Đa dạng mô hình nông nghiệp hiệu quả

23/09/2022 - 07:07

 - Tận dụng lợi thế nông nghiệp, nông dân ở các địa phương trong tỉnh chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các mô hình hiệu quả, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lớn, ít chịu ảnh hưởng từ biến động của thị trường. Bên cạnh đó, nông dân không ngừng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, chủ động đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật… Nhờ vậy, giúp tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, nông nghiệp của tỉnh dần phát triển theo hướng công nghệ cao, áp dụng khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến. Diện tích sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng trưởng liên tục, đến nay đã chiếm hơn 12% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Các mô hình, như: Ứng dụng máy cấy lúa trong sản xuất lúa giống; mô hình sản xuất lúa ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật; mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ quản lý nước IoT; mô hình sản xuất lúa ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật… đang phát huy hiệu quả.

Đến nay, diện tích lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt tỷ lệ đạt 89,6%; áp dụng “1 phải, 5 giảm” đạt 47,1%. Các địa phương ghi nhận sự chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao; sản xuất theo hướng bền vững, sản xuất có chứng nhận, có khả năng truy xuất nguồn gốc. Các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP… được tăng cường áp dụng.

Đến nay, diện tích cây ăn trái được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP đạt khoảng 900ha; mô hình “Cánh đồng lớn” sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn SRP được hình thành với diện tích ngày càng tăng…

Thời gian qua, nông dân ở các địa phương không chỉ tập trung phát triển kinh tế theo kiểu cá thể, hộ gia đình mà hướng đến việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc thành lập các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn. Từ đó, liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Chính những người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, đã dần chủ động liên kết lại với nhau hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các “Cánh đồng lớn” để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Điển hình như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo thực hiện liên kết tại các huyện: Thoại Sơn, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân, Châu Thành; vùng liên kết sản xuất thủy sản (cá tra) quy mô lớn tại TP. Long Xuyên, huyện Châu Phú; vùng liên kết chăn nuôi heo tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú; vùng liên kết chuyên canh trồng xoài tại huyện Chợ Mới, An Phú; vùng liên kết trồng chuối cấy mô tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn...

Qua đó, tạo điều kiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm.

Ông Võ Văn Em (ngụ xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) là một trong những nông dân đầu tiên mang cây sầu riêng về vùng cù lao Chợ Mới để phát triển từ nền đất ruộng. Ban đầu, ông Em chỉ triển khai trồng thử nghiệm với với diện tích 1ha sau nhà để ghi nhận tính thích nghi, học hỏi, trau dồi kỹ thuật canh tác…

Từ hiệu quả mang lại, đến nay, vườn sầu riêng của ông Em đã phát triển lên 5ha với các loại sầu riêng Ri6, Monthong (Thái Lan), Musang King (Malaysia)… Không chỉ phát triển vườn sầu riêng của gia đình, ông Em còn hướng đến chuỗi liên kết với những nông dân trong và ngoài tỉnh, hình thành vùng chuyên canh sầu riêng sạch, an toàn, kết nối cung ứng hàng hóa cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch.

Ông Em hiện đang cung ứng cho nông dân cây giống sầu riêng chất lượng, kèm theo đó là hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, kích thích ra hoa, đậu trái, cũng như thu mua lại sản phẩm khi đến mùa thu hoạch.

“Khi xây dựng được vùng nguyên liệu, tôi sẽ hướng dẫn nông dân cho trái theo hướng rải vụ, đảm bảo được trái cung cấp quanh năm, nguồn cung đầy đủ, không lo đụng hàng, mất giá, lợi nhuận thu được nhiều hơn. Năm trước, có khoảng 20ha sầu riêng của bà con trong chuỗi liên kết chuẩn bị kỹ thuật cho ra hoa, thời điểm này năm sau là có sầu riêng sạch cung ứng cho thị trường” - ông Em thông tin.

Ông La Tráng Kiện (xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) mạnh dạn đổi mới khi mang cây đậu nành rau về phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco). Nhờ được hỗ trợ kỹ thuật từ chăm sóc đến xử lý sâu bệnh, cung cấp giống, ông Kiện mạnh dạn mở rộng diện tích từ 4.000m2 trồng thử nghiệm ban đầu lên 80.000m2, đều có hợp đồng liên kết tiêu thụ.

Theo ông Kiện, cây đậu nành rau có thời gian canh tác ngắn, khoảng 2 tháng đã cho thu hoạch. Liên kết tiêu thụ với Antesco, nông dân không phải lo đầu ra, chỉ tập trung canh tác để đạt năng suất cao, tăng lợi nhuận” - ông Kiện giải thích.

Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng có định hướng, mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với định hướng của tỉnh, ngành chuyên môn, những mô hình tiên phong, có hiệu quả sẽ là nền tảng giúp bà con nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, tập trung nâng cao giá trị, đa dạng các mặt hàng nông sản theo nhu cầu của thị trường.

ÁNH NGUYÊN