Đa Phước trên đường phát triển

22/05/2020 - 04:11

 - Hôm nay (ngày 22-5), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nông thôn mới (NTM) Đa Phước (An Phú, An Giang) vui mừng với sự kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Với quyết tâm của toàn Đảng bộ, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề để Đa Phước tiếp tục phát triển đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đạt đô thị loại IV và thành lập thị trấn Đa Phước.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Phước Nguyễn Văn Dũng cho biết, những năm qua, xây dựng NTM của xã Đa Phước đã tạo được sự đồng thuận, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực của các tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai thực hiện đồng bộ, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình tham gia tích cực của nhân dân.

5 năm qua, với sự tích cực đóng góp của nhân dân cùng với ngân sách nhà nước, đã đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) như: điện, đường, trường, trạm…), với 73 công trình, tổng vốn đầu tư là 250 tỷ đồng (trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 55 tỷ đồng)… tạo nền tảng vững chắc phát triển KTXH, xây dựng xã đạt chuẩn NTM (năm 2018) và đạt đô thị loại IV.

Hiện, trên địa bàn xã có 4 dự án được đầu tư, trong đó 1 dự án khu dân cư đô thị Cồn Tiên (giai đoạn I) sắp hoàn thành, Nhà máy cung cấp nước sạch, Nhà máy xay xát và chế biến lúa gạo Đa Phước, bến khách ngang sông Đa Phước - Châu Phong, với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng góp phần phát triển KTXH, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Địa phương luôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cây lúa sang cây màu có giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, còn vận động nhân dân đóng góp tiền của, hiến đất trị giá trên 10 tỷ đồng để nâng cấp và bê-tông hóa trên 25km đường giao thông nội đồng, nạo vét các tuyến kênh - mương thủy lợi phục vụ tốt cho việc sản xuất của nông dân. Từ đó, sản xuất nông nghiệp luôn ổn định và có bước phát triển, sản lượng lương thực đạt 102.999 tấn, đạt 114,44% chỉ tiêu nghị quyết.

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xã Đa Phước triển khai được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng rau màu trong nhà lưới, ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trên cây ăn trái, sản xuất lúa hữu cơ và các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững của dự án VnSat…

  Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm phát triển; công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện tốt, vận động tiền và hiện vật trị giá trên 1,5 tỷ đồng để giúp đỡ nhiều học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng, sửa chữa trường lớp… góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và từng bước xây dựng xã hội học tập.

Xã Đa Phước trên đường phát triển. Ảnh: HỮU HUYNH

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống xã hội; toàn xã hiện có 4.653/4.758 hộ gia đình văn hóa, đạt 98%, 4/4 ấp giữ vững danh hiệu ấp văn hóa, 5/5 đơn vị giữ vững cơ quan văn hóa và đạt chuẩn xã văn hóa NTM. Tích cực vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để cất mới và sửa chữa nhà cho gia đình chính sách được 58 căn, trị giá trên 1,3 tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo, xã hội - từ thiện được quan tâm và thực hiện có hiệu quả, thông qua các cuộc vận động quỹ Vì người nghèo, quỹ Xã hội từ thiện, đã vận động các nguồn lực xã hội đóng góp tiền và hiện vật trị giá trên 17 tỷ đồng để cất mới và sửa chữa trên 272 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương, xóa toàn bộ nhà tạm dột nát; mua 3 xe chuyển bệnh miễn phí, trợ giúp vốn, khám bệnh, tặng quà Tết và công tác xã hội - từ thiện… giúp đỡ hàng ngàn lượt người nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,87% (giảm 1,82% so với đầu nhiệm kỳ).

Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm thực hiện có hiệu quả, đã đào tạo và giải quyết việc làm cho 3.250 lao động ở nông thôn, đạt 325% chỉ tiêu nghị quyết… Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 55,612 triệu đồng (tăng trên 32,684 triệu đồng so với năm 2015).

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đa Phước Nguyễn Văn Dũng cho biết, xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, Đảng bộ luôn chủ động đề ra nhiều mô hình hoạt động mới để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên và xây dựng đội ngũ cán bộ, nổi bật nhất là: mô hình “Đảng viên phụ trách hộ nghèo”, mô hình “Cán bộ, đảng viên gương mẫu xây dựng NTM”… Đặc biệt là mô hình “Diễn đàn ý Đảng - lòng dân”, thông qua mô hình này đưa tất cả cán bộ, đảng viên ra tự phê bình trước nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Nhiệm kỳ 2020-2025, xã Đa Phước tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư của nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KTXH, xây dựng Đa Phước đạt chuẩn xã NTM nâng cao, đạt đô thị loại IV và thành lập thị trấn Đa Phước. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững; phát triển mạnh các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch… Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải tiến nhanh và hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng và chỉnh đốn Đảng ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới.

HỮU HUYNH