Cùng bảo vệ nguồn nước

03/07/2024 - 07:45

 - Cùng với sự phát triển, tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, sản xuất công, nông nghiệp càng phổ biến và ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng.

Theo đánh giá của chuyên gia, các tuyến sông, kênh, rạch có vai trò quan trọng trong sản xuất, đời sống. Ở đô thị, các tuyến sông, kênh, rạch được ví như chiếc máy điều hòa làm mát không khí, giữ chức năng chống úng ngập cục bộ, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Tại nông thôn, các tuyến sông, kênh, rạch cung cấp nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt...

Tuy nhiên, do tập quán sinh sống lâu đời của cư dân vùng sông nước, nên các sông, kênh, rạch ngoài chức năng giao thông thủy, lưu chuyển hàng hóa, cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống thì còn là nguồn tiếp nhận nước thải của toàn bộ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, nhiều hộ sinh sống còn vứt rác và xả thải trực tiếp xuống các tuyến sông, kênh, rạch.

Những con sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nguồn nước thải do hoạt động sản xuất - chế biến nông - thủy sản của các doanh nghiệp trong các khu - cụm công nghiệp... Ngoài ra, còn phải kể đến tình trạng lấn chiếm sông rạch để cất nhà cửa và công trình xây dựng trái phép cũng góp phần tăng thêm ô nhiễm.

Nếu như trước đây có nhiều sông ngòi, kênh rạch… rộng và sâu, nước trong xanh thì nay nhiều đoạn kênh rạch đã bị lấp, bị cạn hoặc tràn ngập đủ loại rác thải cùng với màu nước đen đi kèm với mùi hôi thối trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Ông Trần Văn Được (huyện Phú Tân) cho biết: “Ngày xưa, nước ở dưới kênh rạch rất sạch, có thể uống trực tiếp và cá nhiều. Bây giờ nước ngày càng dơ, rác nhiều, cá cũng không còn. Những lúc nước ròng, người lớn không dám cho mấy đứa nhỏ xuống tắm vì nước dơ. Chỉ khi những lúc nước lớn, nước chảy sạch hơn chút mới có thể tắm, giặt”.

Ngoài ra, việc thải bừa bãi các loại rác sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ và đặc biệt là vẫn còn không ít người sử dụng rác thải nông nghiệp, như: Các loại chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng… bỏ ngay tại chỗ.

Sau khi có nước lớn, rác thải nông nghiệp theo dòng nước quy tụ về các mương, kênh thủy lợi xuống các sông, kênh, rạch và phát tán rộng hơn theo dòng chảy. Điều này hết sức nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước mà chúng ta sử dụng hàng ngày.

Anh Lê Anh Tuấn (huyện Châu Phú) chia sẻ: “Nhà tôi làm ruộng, tuy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng sau khi dùng xong đều gom chai thuốc và bao bì để tiêu hủy. Vậy mà nhiều người xịt lúa xong bỏ luôn chai thuốc xuống bờ đê, bờ kênh. Như vậy, sẽ làm ô nhiễm nguồn nước, rồi lấy nước đó trồng lúa, tưới cây ăn trái, rau màu làm sao có thể tốt được, chưa kể nước này còn là nước uống và sinh hoạt. Thật sự ý thức quá kém”.

Bên cạnh đó, một số hộ còn tự ý cơi nới, xây dựng lấn chiếm hành lang kênh rạch gây thu hẹp, ách tắc dòng chảy. Các cơ sở hoạt động thương mại, chợ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi chưa quan tâm đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Ngoài ra, các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm còn do phải tiếp nhận một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý từ các cống thoát nước thải đô thị đấu nối trực tiếp thải ra… Đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm các tuyến sông, kênh, rạch, ảnh hưởng sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội. Do đó, ngoài các giải pháp khắc phục ô nhiễm của các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng, cần sự chung sức của mỗi người dân và cộng đồng. Mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung bằng những hành động thiết thực, đơn giản, như: Không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định…

Anh Lê Văn Toàn (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Hiện nay, mọi người đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tuy nhiên vẫn còn một số người dân vứt rác trực tiếp xuống kênh rạch, làm ô nhiễm nguồn nước”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Cúc (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Không làm ô nhiễm các tuyến sông, kênh, rạch chính là bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho chính gia đình mình. Vì vậy, dù sống gần sông, nhưng hàng ngày tôi luôn thu gom rác sinh hoạt gia đình để xe rác đến lấy”. Bà Lê Thị Hạnh (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi mua bán cá ở chợ, nhưng tôi luôn ý thức việc bảo vệ môi trường. Rác thải hàng ngày tôi thu gom lại một chỗ để đem bỏ vào thùng rác đúng quy định. Trước đây, mọi người còn bỏ rác thẳng xuống sông, rác nổi lềnh bềnh nhìn thấy ghê lắm. Từ khi sửa chợ lại, hầu như ai buôn bán ở chợ cũng bỏ rác đúng nơi quy định để bảo vệ môi trường. Thời gian mình ở đây buôn bán còn nhiều hơn ở nhà, nên tự mình phải bảo vệ môi trường nơi mình buôn bán, bảo vệ chung cho cộng đồng”.

Giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những việc làm rất quan trọng nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người và cả cộng đồng. Để làm được điều này, mỗi người cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ gìn vệ sinh chung bằng những hành động thiết thực hàng ngày, như: Thường xuyên tuyên truyền, vận động người thân cùng gia đình tham gia quét dọn đường làng, ngõ phố; không xả rác bừa bãi xuống sông, kênh, rạch; hình thành nét đẹp văn hóa cùng chung tay bảo vệ môi trường nước ngay tại khu dân cư, nơi công cộng...

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là sự đồng tâm, hiệp lực của mỗi người dân để cùng nhau bảo vệ các sông, kênh, rạch. Chỉ khi mỗi người dân hiểu rằng, bảo vệ môi trường nước ở các sông, kênh rạch… chính là bảo vệ sức khỏe của chính mình, tương lai của con cháu thì mới chủ động cùng cải thiện, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ nguồn nước nói riêng ngày càng trong lành, an toàn.  

TRỌNG TÍN