Công tác dân số trong tình hình mới

31/01/2018 - 01:00

 - Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 về “Công tác dân số trong tình hình mới”. Nghị quyết xác định: dân số (DS) là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác DS là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Quán triệt tinh thần ấy, ngành DS An Giang từng bước thay đổi nhằm nâng cao chất lượng phù hợp với yêu cầu, thách thức trong tình hình mới.

Sau 25 năm thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chính sách về DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), quy mô và chất lượng DS đã giữ mức ổn định và đời sống xã hội được cải thiện. Năm 2017, DS trung bình cả tỉnh ước đạt 2.163.460 người, đứng thứ nhất khu vực ĐBSCL, thứ 6 cả nước và đang trong giai đoạn DS vàng.

Chất lượng DS cũng tăng lên đáng kể như: sức khỏe bà mẹ và trẻ em được cải thiện, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi giảm hẳn. Công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào sinh sống vùng sâu vùng xa được quan tâm, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của tỉnh, tuổi thọ bình quân chung của người dân đạt 73,4 tuổi (2014).

Tuy nhiên, bên cạnh đó là những thách thức như: tuổi thọ cao nhưng số người khỏe mạnh thấp, chưa phát huy được lợi thế DS vàng, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, tập quán có đông con và muốn kiếm con trai nối dõi tông đường vẫn tồn tại dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, tác động tiêu cục trên xã hội trong tương lai, công tác tuyên truyền, giáo dục về DS-KHHGĐ có nơi, có thời điểm chưa phù hợp với từng địa phương, từng đối tượng...

Công tác DS luôn hướng đến đảm bảo chất lượng giống nòi

Năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ đề ra mục tiêu duy trì mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng DS và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Trong đó, phấn đấu giảm tỷ suất sinh còn 0,05%o, tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh 7.771 người (26,8%), tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh 2.714 trẻ (9,4%), số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 176.400 người.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, ngành DS nỗ lực duy trì mức sinh thay thế, vận động thực hiện “dừng ở 2 con để nuôi và dạy cho tốt” ở khu vực có mức sinh cao, đồng thời từng bước điều chỉnh mục tiêu và khẩu hiệu vận động phù hợp ở các khu vực có mức sinh thấp.

Cùng với đó là cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả tại các cơ sở y tế, chuyển dần cung ứng dịch vụ KHHGĐ từ cấp miễn phí sang tiếp thị xã hội và thị trường tự do; tích cực đổi mới công tác tuyên truyền để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh như: thực hiện bình đẳng giới, không phân biệt vai trò người nam hay nữ trong chăm sóc cha mẹ, họ tộc, không lựa chọn giới tính thai nhi trong bụng mẹ, đẩy mạnh đề án sàng lọc trước sinh, sơ sinh.

Với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, cần cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe, sử dụng biện pháp tránh thai, phá thai an toàn, mở rộng mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tăng cường giáo dục DS, giới tính, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ trong các trường phổ thông, mở rộng dịch vụ chăm sóc người già, phát triển khoa lão ở bệnh viện, các cơ sở phục hồi chức năng.

Song song đó là truyền thông chuyển đổi hành vi, tích cực phối hợp các ban, ngành, đoàn thể trong việc lồng ghép nội dung DS-KHHGĐ thông qua các cuộc họp ở địa phương, các câu lạc bộ, cuộc thi tìm hiểu, giao lưu văn hóa - văn nghệ tại cộng đồng, tuyên truyền lưu động...

Đồng thời, hướng đến cải tiến chương trình, nội dung giáo dục DS, giới tính, bất bình đẳng giới, chất lượng cuộc sống trong hệ thống giáo dục phổ thông; tăng cường thu thập thông tin, số liệu, cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành để đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành của ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ, thanh tra chuyên ngành để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót để công tác DS đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thực tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG