. Chủ trị: Chứng can thận âm hư, âm huyết hư tổn gây xây xẩm mặt mày, mệt mỏi, di tinh, đau mắt, mỏi mắt, quáng gà. Liều dùng: Ngày 08 - 20g.

Cách dùng hắc kỷ tử

Hắc kỷ tử có thể dùng trực tiếp để hãm trà (mỗi lần dùng khoảng 5g với 200ml nước ấm 600C) hoặc ngâm rượu để uống dần. Hắc kỷ tử càng để lâu sẽ bị giảm dược tính, cho nên để bảo quản dài ngày, ngâm rượu là hình thức tốt nhất. Ngoài ra, các bà nội trợ còn có thể dùng để thêm vào các món hầm, súp, canh.

Theo các chuyên gia, ăn, uống là công việc phải làm mỗi ngày. Thế nên các chuyên gia khuyên ăn có điều hướng, mục tiêu và coi việc ăn là cách thức dưỡng thể, phòng trị bệnh chị em không những được khỏe mà còn dưỡng sắc, giữ dáng hiệu quả mà không tốn nhiều công sức, thời gian.

Trên đây là những công dụng của hắc kỷ tử đối với sức khoẻ. Hãy thường xuyên bổ sung hắc kỷ tử vào chế độ ăn uống của mình nhé, nhất là đối với chị em phụ nữ.

Theo VTC