Cuộc đời bi kịch của triết gia bị kết án tử vì lý giải nhật thực, nguyệt thực

25/02/2024 - 19:16

Việc mô tả rằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao không phải là bậc thần thánh mà chỉ là những thực thể vật chất đã đi ngược lại những niềm tin thần quyền phổ biến thời đó, khiến nhà triết học vĩ đại Anaxagoras bị tuyên án tử hình.

Anaxagoras là một triết gia Hy Lạp thời tiền Socrates và là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử tư tưởng phương Tây. Những ý tưởng đột phá của ông đã thách thức niềm tin thần quyền truyền thống và đặt nền móng cho cách tiếp cận khoa học để tìm hiểu cách vận hành của thế giới tự nhiên. 

Anaxagoras sinh ra ở thị trấn cổ đại Clazomenae, Hy Lạp vào đầu thế kỷ thứ 5 (khoảng năm 500–480) trước Công nguyên trong một gia đình quý tộc và địa chủ, nhưng ông đã từ bỏ quyền thừa kế của mình để nghiên cứu triết học. Ông được giáo dục về triết học và khoa học tự nhiên tại Ionia- một trung tâm nghiên cứu triết học ở Hy Lạp cổ đại.

triet hoc 1.jpg

Triết gia Hy Lạp Anaxagoras là người đầu tiên đưa ra lời giải thích chính xác về nhật thực và nguyệt thực.

Anaxagoras bị ảnh hưởng bởi hai dòng tư tưởng Hy Lạp thời kỳ đầu. Thứ nhất là truyền thống tìm hiểu thiên nhiên, tìm cách giải thích vũ trụ và tất cả các hiện tượng bằng việc viện dẫn các quy luật trong chính hệ thống vũ trụ mà không cần tham khảo đến các nguyên nhân phi tự nhiên như các vị thần.

Thứ hai là cách giải thích về thế giới tự nhiên dựa trên ba nguyên tắc siêu hình học: Không trở lên hay mất đi (No Becoming or Passing-Away), Mọi thứ đều ở trong mọi thứ (Everything is in Everything), và Không nhỏ nhất hay lớn nhất (No Smallest or Largest).

Anaxagoras là người đầu tiên đưa ra lời giải thích chính xác về nhật thực và nguyệt thực đồng thời ông cũng “khét tiếng” với giới chức thời đó bởi các lý thuyết khoa học của mình.

Trong mô hình vũ trụ học của mình, Anaxagoras đề xuất rằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao không phải là bậc thần thánh như niềm tin vào thời điểm đó, mà là những thực thể vật chất vận động. Ông đã mô tả mặt trời như một khối kim loại nóng, mặt trăng như một cục đất đơn giản và các ngôi sao như những viên đá rực lửa, theo The Stanford Encyclopedia of Philosophy.

Triết gia Anaxagoras còn lý giải hiện tượng mặt trăng thỉnh thoảng "tối đen như mực" là do mặt trăng, mặt trời và trái đất xếp thẳng hàng. Khi ấy, mặt trăng nằm sau bóng trái đất và được biết đến là hiện tượng nguyệt thực. Ông cũng đề cập đến việc mặt trăng, mặt trời và trái đất thẳng hàng, trong đó mặt trăng ở giữa thì bầu trời sẽ tối vào ban ngày. Khoa học ngày nay gọi đó là hiện tượng nhật thực.

Những khám phá của Anaxagoras mang tính cách mạng, đánh dấu sự rời bỏ những cách giải thích thần bí về các thiên thể vốn thống trị tư tưởng cổ xưa. Thay vào đó, ông ủng hộ cách tiếp cận hợp lý và khoa học, bắt nguồn từ việc quan sát và tìm hiểu. Sự sẵn sàng thách thức hiểu biết thông thường khiến ông vừa được ngưỡng mộ vừa bị đưa vào tầm ngắm. Một số người ca ngợi ông là một nhà tư tưởng có tầm nhìn xa trong khi những người khác lên án ông vì cho rằng ông là kẻ vô đạo.

Ngoài ra, Anaxagoras đề xuất một lý thuyết vũ trụ học mang tính cách mạng, khác với những giải thích thần thoại truyền thống. Ông thừa nhận rằng vũ trụ bao gồm vô số hạt nhỏ gọi là "Nous" hay "Hạt giống", mỗi hạt chứa các nguyên tố của mọi chất. Những hạt này chuyển động không ngừng, sự sắp xếp và kết hợp của chúng quyết định tính chất của vạn vật trong vũ trụ.

triet hoc 2.jpg

Anaxagoras đã dẫn dắt tinh thần khoa học đến Athens cách đây 2.500 năm, gieo mầm cho một truyền thống triết học sản sinh ra các thế hệ triết gia vĩ đại như Socrates, Plato và Aristotle.

Những ý tưởng của Anaxagoras đã đẩy ông đến bờ xung đột với các nhà chức trách tôn giáo và chính trị của Athens. Vào năm 450 trước Công nguyên, ông phải đối mặt với sự đàn áp pháp lý, bị kết án tử hình. Bạn của ông, chính trị gia người Athen Pericles đã can thiệp để giảm xuống thành trục xuất. Ông bị buộc phải rời Athens, sống lưu vong phần còn lại của cuộc đời ở Lampsacus, một thành phố ở khu vực ngày nay là Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, theo Science News.

Dù bị lưu đày nhưng di sản triết học của Anaxagoras vẫn tồn tại, định hình tư tưởng của các thế hệ triết gia Hy Lạp tiếp theo. Những ý tưởng của ông có ảnh hưởng sâu sắc đến Plato và Aristotle, hai nhân vật kiệt xuất trong lịch sử triết học phương Tây. Đặc biệt, Plato bị hấp dẫn bởi khái niệm “Nous” của Anaxagoras trong khi Aristotle phát triển ý tưởng dựa trên nền tảng của vị tiền bối.

Những đóng góp của Anaxagoras cho triết học, khoa học và sự hiểu biết về thế giới tự nhiên rất sâu rộng. Sự nhấn mạnh của ông vào việc tìm hiểu hợp lý và những giải thích tự nhiên 2500 năm trước đã đặt nền móng cho cuộc cách mạng khoa học sẽ diễn ra trong những thế kỷ sau. 

Khái niệm “Nous” hay sự vận động của các vị tinh thể thể hiện sự thay đổi mô hình trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại, thách thức niềm tin tôn giáo và thần thoại truyền thống. Mặc dù phải đối mặt với sự đàn áp pháp lý và lưu đày, những ý tưởng của Anaxagoras vẫn tiếp tục gây tiếng vang và định hình tiến trình phát triển triết học phương Tây.

Để tôn vinh cho những đóng góp và ảnh hưởng của Anaxagoras đối với ngành khoa học hiện đại, tên của ông được đặt cho miệng núi lửa ở gần cực Bắc của Mặt trăng.

Theo TỬ HUY (VietNamNet)