Cựu chiến binh Lào lưu giữ những ký ức không thể nào quên

17/07/2022 - 08:34

Các cựu chiến binh Lào từng sát cánh với bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam vẫn không thể nào quên được những năm tháng cùng chung chiến hào cùng tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa".

Trung tá Bounthan Manivong (trái) và Trung tá Khamdy Vannahak (phải) hồi tưởng về những năm tháng sát cánh cùng bộ đội Việt Nam trên Cánh Đồng Chum-Xiengkhuang. (Ảnh: Phạm Kiên/TXTVN)

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, các cựu chiến binh Lào từng sát cánh với bộ đội tình nguyện và chuyên gia tình nguyện Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Lào trong các cuộc chiến chống kẻ thù chung, giành độc lập và tự do cho người dân hai nước vẫn không thể nào quên được những năm tháng cùng chung chiến hào, trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa," bởi đối với họ, đó là những ký ức chẳng thể nào quên.

Cánh đồng chum-Xiengkhouang vào một ngày tháng 5/2022, thời tiết đỏng đảnh như cô gái đang tuổi xuân thì, thoáng nắng, chợt mưa khó đoán.

Tuy nhiên, điều đó chẳng thể cản được bước chân của hai người cựu chiến binh già đi thăm lại chiến trường khốc liệt năm xưa.

Vừa chậm rãi bước quanh những chiếc chum vỡ toác nằm đổ ngổn ngang trên mặt đất, đôi khi lại chỉ tay vào một hố bom to tướng hoặc vài đoạn hào còn sót lại sau chiến tranh để nhắc nhở về những ngày tháng khốc liệt năm nào, Trung tá Bounthan Manivong vừa kể lại cho chúng tôi về những ký ức mà đã nhiều thập kỷ đã trôi qua, ông chẳng thể nào quên được.

Theo Trung tá Bounthan Manivong, ông sinh ra và lớn lên tại Xiengkhouang, Bắc Lào, một khu vực có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về quân sự, địa bàn mà ta và địch đều ra sức giành giật và bên nào cũng muốn chiếm giữ.

Ông Bounthan hồi tưởng, trong những năm 1970, đơn vị ông cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam đã tham gia nhiều chiến dịch và trận đánh, trong đó có hai trận mà ông rất nhớ. Đó là vào năm 1970, đại đội 125 của ông cùng tham gia phòng ngự tại Phou Nghiu, Meuang Mok. Tại đây, đơn vị ông cùng phía Việt Nam có nhiệm vụ có nhiệm vụ bảo vệ đỉnh núi và khu vực đó.

Ông cho biết: “Trong quá trình bảo vệ khu vực trên, kẻ thù đã rất nhiều lần dùng bộ binh, pháo lớn và máy bay tấn công chúng tôi. Ngoài chiến đấu, chúng tôi còn phải cắt đường về Việt Nam để lấy lương thực sang Meuang Mok, ở khu vực Nam Mo. Để ngăn chặn, bọn địch dùng máy bay bắn phá và thả bom lớn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và đoàn kết bên nhau, chúng tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn, vận động người dân ở khu vực để có được lương thực và tiếp tục chiến đấu và bảo vệ thành công khu vực trên theo nhiệm vụ mà cấp trên giao phó.”

Ở trận thứ hai vào năm 1971, đơn vị ông chuyển từ Phou Nghiu sang phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam ở Meuang Ngan.

Đây là một trong những trận đánh khó khăn vì đơn vị của ông và bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một đơn vị nổi tiếng của Vàng Pao, được trang bị vũ khí hiện đại.

Với sự mưu trí, dũng cảm và sự đoàn kết, phối hợp hiệu quả, quân tình nguyện Việt Nam cùng với quân đội Pathet Lào không chỉ đánh tan lực lượng Vàng Pao tại Meuang Ngan, mà còn đưa được nhân dân từ vùng địch chiếm đóng về vùng giải phóng an toàn.

Theo Trung tá Bounthan, đó là những năm tháng vô cùng khốc liệt với nhiều gian khổ, hy sinh và khó khăn, thiếu thốn nhiều bề, nhưng điều mà ông nhớ nhất, cái khiến ông không thể quên và sẽ chẳng bao giờ quên đó là tình người, tình đồng chí, đồng đội, giữa quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam với bộ đội và nhân dân Lào.

Ông chia sẻ: “Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng chưa khi nào tôi quên được tình đoàn kết, cũng như những khó khăn mà chúng tôi đã cùng sống, cùng chiến đấu và chia sẻ với nhau để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình chiến đấu bên nhau, bộ đội Lào cùng quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam luôn coi nhau như anh em một nhà, cùng kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, ngủ bên nhau, ăn cùng một nồi cơm, thậm chí khi thiếu quần áo, còn mặc chung của nhau. Dù đôi khi không hiểu hết tiếng của nhau, nhưng chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau mọi thứ, đó là những tình cảm quý giá, chân thật không đâu có được.”

