Cá thòi lòi (hay cá leo cây) thuộc họ cá bống trắng, thường sống và đào hang trú ngụ trong rừng ngập mặn hay đất bồi ven biển, ven sông,... Ở Việt Nam, Cà Mau được ví như "thủ phủ" của cá thòi lòi.
Loài cá này có vẻ ngoài xấu xí với kích thước nhỏ chỉ khoảng 1-2 đầu ngón tay. Cặp mắt của chúng khá to, phình hơn cả đầu nên hình dáng trông rất kỳ dị. Cá thòi lòi có thể sống được cả trên cạn và dưới nước. Thậm chí, chúng còn "biết bay" và leo cây thoăn thoắt nhờ hai chiếc vây trước khỏe mạnh, hoạt động như một đôi tay.
Cá thòi lòi là một trong những sản vật được thiên nhiên ban tặng cho người dân Cà Mau nói riêng và các tỉnh miền Tây nói chung (Ảnh: Chí Thiên).
Cá thòi lòi từng được Tổ chức Sinh vật thế giới liệt kê vào danh sách một trong 6 con vật "kỳ lạ nhất hành tinh" bởi những đặc điểm cấu tạo độc đáo trên cơ thể.
Để bắt được loài cá này, người dân địa phương có nhiều cách như đặt bẫy, cắm câu vào ban ngày hay soi đèn vào ban đêm,... Khi bị soi đèn vào mắt, cá trở nên bất động và mất phương hướng nên người dân dễ dàng bắt hơn. Tuy nhiên, việc đặt bẫy vẫn được xem là phổ biến và hiệu quả nhất.
Người ta thường tạo bẫy từ nhiều vật liệu như dùng sà vi (được làm bằng lá dừa nước, hình dáng như một chiếc lợp) hoặc tái chế chai lọ cũ làm bẫy đặt trước cửa hang của cá. Khi nước cạn, cá thòi lòi bắt đầu bò ra ngoài sẽ bị mắc vào bẫy mà không thể thoát ra. Người dân nhanh tay nhấc bẫy, gom cá mang về.
Người Cà Mau thường đánh bắt cá thòi lòi bằng cách đặt bẫy trước cửa hang của chúng (Ảnh: Võ Thế Vũ).
Tuy có vẻ ngoài xấu xí, kỳ dị nhưng cá thòi lòi lại là đặc sản "trời ban" được người bản địa cũng như du khách thập phương vô cùng yêu thích. Nhiều người còn kiếm thêm thu nhập nhờ việc săn bắt loài cá xấu "hết phần thiên hạ" này.
Để chế biến cá thòi lòi, người ta phải đem cá đi làm sạch, loại bỏ hết nhớt trên da. Loài cá này sống trong môi trường tự nhiên nên thịt rất thơm ngon và săn chắc. Bởi vậy, nhiều nhà hàng, quán ăn ở thành phố hay cả những thực khách sành ăn sẵn sàng chi tiền để mua chúng với giá cao.
Cá thòi lòi tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ăn ngon nức tiếng phương Nam (Ảnh: Cá Cà Mau).
Cá thòi lòi là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn như kho tiêu, nấu lẩu chua, chiên xù, nướng muối ớt,... Mỗi món có một cách chế biến và hương vị khác nhau nhưng đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng thực khách.
Với món cá nướng muối ớt, người ta đem cá làm sạch rồi xiên vào các que tre dài. Cá được nướng trên bếp than để dậy mùi thơm. Nướng đến đâu, đầu bếp sẽ quệt liên tục hỗn hợp muối, ớt và dầu điều lên đến đó để cá ngấm đều các gia vị cũng như có màu sắc đẹp mắt. Khi một mặt cá chín thì lật mặt còn lại lên nướng tiếp.
Món cá nướng có lớp da vàng, giòn rụm, thơm nức mũi. Thịt cá trắng, săn chắc và mềm. Khi thưởng thức, thực khách chỉ cần dùng đũa tách thịt cá ra khỏi xương rồi chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua cay, ăn kèm rau thơm. Vị ngọt thơm của cá kết hợp với các gia vị đi kèm tạo thành món ngon lạ miệng "hút" khách.
Canh chua cá thòi lòi (Ảnh: Khởi Hân).
Người miền Tây thường có những món ăn kho tiêu rất "tốn cơm" nên cá thòi lòi cũng được chế biến theo cách này. Cá được làm sạch, tẩm ướp gia vị vừa ăn. Khi kho, người ta thường cho thêm tiêu, nước cốt dừa và mỡ lợn để cá có độ béo ngậy và dậy mùi thơm. Cá phải được kho trong nồi đất, để lửa liu riu đến khi cạn thì mới chín nhừ, đậm đà hương vị.
Cá thòi lòi kho tiêu là một trong những món ăn được người Cà Mau vô cùng yêu thích (Ảnh: iPEC).
Tới Cà Mau, du khách còn được thấy một đặc sản hấp dẫn khác là cá thòi lòi phơi khô. Món này thường được dân nhậu yêu thích vì giòn, thơm, ăn lai rai và có thể bảo quản, sử dụng lâu dài.
Từ món ăn dân dã của người địa phương, cá thòi lòi giờ trở thành đặc sản nức tiếng gần xa (Ảnh: @meomuop91).
Cá thòi lòi nay được bán ở nhiều tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội,... nhưng chỉ khi tới vùng Đất mũi và thưởng thức trực tiếp những con cá thòi lòi vừa được đánh bắt còn tươi rói, khách sành ăn mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị tinh túy của thứ đặc sản "trời ban".
Một điều đặc biệt là cá thòi lòi hiện chỉ sinh sống trong tự nhiên, chưa thể nuôi bằng trang trại nên thực khách muốn thưởng thức phải nhờ người dân đánh bắt thủ công. Chúng cũng được xem là đặc sản "hiếm có khó tìm", có tiền cũng khó mua.
Theo THẢO TRINH (Dân Trí)