An Phú là huyện đầu nguồn sông Hậu, có đường biên giới khá dài, nhiều đường mòn lối mở, kéo theo tình hình biên giới khá phức tạp, như: Người dân qua lại không đúng quy định, vi phạm quy chế biên giới; tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, ma túy thường xuất hiện… Chung sức xử lý tình trạng này, Hội CCB huyện, các đồn biên phòng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, tổ chức chính trị - xã hội đã gặp nhau trao đổi, xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động ngay từ đầu năm. Họ cùng phối hợp tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng; cán bộ, hội viên CCB, lực lượng vũ trang và Nhân dân, giúp đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới.
Công tác phối hợp càng chặt chẽ hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Lúc này, tình hình qua lại biên giới rất phức tạp. Một số đối tượng móc nối, liên hệ đưa rước người xâm nhập biên giới trái phép, làm cho dịch bệnh lây lan rất nhanh. Có lúc, địa bàn huyện An Phú gần như là tâm điểm dịch COVID-19 của tỉnh. Bước vào “trận chiến” chưa từng có tiền lệ, trên cơ sở kế hoạch phối hợp đã ký kết trước đây, Hội CCB huyện, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành điều chỉnh bổ sung phù hợp. Giải pháp tối ưu nhất là tăng cường nhân lực, tập trung cho công tác phòng, chống dịch; chống xuất, nhập cảnh trái phép, bảo vệ vững chắc biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hội Cựu chiến binh huyện An Phú đề ra nhiều hoạt động chăm lo cho hội viên
Chủ tịch Hội CCB huyện An Phú Lê Văn Khóm nhớ lại: “Thời điểm đó, toàn huyện xây dựng 85 tổ, chốt dọc theo tuyến biên giới để kiểm soát người, phương tiện qua lại. Không ngại khó, ngại khổ về tuổi tác, về sức khỏe, 85 CCB xung phong trực luân phiên cùng cán bộ biên phòng và dân quân, kéo dài suốt thời gian dịch. CCB huyện còn tham gia trực ở khu cách ly, tham gia cùng đội truy vết, lực lượng trực ở các điểm giáp ranh xã với xã… Mọi “điểm nóng” đều có sự xuất hiện, góp sức của CCB. Tổng cộng, hơn 200 CCB toàn huyện bám trụ, tích cực phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Qua đó, phối hợp tuần tra 835 cuộc; phát hiện 435 vụ vi phạm an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên tuyến biên giới, liên quan 536 đối tượng. Điển hình, như: 143 vụ vượt biên trái phép, liên quan 236 đối tượng; 16 vụ tội phạm ma túy, liên quan 18 đối tượng…”.
Những ngày tháng “chống dịch như chống giặc” ấy, có bóng dáng nhỏ bé, cần mẫn của CCB Trần Thị Tươi (66 tuổi, Chủ tịch Hội CCB xã Nhơn Hội). Bà phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã gói bánh tét tặng các chốt trực trên tuyến biên giới; tổ chức nấu ăn phục vụ điểm cách ly thị trấn Long Bình liên tục 3 buổi/ngày, trên 15.000 suất cơm; tiếp nhận, phân phối trên 30.000 phần rau, củ, quả cho “Chuyến xe 0 đồng” ở các khu cách ly. Ngoài ra, bà còn vận động gia đình, người thân tổ chức nấu trên 1.500 suất cơm (trên 30 triệu đồng) phục vụ đón tiếp người dân từ các tỉnh về tránh dịch; vận động 250 phần quà hỗ trợ cho gia đình hội viên CCB gặp khó khăn trong thời gian cách ly (100 triệu đồng). Bà đến từng hộ gia đình hội viên thăm hỏi, tặng quà, động viên nhau yên tâm phòng, chống dịch COVID-19. Từng việc làm ý nghĩa của bà gom góp lại, giúp phong trào thi đua “CCB gương mẫu” tạo được sức lan tỏa rộng rãi, được đông đảo hội viên tích cực hưởng ứng.
Khi dịch bệnh qua đi, bình yên trở lại, nữ CCB này tiếp tục công việc gắn kết xã hội. 5 năm qua, bà giới thiệu cho 56 hộ hội viên CCB vay vốn trên 2 tỷ đồng; giúp 6 hội viên thoát nghèo; vận động cất mới 11 căn nhà Đồng đội; hỗ trợ phẫu thuật cho 3 ca mắc bệnh tim bẩm sinh; 9 chiếc xe lăn cho người khuyết tật đi lại và bán vé số; vận động gắn tay chân giả cho 2 hội viên; vận động hỗ trợ 15 chiếc xe đạp cho con em hội viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
“Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân, không thể làm việc lớn lao, tôi chọn cách góp một phần nhỏ, chia sẻ bớt khó khăn trong cuộc sống cho hội viên CCB và người dân địa phương. Có thể huy động nguồn lực bao nhiêu tôi nỗ lực bấy nhiêu, không nề hà vất vả, cực nhọc” - CCB Trần Thị Tươi chia sẻ. Bà khiêm tốn cho rằng, đóng góp của mình rất nhỏ, nhưng với xã hội, đó lại là những thành tích lớn lao. Ghi nhận điều đó, 5 năm qua, bà được trao tặng 1 bằng khen của UBND tỉnh, 5 bằng khen của Hội CCB tỉnh, 10 giấy khen của UBND huyện; 3 giấy khen của UBND xã; danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”, 2 lần “Lao động tiên tiến”...
Thành tích của nữ CCB Tươi nói riêng, của Hội CCB huyện An Phú nói chung đã vẽ nên bức tranh đầy nhiệt huyết của những “CCB gương mẫu” thời bình, giai đoạn 2019 - 2024. “Lúc hoạt động thường xuyên hay lúc khó khăn trong dịch bệnh, cán bộ, hội viên CCB huyện luôn phát huy phẩm chất, truyền thống của bộ đội Cụ Hồ, trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, xứng đáng là lực lượng chính trị nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương” - ông Lê Văn Khóm tự hào.
Câu chuyện “thời chống dịch” có thể trở thành ký ức khá xa xôi với nhiều người. Nhưng những thành tích của Hội CCB huyện An Phú sẽ được nhắc lại lần nữa tại Đại hội lần thứ VII Trung ương Hội CCB Việt Nam (dự kiến tháng 12/2024), tuyên dương lực lượng CCB sẵn sàng xông pha nơi biên giới.
GIA KHÁNH