Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

17/11/2023 - 06:14

 - Việt Nam là một dân tộc kiên cường với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, chiến thắng tham vọng xâm lược của những kẻ thù sừng sỏ. Sức mạnh ấy, bên cạnh lòng yêu nước nồng nàn, còn đến từ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Chia rẽ đoàn kết, xuyên tạc sự thật là có tội với quê cha, đất tổ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt được Việt Nam” (Báo Nhân dân, số 1248, ngày 8/8/1957). Thực tế, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã giúp Việt Nam vượt qua những thách thức, cam go của lịch sử, đánh thắng các kẻ thù xâm lược, bảo vệ và xây dựng đất nước đi lên CNXH.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.

Mới đây, đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023 tại khu dân cư ấp Bà Chăng A (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa nhắc lại: “Đoàn kết là truyền thống quý báu, là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam”. Phó Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua các hoạt động thực tiễn để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống anh hùng, ý chí tự lực, tự cường, đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo niềm tin trong Nhân dân.

Với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước, MTTQ các cấp luôn quan tâm huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trở thành ngày hội lớn, nơi gắn kết cộng đồng dân cư, nơi khối đại đoàn kết không ngừng được củng cố và tăng cường.

Tuy nhiên, mặc cho những thành tựu trong thực hiện chính sách đại đoàn kết được chứng minh bằng những hình ảnh, con số cụ thể và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao nhưng các thế lực thù địch, phản động vẫn chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, chúng hay lợi dụng vào những hạn chế, khuyết điểm bên trong, lợi dụng khiếu kiện đông người, tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, kiến thức pháp luật còn hạn chế của đồng bào dân tộc thiểu số để kích động, xúi giục, tuyên truyền xuyên tạc.

Lâu nay, hoạt động chống phá, chia rẽ đoàn kết thường tập trung tại các địa bàn chiến lược, như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, thúc đẩy hình thành các “khu tự trị”, “nhà nước tự trị”. Gần đây, các thế lực thù địch còn đẩy mạnh chống phá, gây chia rẽ, mất đoàn kết ở các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương. Chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền, chống phá bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Thoạt nghe, những trang này có vẻ bảo vệ “truyền thống yêu nước”, bảo vệ lịch sử, nhưng lồng ghép trong đó là những luận điệu mang tính chia rẽ, xúi giục dân tộc này “tẩy chay” dân tộc khác. Nguy hiểm hơn, chúng thành lập những fanpage giả danh “Quân đội Nhân dân Việt Nam”, “Cảnh sát hình sự”, “Bộ Công an”, “Hội bảo vệ lịch sử”… để người dùng mạng xã hội tin đây là những trang chính thống, dễ dàng nghe theo luận điệu lồng ghép chia rẽ một cách tinh vi.

Nhìn lại sự nghiệp 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đồng thời chỉ rõ nguy cơ: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ”.

Dù được định hướng XHCN, nhưng mặt trái của nền kinh tế thị trường vẫn kéo theo nhiều thách thức cần giải quyết, như: Phân hóa giàu - nghèo; chênh lệch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế giữa các vùng miền; sự xuống cấp về một số mặt của văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội; thụ hưởng của người dân từ thành tựu phát triển của đất nước chưa hài hòa... Đại hội XIII đánh giá, trong Đảng và hệ thống chính trị, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”; bệnh lãng phí, vô cảm, quan liêu, mất dân chủ... gây bức xúc xã hội và làm suy giảm vai trò hạt nhân đoàn kết của Đảng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Không ngừng phát huy, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng Việt Nam. Đây là cội nguồn sức mạnh giúp đất nước ta chiến thắng những kẻ thù hung bạo, bảo vệ hòa bình, độc lập, tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn từng phân tích: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà góp sức, giặc tự bị bắt... Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Nguyễn Trãi khẳng định: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết ngắn gọn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”.

Có thể thấy, tình hình xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, bất ổn chính trị ở nhiều nơi, tình hình chiến sự tại Ukraine đang diễn biến phức tạp, xung đột Israel với phong trào Hamas... phản ánh rõ nét sự can dự, cạnh tranh của các nước lớn và sự chia rẽ, mâu thuẫn, phân hóa từ bên trong. Những quốc gia không giữ được khối đại đoàn kết rất dễ trở thành “miếng mồi” cho toan tính, tham vọng của những thế lực thù địch. Do vậy, phòng, chống sự chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng chính là bảo vệ hòa bình và phát triển bền vững đất nước ta trước những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo của thế giới hiện nay. Củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng các trang mạng xã hội theo hướng phát huy đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng là cách hiệu quả làm mất tác dụng của những trang lồng ghép gây chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết.

N.H