Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu phải duy trì cảnh giác cho đến khi lạm phát được kiểm soát chặt chẽ.
Bà Georgieva nói với Bloomberg bên lề cuộc họp G20 ở Bengaluru - Ấn Độ hôm 25-2: "Tôi muốn nói rõ rằng chúng ta vẫn chưa thấy lạm phát giảm đủ nhanh để đạt mục tiêu". Bà Georgieva nhận định trong khi sự phục hồi của Trung Quốc trong năm nay là một lợi thế thì cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang "phủ bóng đen" kéo dài lên nền kinh tế toàn cầu.
Theo bà Georgieva, còn một số bất đồng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) liên quan đến tái cấu trúc nợ cho các nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Bà Georgieva cho biết bên cạnh xung đột và lạm phát kéo dài, những rắc rối về nợ bủa vây các quốc gia nghèo như Zambia, Sri Lanka và Pakistan đang làm tăng thêm những bất ổn.
Theo Bloomberg, dù nhiều ngân hàng trung ương bắt đầu chậm thắt chặt tiền tệ lại, lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt đáng kể. Ở châu Âu, lạm phát cơ bản được dự báo duy trì ở mức kỷ lục 5,3%. Còn tại khu vực châu Á, lạm phát vẫn ở mức cao.
Do đó, người đứng đầu IMF cho rằng các nhà chức trách không nên mất cảnh giác vì sự ổn định giá cả là điều cần thiết để các nhà đầu tư và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, đây vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Khách hàng mua sắm trong siêu thị ở TP Chicago - Mỹ Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ưa chuộng - được công bố hôm 24-2 cho thấy PCE trong tháng 1 tăng 0,6% so với tháng 12-2022 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cả 2 mức tăng này đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Bản báo cáo làm gia tăng mối lo của thị trường vốn đã có từ trước rằng FED có thể phải tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
Theo CNBC, kể từ tháng 3-2022 đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã đưa lãi suất từ 0% lên 4,5%, mức cao nhất trong 41 năm.
Giới đầu tư lo ngại việc lạm phát còn cao sẽ thúc đẩy FED tiếp tục nâng lãi suất và giảm cung tiền, khiến giá cổ phiếu chịu áp lực đi xuống. Thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc ngay sau khi báo cáo lạm phát được công bố.
Ông Jeffrey Roach, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tài chính LPL Financial (Mỹ), lập luận chính sách tiền tệ thắt chặt hơn vẫn chưa tác động đầy đủ đến người tiêu dùng và cho thấy FED sẽ phải làm nhiều hơn nữa để làm chậm lại tổng cầu.
Chuyên gia này dự báo FED vẫn có thể quyết định tăng 0,25 điểm % tại cuộc họp tiếp theo nhưng báo cáo hôm 24-2 cho thấy kịch bản FED còn tiếp tục tăng trong những cuộc họp vào mùa hè. Theo ông Roach, các thị trường tài chính sẽ tiếp tục dao động trong những tháng tới khi lãi suất cao hơn vẫn chưa thể làm giảm đáng kể chi tiêu của người tiêu dùng.
Giới chuyên gia dự báo FED sẽ tăng lãi suất lên 5,4% vào tháng 7, từ mức 4,75% hiện tại và rất ít khả năng giảm lãi suất trước cuối năm 2023 mà sẽ duy trì mức trên 5% suốt năm nay.
Ông Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng về kinh tế Mỹ tại Ngân hàng Deutsche Bank (Đức), cho hay lạm phát đang được chứng minh còn dai dẳng, do đó để đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu đòi hỏi phải có một cuộc suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp cao hơn.
Ảnh hưởng từ báo cáo PCE, chỉ số đồng USD (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, kết thúc phiên hôm 24-2 ở mức 105,26 điểm, tăng 0,7% so với phiên trước. Tính chung cả tuần, DXY tăng 1,32%, là tuần tăng thứ 4 liên tiếp, đưa mức tăng trong tháng 2 lên 3,52%.
Theo Người lao động