Tiết mục múa hát Dậm Quyển Sơn tại đền Trúc, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.
Quyển Sơn là vùng đất từ cầu Đồng Sơn (xã Liên Sơn) đến giáp thôn Thanh Nộn (xã Thanh Sơn), hiện nay thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng. Nơi đây có đền Trúc - vị Anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, danh tướng có công bình Tống, phạt Chiêm, giữ vững bờ cõi đất nước. Lễ hội đền Trúc diễn ra vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hằng năm.
Ngoài các nghi lễ và các trò vui, lễ hội ấn tượng nhất là màn hát múa thờ Lý Thường Kiệt. Những điệu hát múa ấy gọi là hát Dậm (Dặm) Quyển Sơn. Tương truyền, chính ông là người dạy dân nơi đây hát Dậm sau khi thắng giặc Chiêm Thành từ phía Nam trở về.
Hát Dậm Quyển Sơn (hay còn gọi là tục hát thờ thần) do một cụ trùm (người đứng đầu) truyền dạy, các cô gái thanh tân tiếp nối nhau theo cụ trùm hát thờ mỗi khi đến hội. Khi diễn xướng cụ trùm mặc váy áo vàng hoặc đỏ đứng giữa trước bàn thờ thánh, “quân” là những cô gái đứng xếp theo hai hàng dọc hai bên.
Các cô gái mặc áo dài nâu 5 vạt hoặc áo dài mầu trắng, hoặc mầu xanh, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng mầu hoa lý, đầu chít khăn mỏ quạ duyên dáng. Hát Dậm không có nhạc cụ kèm theo, cụ trùm cầm đôi sênh tre gõ nhịp lúc nhanh, lúc chậm tùy theo bài hát để điều khiển. Khi múa thì các cô gái dùng quạt giấy mầu làm động tác biểu hiện nội dung.
Để tránh nhầm lẫn và sai hội, cụ trùm thường cất giọng và làm động tác mẫu để các cô gái cứ thế làm theo. Điều đặc biệt nhất của hát Dậm là lối hát tập thể, đồng ca, tiếp sức nhau hay còn gọi là hát đối. Đây là biểu hiện đặc trưng nhất của hát Dậm, là hình thức giữ sức, giữ giọng cho người hát. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát Dậm không giống với bất cứ dân ca nào ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Hát Dậm gồm 38 làn điệu, mỗi làn điệu lại có một nội dung và nghệ thuật thể hiện khác nhau. Chính sự phong phú đa dạng này đã tạo nên nét độc đáo riêng có của hát Dậm. Vui có, buồn có, có bi có hùng, có dài có ngắn, có êm xuôi phẳng lặng có gập ghềnh trắc trở, với đủ sắc màu của cuộc sống nội tâm, phản ánh chân thực đời sống kinh tế-xã hội, tôn giáo của người dân xưa kia thông qua những điệu hát múa.
Mỗi điệu một bài, có bài nhiều lời ca, có bài chỉ có lời ca đơn giản về một sự vật, sự việc cụ thể, đơn giản, lại có bài lời hát lấy từ ca dao cổ. Hát Dậm Quyển Sơn là thể loại âm nhạc dâng lên thần thánh có tính chất dân dã thôn quê mộc mạc, gần gũi dễ nghe, dễ hiểu, dễ hát, dễ nhớ với những người nông dân quanh năm gắn bó ruộng đồng. Những điệu múa trong hát Dậm cũng tương đối đơn giản, không có nhiều động tác cầu kỳ khó diễn.
Ngoài đền Trúc, Lý Thường Kiệt còn được thờ tại đình Quyển Sơn. Hát Dậm thường được biểu diễn tại những lễ hội đặc biệt của làng và chỉ có thể hát ở nội cung đình và sân đền. Có những lúc hát Dậm Quyển Sơn bị “đứt đoạn”, nhưng bằng tình yêu với di sản quê hương, các cụ cao niên cùng người dân nơi đây đã nỗ lực khôi phục. Ngày nay, hát Dậm Quyển Sơn đã được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ĐÀO PHƯƠNG (Báo Nhân Dân)