Đặc biệt, theo ông Bounthan, bộ đội và người dân Lào rất thương bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, lý do là vì họ phải xa gia đình, rời quê hương, Tổ quốc để sang Lào làm nhiệm vụ.

Bản thân ông, dù đã hơn 40 năm, nhưng ông vẫn nhớ rõ đồng chí Bounchan, tên tiếng Lào, hay tên tiếng Việt là Khang của đoàn chuyên gia Việt Nam tại đại đội ông khi đó, đồng thời bày tỏ hy vọng ông Khang vẫn còn sống và có cơ hội được gặp lại ông Khang, cũng như các đồng chí bộ đội tình nguyện Việt Nam từng sát cánh bên ông trên các chiến trường tại Lào, đặc biệt là chiến trường Cánh đồng chum-Xiengkhuang.

Không phải trực tiếp cầm súng chiến đấu nhiều như ông Bounthan, nhưng với Trung tá Khamdy Vannahak, ký ức về những năm tháng được làm việc với chuyên gia Việt Nam vẫn in đậm và vẹn nguyên trong ông sau nhiều thập kỷ.

Cứ mỗi lần có dịp thăm lại Cánh đồng chum-Xiengkhuang, trong ông lại trào dâng lên những hình ảnh khốc liệt khi bộ đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam và địch giành giật nhau mảnh đất chiến lược này, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 1966-1969 và 1970-1972.

Tâm sự với phóng viên TTXVN, Trung tá Khamdy cho biết ông vào bội đội năm 1966 và được phiên chế về Đại đội Thông tin, Bộ Chỉ huy khu vực quân sự Xiengkhuang. Khi đó trong đại đội ông đang có các chuyên gia Việt Nam tên là Bội, Nhai và Khởi.

Để công tác chỉ huy, chỉ đạo thông tin được thông suốt và luôn đảm bảo bí mật, các chuyên gia Việt Nam đã cùng ăn cùng ở với đơn vị ông, giúp đỡ, đào tạo các cán bộ, chiến sĩ trong đại đội ông về nghiệp vụ.

Ông cho biết: “Từ năm 1966-1969, các chuyên gia Việt Nam lúc nào cũng cùng ăn cùng ở, kề vai sát cánh với đại đội tôi, đào tạo tôi và các cán bộ chiến sĩ trong đại đội từ tiếng Việt, đến kiến thức và chuyên môn nghiệp vụ theo đúng tinh thần ‘hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa.’ Nhờ sự chỉ dạy nhiệt tình, tận tâm tận sức của các chuyên gia Việt Nam, Đại đội Thông tin của tôi sau này đã trở thành Đại đội Anh hùng, nhiều người sau này đã được đi học ở Việt Nam, đi học ở Liên Xô".

Trung tá Bounthan Manivong (trái) và Trung tá Khamdy Vannahak (phải) hồi tưởng về những năm tháng sát cánh cùng bộ đội Việt Nam trên Cánh Đồng Chum-Xiengkhuang. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo Trung tá Khamdy, nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng đến giờ nhìn lại, ông vẫn thấy khó có nơi nào, có nước nào có thể làm được như Lào và Việt Nam, về tình đoàn kết, về quan hệ liên minh chiến đấu, cùng sống chiến đấu, cùng chia sẻ và giúp đỡ nhau mọi thứ, kể cả máu xương.

Rưng rưng xúc động chia sẻ với phóng viên, ông Khamdy cho biết dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm, đến nay, Việt Nam vẫn chưa thể thu thập hết hài cốt các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào.

Chỉ riêng trong mùa khô 2021-2022, đội công tác đặc biệt của Việt Nam đã tìm được tại tỉnh Xiengkhuang tới 85 bộ hài cốt của các chuyên gia và bộ đội Việt Nam hy sinh tại tỉnh.

Điều này không chỉ cho thấy sự khốc liệt của Chiến trường Cánh đồng chum-Xiengkhuang, mà còn để thế hệ trẻ nhận thức được rằng, cái giá của nền hòa bình mà họ đang được hưởng hôm nay, để từ đó nhớ rằng có ngày đó thì mới có hôm nay và tiếp tục bảo vệ, gìn giữ, vun đắp cho mối quan hệ vô giá này.

Chiến tranh đã lùi xa, những hố bom ngày nào trên chiến trường Cánh đồng chum-Xiengkhuang đã bị thời gian khỏa lấp và bị cỏ xanh phủ kín. Chia tay các cựu chiến binh Lào, chia tay cánh đồng chum huyền bí, thầm cảm ơn những hồi ức quý báu của hai cụ, chúng tôi thêm hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của liên minh chiến đấu Lào-Việt, về câu thơ “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo PHẠM KIÊM - BÁ THÀNH (TTXVN/Vietnam+)