Củng cố quan hệ Việt Nam – Trung Quốc

14/12/2023 - 19:59

 - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, thể hiện tình hữu nghị truyền thống hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Sau 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Việt Nam và Trung Quốc đã nâng cấp mối quan hệ lên tầm cao mới. Sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có rất nhiều chuyến thăm và làm việc với nhau. Qua đó, đưa ra phương hướng và trọng tâm nhiệm vụ hợp tác trong thời gian tới.

Về hợp tác kinh tế, quan hệ hợp tác thương mại song phương trong 15 năm qua phát triển nhanh, hợp tác đầu tư có hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á, là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Kim ngạch thương mại song phương có những năm đã vượt mốc 200 tỷ USD. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, 11 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 3,7% so cùng kỳ 2022, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm 24,8%.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Qua 3 quý của năm 2023, kim ngạch nhập khẩu nông sản từ Việt Nam của Trung Quốc tăng 160% so cùng kỳ. Đầu năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 1 tỷ USD, nhưng qua 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đã đạt 1,95 tỷ USD.

Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt hiệu quả hơn. Lượng đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc gia tăng, lĩnh vực đầu tư rộng, sức tăng trưởng nhanh. Tính đến tháng 8/2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư gần 4.000 dự án vào Việt Nam, tổng vốn đăng ký 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Với chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12, đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3 của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Lần đầu tiên có một Tổng Bí thư của Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Trung Quốc đối với Việt Nam. Chuyến thăm càng có ý nghĩa nhân kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023). Trung Quốc là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác này, trong khi Việt Nam là nước đầu tiên trong khối ASEAN mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ mối quan hệ ngoại giao ở mức cao nhất.

Có thể nói, từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng xây dựng và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, dù có những lúc mối quan hệ khó khăn, nhưng lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc không ngừng củng cố mối quan hệ truyền thống, hợp tác cùng có lợi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mối tình hữu nghị Việt - Trung vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình, mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng đạt được tiến triển mới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10/2022). Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, mang ý nghĩa lịch sử đối với hai nước.

Khi mà quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong lịch sử, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mở ra một giai đoạn phát triển mới tốt đẹp hơn cho quan hệ hai nước. Dịp này, Việt Nam và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung; ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng trên các lĩnh vực, như: Hợp tác kênh Đảng, quốc phòng - an ninh, hợp tác trong lĩnh vực tư pháp, truyền thông, kết nối phát triển, kinh tế thương mại và đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất, nhập khẩu hàng nông sản, thủy lợi, hợp tác trên biển... Đặc biệt, kỳ vọng là dự án hợp tác xây dựng tuyến đường sắt Hà Khẩu - Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, giúp thuận tiện xuất khẩu hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc, từ đó kết nối với Nga, Trung Á, Châu Âu...

Trước thông tin về chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, trên một số diễn đàn mạng, một số kẻ cơ hội chính trị lợi dụng đưa và tán phát các thông tin xuyên tạc về mục đích, ý nghĩa chuyến thăm, đại loại như “chuyến thăm nhằm răn đe Việt Nam sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ”, “lãnh đạo Việt Nam quên mối thù bị Trung Quốc xâm lược”, “Việt Nam theo Trung Quốc”… Đây là những luận điệu đánh lận vấn đề rất nguy hiểm. Không chỉ Trung Quốc, trong lịch sử, Việt Nam từng bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và lần nào cũng vậy, cả dân tộc Việt Nam đều đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, quyết giành độc lập, tự do.

Trong quá khứ, hôm nay và mãi sau này, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ vẫn luôn được Đảng, Nhân dân kiên quyết giữ gìn, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Nhưng dân tộc Việt Nam cũng đồng thời là một dân tộc rất yêu chuộng hòa bình, với tấm lòng luôn rộng mở, bao dung và vị tha, luôn sẵn sàng làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước. Với Trung Quốc, là đất nước có đường biên giới dài, có lợi ích lớn trong hợp tác và nhiều tiềm năng mở rộng phát triển, việc tăng cường và nâng cao quan hệ hợp tác không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước mà còn góp phần tích cực đảm bảo hòa bình, ổn định, sự thịnh vượng cho khu vực cũng như trên thế giới.

N.H