Người tiêu dùng tìm mua thực phẩm tại một siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết
Bên cạnh đó là sự chủ động điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành và thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động.
Bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, CPI khu vực thành thị giảm 0,17%, khu vực nông thôn tăng 0,11%. Lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm 2020 tăng 2,88% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với tháng trước, CPI tháng 5 giảm 0,03%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm: Giao thông giảm 2,21%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,01%.
Có 7 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%. Nhóm giáo dục không thay đổi.
Trong tháng 5/2020, CPI khu vực thành thị giảm 0,17%, khu vực nông thôn tăng 0,11% so với tháng trước. Khu vực nông thôn tăng chủ yếu do nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,8%, trong khi đó khu vực thành thị giảm 0,11%. Các nhóm hàng nhà ở, điện, nước sinh hoạt, gas và các chất đốt khác của hai khu vực có mức tăng giảm tương đương nhau nhưng do tỷ trọng tiêu dùng nhóm nhà ở thuê của khu vực thành thị cao nên khi giá nhà thuê giảm, chỉ số chung của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm nhiều hơn khu vực nông thôn.
Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 5 như: Giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 28/4, bình quân giá xăng dầu tháng 5/2020 giảm 4,98% so với tháng trước làm CPI chung giảm 0,21%; việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo đó giá điện tháng 5 giảm 0,28% so với tháng trước.
Giá gạo giảm 0,09% so với tháng trước do vụ lúa Đông Xuân năm 2020 tại các tỉnh phía Nam cơ bản đã thu hoạch xong. Việc giãn cách xã hội do dịch COVID-19 được nới lỏng, người dân giảm nhu cầu tiêu dùng và dự trữ gạo. Đặc biệt, giá thuê nhà ở giảm 1,43% do nhiều hộ gia đình giảm giá thuê nhà ở hỗ trợ người tiêu dùng trong tình hình dịch COVID-19.
Tuy nhiên cũng có những mặt hàng tăng như: Giá gas tháng 5/2020 tăng 12,08% so với tháng trước do điều chỉnh giá gas tăng 34.000 đồng/bình 12kg theo giá gas thế giới làm CPI chung tăng 0,14%. Kỳ nghỉ lễ 30/4 và ngày 1/5 kéo dài và mọi hoạt động xã hội đã trở lại trạng thái bình thường sau thời gian giãn cách xã hội nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng, giá các dịch vụ này đã tăng 0,35% so với tháng trước. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng làm chỉ số giá nhóm này tăng 0,25% so với tháng trước.
Một vấn đề được dư luận quan tâm là giá thịt lợn tháng 5 tiếp tục tăng 4,13% với tháng trước do nguồn cung chưa được đảm bảo. Ước tính đàn lợn cả nước tháng 5/2020 giảm khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn tháng 5 tăng 4,13% so với tháng trước trong đó khu vực thành thị tăng 3,67%; khu vực nông thôn tăng 4,37% do các nhà hàng, quán ăn đã mở cửa trở lại sau thời gian tạm nghỉ do giãn cách xã hội nên nhu cầu thực phẩm tăng cao hơn so với tháng trước, Bên cạnh đó, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Khảo sát của phóng viên báo Tin tức ngày 29-5, giá thịt lợn bán lẻ ở các chợ truyền thống vẫn ở mức cao, dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Trong những ngày giữa tháng 5/2020, giá lợn hơi còn lập đỉnh 100.000 đồng/kg, giá thịt lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc dao động từ 92.000 - 100.000 đồng/kg; giá tại miền Trung và Tây Nguyên giao động từ 90.000 - 96.000 đồng/kg; giá tại miền Nam giao động từ 93.000 - 97.000 đồng/kg.
Do giá thịt lợn tăng nên giá thịt chế biến tăng 1,53%, giá các loại sữa, bơ, phô mai tăng 0,28%. Trước tinh hình này, một số người dân đã chuyển dần thay thế sản phẩm thịt lợn sang mua thịt gia cầm tươi sống, điều này khiến giá thịt gia cầm tăng 0,92% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,56%; khu vực nông thôn tăng 1,22%). Cụ thể: Giá thịt gà tăng 0,52%, giá thịt gia cầm khác tăng 2,05%. Giá gà ta hiện từ 80.000 đồng/kg - 105.000 đồng/kg; gà công nghiệp làm sẵn giá từ 40.000 đồng/kg - 55.000 đồng/kg.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 2,88%.
Bình quân 5 tháng đầu năm nay, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: Giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin Tức)